Solist dàn nhạc từng kiếm tiền ở ga tàu điện ngầm
(Thethaovanhoa.vn) - Hai trong số những tài năng thành công vào bậc nhất hiện nay (xuất thân từ Nhạc viện TP.HCM): Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, hiện là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM và nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên, hiện là solist thứ ba của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp. Câu chuyện vượt khó để vươn đến thành công của họ là những câu chuyện cảm động và nhuốm màu… bi kịch! Xin bắt đầu từ nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên.
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai
- 'Siêu' đề án đào tạo tài năng nghệ thuật: Nói lại chuyện… đã nói mãi
Hiện nay Nguyễn Hữu Nguyên là solist thứ ba của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp, một dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng của châu Âu. Nhưng hành trình để chiếm được một suất trong dàn nhạc này của Nguyễn Hữu Nguyên, chẳng kém gì một… giai thoại cổ tích.
Quê quán ở Nha Trang và sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc, nhưng cây đàn violon và con đường âm nhạc đến với Nguyên như một sự “cứu rỗi”, một lối thoát khi anh đi theo con đường bóng đá nhưng gia đình không đồng ý.
Nguyễn Hữu Nguyên
Năm 1985, Nguyễn Hữu Nguyên thi vào trung cấp violon Nhạc viện TP.HCM. Tốt nghiệp trung cấp (1989) cũng là năm mà Nguyễn Hữu Nguyên giành giải Nhất Concours Tài năng trẻ violon Giai điệu mùa Thu lần thứ nhất tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM. Ngày đó, Nguyên là một tài năng trẻ đầy triển vọng, Nguyên được ví như một viên ngọc quý “ngoại cỡ” nhưng còn xù xì chưa được mài giũa.
Ngày trước, những học sinh thuộc diện xuất sắc, khi tốt nghiệp trung cấp tại các nhạc viện thường được cử đi học bậc đại học ở nước ngoài. Tuy nhiên, Nguyên tốt nghiệp trung cấp vào năm 1989 cũng là thời điểm mà Việt Nam không còn những suất cho du học sinh tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu như trước đây.
Năm 1991, với sự chỉ đường dẫn lối của nghệ sĩ oboe người Pháp - Maurice Bourgue - nhân một chuyến lưu diễn tại Việt Nam, Nguyễn Hữu Nguyên đã lên đường tìm đến miền đất hứa - kinh đô ánh sáng Paris - nơi có nhạc viện nổi tiếng vào bậc nhất của thế giới.
Nguyên tâm sự, khi đặt chân đến Paris, Nguyên chỉ còn trong túi đúng 100USD. Những ngày tiếp theo trên đất Pháp không phải là những ngày tươi đẹp với cây đàn violon thả hồn theo những giai điệu bất hủ của các nhà soạn nhạc vĩ đại mà là những ngày phải vật lộn với vấn đề sinh nhai, bởi anh phải tự lo cho cuộc sống của mình.
Phần lớn thời gian, Nguyên phải dùng để kiếm tiền nhằm trang trải cho cuộc sống, Nguyên thường đánh đàn ở ga tàu điện ngầm ở Paris như một troubadour thời Trung cổ.
Tuy nhiên, cuộc sống “qua cơn bĩ cực lại thong dong”. Trong một buổi biểu diễn giao lưu của sinh viên trường Alliance Française - một trường dạy tiếng Pháp cho học sinh nước ngoài - sau khi nghe Nguyên chơi vài bài, một người đàn ông - là giám đốc cửa hàng bán quần áo C&A rất lớn ở Pháp - gọi Nguyên ra ngoài trò chuyện.Nguyên kể hết tình cảnh của mình, kể cả việc đánh đàn dưới ga tàu điện ngầm. Ông ta nói rằng: Với tiếng đàn như thế, cậu phải được học tập rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ tài năng.
Người đàn ông này sau đó đã đưa Nguyên đến Les Enfants du Mekong, một tổ chức xã hội hỗ trợ cho những tài năng trẻ dọc sông Mekong. Tại đây, Nguyên được nhận học bổng, hàng ngày không còn bận tâm cho việc kiếm tiên mưu sinh nữa mà chỉ tập trung vào việc học đàn.
Trước đó, Nguyên học violon ở Nhạc viện Boulogne Billancourt, năm 1993 thì thi vào Nhạc viện Paris, Nguyễn Hữu Nguyên đã xuất sắc đậu vào diện có học bổng toàn phần. Từ đó toàn bộ tâm lực Nguyên dành cho cây đàn violon yêu quý của mình, sau khi tốt nghiệp cũng là lúc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp tuyển dụng bổ sung nghệ sĩ violon. Hữu Nguyên đã thi đậu và trở thành thành viên của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng châu Âu này từ năm 1999.
Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, lúc Nguyên đang học Nhạc viện Paris thì em trai Nguyễn Hữu Khôi Nam (cũng học violon) năm 1993 theo chân anh trai sang Pháp để gây dựng sự nghiệp. Ngày Hữu Nguyên đón Khôi Nam từ sân bay, Nguyên đưa thẳng em trai xuống ga tàu điện ngầm ở Paris để đánh đàn như Nguyên đã từng làm trước đây, với ngụ ý muốn Khôi Nam biết được những gian nan, khổ cực hầu toàn tâm toàn ý vào việc học hành.Nguyễn Hữu Khôi Nam sau đó cũng thi đậu vào Nhạc viện Paris, và lúc đang học năm thứ ba, Khôi Nam đã vượt qua gần 90 ứng thí đủ mặt anh tài khắp thế giới để giành 1 trong 3 suất tuyển vào Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp để trở thành thành viên của dàn nhạc này cùng với anh trai của mình.
Đón đọc kỳ cuối: Giám đốc nhà hát giao hưởng từng đi rửa bát…