'Soi sáng' huyền thoại về Leonardo da Vinci sau 5 thế kỷ
(Thethaovanhoa.vn) - Trên truyền hình RAI của Italia,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tuyên bố ông rất muốn đón tiếp Tổng thống Italy tới thành phố Amboise của Pháp, nơi Leonardo da Vinci qua đời, nhân kỷ niệm 500 năm vĩnh biệt danh họa thời Phục hưng này.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Paris và Rome thông báo sẽ lên kế hoạch tổ chức triển lãm “bom tấn” trưng bày gần như toàn bộ tác phẩm của Da Vinci, trong đó có nhiều bức tranh mượn từ các bảo tàng Italy. Ngoài ra, hàng chục triển lãm trưng bày tác phẩm và tôn vinh danh họa này cũng được lên kế hoạch tổ chức trên khắp thế giới.
Và, sau 5 thế kỷ Leonardo da Vinci qua đời (2/5/1519), hãy cùng nhìn lại những câu chuyện mang tính huyền thoại về thiên tài này.
Đi lên từ xuất thân thấp kém
Leonardo da Vinci sinh ngày 15/4/1452 ở Vinci, Tuscany (Italy). Cha mẹ ông, một công chứng viên và một hầu gái 16 tuổi, không kết hôn. Do vậy Da Vinci lớn lên cùng ông nội.
Khoa học và nghệ thuật đều là sở trường của Leonardo da Vinci. Ông tò mò, muốn tìm hiểu thế giới và để cho kiến thức khoa học mà ông lĩnh hội được chảy vào những sáng tác nghệ thuật của mình. Ít người biết, khi còn nhỏ, Da Vinci thường ngồi với một cuốn sách nhỏ trong tay, quan sát những đám mây bay trên trời và viết ra những gì ông quan sát được. Khi trưởng thành, Da Vinci bí mật mổ xẻ các xác chết để mở mang kiến thức của mình về thành phần cơ thể, cơ bắp, khớp và các tỷ lệ.
Leonardo da Vinci thích vẽ và phấn đấu có được một chân tập sự trong studio của nhà điêu khắc nổi tiếng Andrea del Verrocchio. Với studio này, Verrocchio cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật theo sự ủy quyền từ gia đình Medici, gồm các nhà buôn và chủ ngân hàng kiểm soát Florence bằng quyền lực và tiền của mình trong nhiều thế kỷ.
Từ công việc ấy, Da Vinci bước vào những giới cao hơn trong xã hội và trở thành một thành viên của Guild of St. Luke, một hiệp hội của các nghệ sĩ vùng Florence. Trong giai đoạn ấy, ông lặng lẽ vẽ nhiều chân dung Đức Mẹ, giữ một số bức tranh trong studio của mình trong nhiều thập kỷ và vẽ đi vẽ lại.
Phụ nữ dường như có một vị trí đặc biệt đối với danh họa song đó chỉ là trên những tấm toan vẽ. Trong cuộc sống riêng, Leonardo da Vinci quan tâm tới đàn ông hơn. Trong các bức tranh vẽ chân dung, ông còn đi ngược với các quy ước, chọn cách mô tả các người mẫu nữ với ánh mắt nhìn thẳng vào người xem, hơn là nhìn nghiêng, một thông lệ của thời kỳ đó.
Nhưng chỉ coi Da Vinci là một họa sĩ thì quả không công bằng với ông. Bởi ngoài hơn 10 bức tranh hiện được cho là của Da Vinci (ông không để lại nhiều tranh), ông còn có nhiều nghiên cứu về giải phẫu cũng như các bản vẽ phác thảo, bản thiết kế vốn không liên quan gì tới nghệ thuật, điển hình là các bản thiết kế xe tăng, máy bay hoặc thiết bị lặn. Ông đã xây dựng những cây cầu và thiết kế cả một thành phố. Dù vậy, hầu hết các ý tưởng của ông chưa hề được thực hiện.
Florence, Milan và Rome, từng là lãnh địa của Da Vinci. Ông tìm thấy các khách hàng của mình ở những thành phố này, gồm những gia đình giàu có và thậm chí cả Giáo hoàng.
