Soạn giả Hoàng Song Việt: Thầy tuồng hiếm hoi còn trụ với cải lương
(Thethaovanhoa.vn) - Trong các khâu sáng tạo của sân khấu, khán giả thường quan tâm nhiều đến diễn viên và đạo diễn, còn biên kịch thì lặng thầm hơn. Trong nghệ thuật cải lương, vị trí biên kịch được gọi là soạn giả hoặc thầy tuồng - linh hồn của vở diễn.
Vì cải lương bây giờ quá ít sân khấu sáng đèn nên nghề soạn giả gần như không còn đất sống, số người còn viết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoàng Song Việt là một trong những thầy tuồng hiếm hoi còn bám trụ với cải lương.
Soạn giả Hoàng Song Việt có tên trong giấy tờ là Võ Văn Xong. Từ nhỏ anh đã thuộc nằm lòng các vở tuồng nổi tiếng mà các danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Minh Phụng… thể hiện. Anh đã sáng tác hơn 200 bài ca cổ và hơn 100 vở tuồng cải lương.
Vượt qua khiếm khuyết
Hoàng Song Việt sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đông anh chị em. Khoảng 6 tuổi, anh mắc bệnh sốt rất nặng, chích thuốc đến mức bị teo hẳn cơ chân. Từ đó, anh trở thành một đứa trẻ có bước chân khập khiễng, sinh hoạt khó khăn, nhưng vẫn rất thông minh, học hành luôn đứng đầu lớp.
Hoàng Song Việt mê cải lương từ nhỏ nên đã nuôi mơ ước một ngày nào đó sẽ được làm công việc liên quan đến cải lương. Nhưng rồi nhìn lại thân thể khiếm khuyết của mình, anh chợt buồn. Có lúc anh tự khuyên mình hãy từ bỏ giấc mơ hơi hoang đường ấy, nhưng niềm đam mê vẫn luôn thôi thúc.
Rồi anh đăng ký sinh hoạt tại câu lạc bộ đờn ca tài tử quận Bình Thạnh, TP.HCM, dần dà tự học các bài bản cải lương. Những ngày đầu tiên của năm 1976, chàng thiếu niên Võ Văn Xong tròm trèm 13-14 tuổi. Đó là khoảng thời gian cả nước lâm vào cảnh thiếu đói, còn gia đình anh thuộc diện nghèo nhất xóm. Vậy mà Võ Văn Xong vẫn lặng lẽ sáng tác và cọc cạch đạp xe đến sinh hoạt tại câu lạc bộ đờn ca tài tử.
Tại đây, anh quen biết với một người bạn là nghệ sĩ cải lương. Nhận thấy Võ Văn Xong có khả năng sáng tác, vài năm sau người này đã giới thiệu anh đến Đoàn cải lương Tuổi trẻ thương nghiệp. Vào thập niên 1980, tình hình kinh tế đất nước khó khăn nhưng đời sống cải lương khá mạnh mẽ, cả nước có hàng trăm đoàn cải lương hoạt động sôi nổi. Bên cạnh những đoàn lớn trụ tại TP.HCM, rất nhiều đoàn lưu diễn khắp các tỉnh thành. Tuổi trẻ thương nghiệp không đình đám tại TP.HCM, nhưng được yêu mến tại miền Trung và miền Bắc. Vì vậy, được nhận vào đoàn là một vinh dự lớn đối với chàng trai trẻ còn vô danh như Võ Văn Xong.
Anh nhớ lại: “Do tôi là người mới, nên những ngày đầu tiên vào đoàn thì làm nhắc tuồng. 1 tháng tập tuồng, tôi thuộc lòng hết các lời thoại và lời ca của các diễn viên. Trưởng đoàn thấy đoạn nào trong kịch bản chưa hợp lý, yêu cầu tôi biên tập lại. Thế là tôi làm luôn công việc biên tập. Rảnh rỗi, tôi ngồi vào bàn chỉnh âm thanh. Có lẽ tôi có năng khiếu cảm âm, nên tưởng là làm chơi cho vui, nào ngờ đoàn giao luôn vai trò điều chỉnh âm nhạc. Như vậy là cùng lúc tôi làm rất nhiều vai trò khác nhau trong hậu trường. Nhờ thế, càng ngày tôi càng rành rẽ các bước cần thiết trong một vở tuồng cải lương”.
Vượt qua khó khăn
Thời gian ở Tuổi trẻ thương nghiệp, Võ Văn Xong đã có cơ hội vàng để trui rèn mình. Anh có cơ hội sáng tác, học hỏi và thực hành nhiều khâu trong quá trình sáng tạo cải lương. Tại đây, anh lấy nghệ danh và bút danh là Hoàng Song Việt. Họ Hoàng là để tri ân thầy Hoàng Nô đã tận tình chỉ dạy.
Nhưng do sức khỏe anh kém, mà đoàn thì lưu diễn xa quá nhiều, nên phải xin nghỉ. 1 năm sau, đoàn cũng rã gánh. Về nhà, anh nghĩ rằng cánh cửa cải lương đã khép dần trước mắt, dẫu máu nghề vẫn luôn cuộn chảy. Dù nhà nghèo, luôn thiếu ăn, nhưng anh vẫn miệt mài sáng tác.
