Sochi thay đổi thế nào sau Olympic mùa Đông?
(Thethaovanhoa.vn) - Từ một thị trấn nghỉ mát nhỏ bé ven Biển Đen, Sochi đã vươn mình trở thành một thành phố hiện đại khi nước Nga đầu tư vào đây khoảng 60 tỷ USD trong vòng bảy năm, kể từ năm 2007 khi Ủy ban Olympic quốc tế quyết định chọn nơi đây là địa điểm đăng cai Olympic mùa Đông 2014.
- Bên lề World Cup: Sochi sau 4 năm tổ chức thế vận hội mùa Đông giờ ra sao?
- Nhờ World Cup, Sochi khoác lên mình tấm áo mới
- Vì World Cup, mọi nẻo đường đang dẫn về Sochi
Nếu như các công trình cơ sở hạ tầng như sân bay, đường sá, nhà ga… vẫn được sử dụng đều đặn mỗi ngày phục vụ cho lượng khách du lịch đến Sochi ngày một đông hơn thì ngược lại, các công trình thể thao nằm trong quần thể Công viên Olympic lại đặt ra một bài toán không đơn giản đối với nước Nga trong việc khai thác hiệu quả khoản đầu tư khổng lồ đã bỏ ra.
Bốn năm sau Olympic mùa Đông 2014, công viên Olympic ở Sochi, trải rộng trên diện tích hơn 200 héc-ta với hàng chục công trình thể thao lớn, trở thành một địa điểm tham quan cho người dân và du khách. Từ trung tâm thành phố Sochi, mất khoảng 45 phút đi tàu là có thể đến với Công viên Olympic, nằm ở quận ngoại ô, bên bờ Biển Đen và cách không xa sân bay quốc tế Adler.
Vì không gian rộng lớn nên các dịch vụ chở khách bằng xe điện, hoặc cho thuê xe máy điện tự lái, xe thăng bằng… để khách đi tham quan quần thể Công viên Olympic trở nên rất phổ biến, với giá cả tương đối phải chăng.
“Nhiều đoàn khách đã sử dụng dịch vụ xe điện để tham quan một vòng Công viên Olympic, vừa tiết kiệm thời gian, vừa không phải đi bộ quá dài”, ông Sergey, một người lái xe điện chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Những người dân địa phương nơi đây thì có thể đạp xe, tản bộ hoặc dắt chó đi dạo. Nhưng vì xa trung tâm thành phố, nên không nhiều khách du lịch chọn địa điểm này để tham quan khi đến Sochi, thay vào đó họ đi khu du lịch Rosa Khutor trên núi, hoặc đi du thuyền trên Biển Đen.
Từ trung tâm Công viên Olympic, du khách có thể phóng tầm mắt ra Biển Đen, quan sát những chuyến bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Adler, hoặc nhìn về phía các đỉnh núi, nơi bố trí rất nhiều radar của quân đội Nga. Ở vị trí địa lý khá đặc biệt, Sochi là một tiền đồn phía Nam của nước Nga, là biên giới với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi bên kia bờ Biển Đen là Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau Olympic và Paralympic mùa Đông 2014, Sochi còn đăng cai tổ chức một số trận đấu của Confederations Cup 2017, và World Cup 2018. Bên cạnh đó, cũng kể từ năm 2014, Sochi là nơi đăng cai tổ chức vòng đua nước Nga của giải đua xe Công thức một, theo một hợp đồng có thời hạn bảy năm. Đường đua và các khán đài F1 nằm ngay trong quần thể Công viên Olympic Sochi.
Do ít được sử dụng và chi phí bảo trì lớn, một vài chỗ trong Công viên Olympic đã có dấu hiệu xuống cấp. Để phục vụ cho việc tổ chức World Cup 2018, một số công trình ở đây đã được cải tạo, trong đó có sân vận động Fisht. Sân này đã được “cơi nới” tạm thời từ 40.000 lên 47.000 chỗ ngồi để đáp ứng quy định tối thiểu của FIFA, sau đó các khán đài tạm bợ này sẽ được tháo bỏ.
Đêm mai, sân Fisht sẽ tổ chức trận tứ kết giữa Nga và Croatia, và đó cũng là trận đấu cuối cùng của World Cup 2018 ở Sochi. Thêm một giải đấu lớn nữa trôi qua, và rồi số phận của những công trình thể thao đồ sộ hoành tráng ở đây sẽ ra sao, đó vẫn là một dấu hỏi lớn.
Sochi thu hút ít khách du lịch nhất Theo người đứng đầu Cơ quan Du lịch Liên bang Nga Oleg Safonov, khoảng hơn 5 triệu du khách đã đến thăm 11 thành phố đăng cai tổ chức các trận đấu thuộc World Cup 2018, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, thành phố Sochi lại chỉ đón 500.000 khách, ít nhất và chưa bằng số lẻ so với 2,7 triệu khách đến thủ đô Moskva. Con số này cũng chỉ bằng 1/10 so với tổng số khách đến Sochi hàng năm. Theo lý giải của những người làm du lịch ở Sochi, đây là thành phố nghỉ dưỡng nên nhiều người đã quyết định tránh nơi đây vì không muốn bị bầu không khí ồn ào của bóng đá làm hỏng kỳ nghỉ. Vì thế, bỗng nhiên Sochị lại bị bóng đá bỏ rơi trong mùa Hè nước Nga sôi động. |
Đông Hà (từ Sochi, LB Nga)