Năm 1516, Vua Pháp Francis I đã mời ông tới cung điện của mình, trả công cho danh họa rất hậu hĩnh và cho ông quyền tự do để dành toàn bộ tâm huyết cho các dự án mà Vua ủy quyền. Một trong những nhiệm vụ của Da Vinci ở đây là tổ chức các lễ hội thật vui vẻ và hoa lệ.
“Nhìn sâu” về các kiệt tác
Salvator Mundi là bức tranh của Leonardo da Vinci hiện đang thuộc quyền sở hữu tư nhân. Bức tranh này được hãng Christie's ở New York đấu giá năm 2017 với giá kỷ lục: 450 triệu USD. Da Vinci cho ra đời bức tranh này vào khoảng năm 1500. Dù vậy, tính xác thực của nó hiện vẫn đang gây tranh cãi. Hồi năm 1958, Salvator Mundi đã được bán với giá 60 USD, bởi người ta không tin đây là tranh của Vinci.
Bức tranh nổi tiếng nhất của Da Vinci là Mona Lisa, được ra đời trong thời đỉnh cao sự nghiệp của danh họa. Hiện Mona Lisa được treo trong bảo tàng Louvre ở Paris. Người ta vẫn chưa rõ Da Vinci hoàn thành bức tranh này vào năm nào và danh tính thực của người mẫu trong tranh cũng chưa được “giải mã”.
Lisa del Giocondo, vợ của nhà buôn lụa Francesco di Bartolomeo di Zanobi del Giocondo, được cho là người mẫu trong tranh, nhưng nhiều sử gia nghệ thuật vẫn hoài nghi về điều này.
Bức chân dung John The Baptist hiện cũng được treo trong bảo tàng Louvre. Vào khoảng năm 1513 và 1515, Da Vinci phục vụ Vatican, có lẽ Giáo hoàng Leo X đã ủy quyền Da Vinci vẽ bức chân dung này. Đây được cho là tác phẩm cuối cùng của Leonardo da Vinci.
Trước Mona Lisa, kiệt tác thực sự của Vinci là bức Last Supper (Bữa tiệc ly). Bức bích họa này được tìm thấy trong Tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan. Bức tranh này đã trải qua nhiều lần phục chế vì kỹ thuật vẽ tranh tường phổ biến trong thế kỷ 15 không bền vững như các bức bích họa được vẽ trên thạch cao, vôi ướt. Tác phẩm nghệ thuật này đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Ngoài ra, cũng phải nhắc tới Madonna Of The Yarnwinder, bức tranh không còn bản gốc của Da Vinci. Thay vào đó, thế giớicòn 2 phiên bản do các học trò của Vinci vẽ. Một phiên bản hiện đang nằm trong một bộ sưu tập cá nhân ở New York. Phiên bản thứ 2 hiện được treo trong Phòng Trưng bày Quốc gia Scotland và ước tính có giá 45,7 triệu USD.
Và cuối cùng, không thể bỏ qua Vitruvian Man, mô tả một người đàn ông với những tỷ lệ lý tưởng, biểu tượng của sự đối xứng của vẻ đẹp. Ít ai biết, bức tranh này được Da Vinci vẽ dựa trên tác phẩm của kiến trúc sư Vitruvius.
Nhìn chung, ngoài tài năng sáng tạo, sự tập trung của Leonardo da Vinci được cho là một trong những lý do giải thích tại sao ông vẽ không nhiều tranh.
Tranh cãi về cái chết Ngày 2/5/1519, Da Vinci đã qua đời ở lâu đài Clos Lucé. Tương truyền, danh họa qua đời trong tay Vua Pháp, người bảo trợ 24 tuổi của mình. Song thực tế, ngày hôm đó Vua Pháp đi du hành. Nhiều người cho rằng có thể Leonardo Da Vinci trút hơi thở cuối cùng trong phòng ngủ của mình trước khi được chôn cất tại nhà nguyện Saint-Hubert trong khuôn viên của lâu đài Amboise của hoàng gia. |
Việt Lâm (tổng hợp)