Trong khoảng thời gian này, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, bao gồm kịch nói và tuồng cải lương. Hoàng Song Việt thấy được cơ hội hiếm hoi lóe sáng. Anh vùi đầu viết ngày viết đêm. Anh nhớ lại: “Nhà tôi chật, mái lợp tôn cũ và lủng lỗ nên buổi trưa nóng như lò lửa. Tôi ngồi viết mà mồ hôi ra ướt đầm, kiến vàng từ trên mái rớt xuống cắn rần rần… Quy định của cuộc thi năm ấy là kịch bản phải được đánh máy chữ. Tôi phải nhờ một chị ở phường mượn máy đánh chữ về nhà sáng tác. Cứ 16h tôi đến phường ngồi đợi. Tan giờ làm, chị mang cái máy ra cho tôi chở về nhà. Tôi viết liên tục đến 6 giờ sáng rồi mang trả lại. Cứ thế tôi viết miệt mài gần 2 tháng”.
Trong lần dự thi đó, sau khi nộp vở Sám hối, thấy thời hạn cuộc thi còn tầm 10 ngày. Anh tranh thủ viết thêm Giấc mộng không tên, gửi dự thi đúng ngày cuối cùng. Kết quả, vở Giấc mộng không tên đoạt giải Ba, không có giải Nhất và Nhì, còn vở Sám hối vào vòng chung kết. Số tiền thưởng cho giải Ba là 5 triệu đồng, khá lớn, đủ “cứu rỗi” anh và gia đình trong lúc khó khăn. Nhưng một phần thưởng còn lớn hơn nữa là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chọn kịch bản Giấc mộng không tên dàn dựng, còn Đoàn Văn công thành phố chọn kịch bản Sám hối.
Tên tuổi Hoàng Song Việt còn chưa được mấy khán giả biết đến, bỗng dưng xuất hiện trang trọng là một món quà ngoài sức tưởng tượng. Hoàng Song Việt hạnh phúc đến mất ngủ. Niềm vui chưa dừng lại ở đó. 2 nơi này lần lượt mời anh về cộng tác ở vị trí soạn giả thường trực. Danh tiếng nhờ vậy mà dần vang xa. Nhà hát Hòa Bình đặt hàng viết tuồng Thanh xà - bạch xà, vở diễn thành công ngoạn mục. Vũ Linh ra mắt Đoàn Sông Bé 2, đặt anh viết tuồng Duyên kiếp, cũng thành công vang dội. Từ đây, Hoàng Song Việt tỏa sáng trong giới soạn giả thế hệ mới.
Vượt qua nợ nần
Trong những năm đầu của thập niên 1990, khán giả rất ưa chuộng cải lương video. Hoàng Song Việt được trong nước và hải ngoại đặt hàng viết liên tục. Công việc này giúp anh có được khoản thu nhập lớn. Anh có thể xây lại ngôi nhà mới cho ba mẹ, giúp đỡ anh chị em và các cháu. Có thể nói đến 35 tuổi anh mới có nhiều tiền và nổi danh trong giới.
Thế nhưng vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ đã làm đảo lộn mọi thứ. Đối tác tại Mỹ thuê mặt bằng và nhà kho tại tòa nhà này, nên bị phá sản, việc phát hành băng đĩa ngưng lại. Vừa mất thu nhập mới, vừa phải lo hoàn trả các chi phí đã ứng, Hoàng Song Việt phải viết ngày viết đêm. Cùng đường anh phải vay lãi suất đến 30%, ròng rã suốt 10 năm mới trả hết gốc lẫn lãi. Số tiền vay khoảng 300 triệu, anh phải trả tổng cộng chừng 1,5 tỷ đồng.
Thời điểm này, các soạn giả cải lương đã gần hết đất dụng võ, nhưng Hoàng Song Việt vẫn sáng tác miệt mài.
- Vở cải lương 'nàng Xê-Đa': Mới mẻ và sang trọng
- Độc đáo vở cải lương - xiếc 'Cây gậy thần'
- Vở Cải lương 'Truyền tích Cổ Loa xưa': Diễn viên trẻ tỏa sáng
Anh chia sẻ: “Thời hoàng kim, mỗi đoàn có 1-2 soạn giả thường trực, nên nghề thầy tuồng khá tự tại. Nhưng từ giữa thập niên 1990 đến nay, thầy tuồng dần dần hết đất sống. Tôi vẫn còn được đặt hàng, nghĩa là còn may mắn, dù cơ hội làm nghề là hiếm hoi. Dẫu vậy, nếu chỉ trông cậy vào thu nhập mỗi năm 2 vở thì nhuận bút không thể sống nổi. May mắn là tôi còn làm lễ hội, hoạt cảnh cải lương, cải lương trên truyền hình nên cũng tàm tạm qua ngày”.
Mấy năm trước, Hoàng Song Việt cùng soạn giả Triệu Trung Kiên thành lập Đoàn cải lương Đại Việt. Mục đích chính là để các nghệ sĩ cải lương có thêm đất diễn, nghệ thuật cải lương bớt lụi tàn. Vở đầu tiên là Chuyện tình Khau Vai, vì đầu tư lớn, nên lỗ gần 200 triệu đồng. Hoàng Song Việt phải vắt sức viết để lấy tiền nhuận bút bù vào.
Đầu năm 2021, anh tiếp tục đầu tư dựng vở Nàng Xê-đa, bài bản từ nội dung đến hình thức, nhưng do Covid-19 tái bùng phát, nên đang diễn phải hoãn lại. Khi các sân khấu được phép sáng đèn trở lại, vở Nàng Xê-đa sẽ diễn tại rạp Hưng Đạo mỗi tháng 1 suất, cũng như đi lưu diễn xa. Lịch diễn bị động như thế đồng nghĩa khả năng thu hồi vốn là rất khó. Thế nhưng điều này không làm ông bầu Hoàng Song Việt nhụt chí, bởi khó khăn nào của cải lương anh cũng đã trải qua. Anh đã quyết sống với cải lương cho đến lúc sức tàn lực tận, như một tín đồ thuần thành.
Nguyễn Huy