Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Bức tranh sơn dầu Bình văn được họa sĩ Lê Văn Miến vẽ vào khoảng 1898- 1905 (trước thời điểm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương ít nhất 20 năm). Kiệt tác trên được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua về với giá gấp 3 lần bức tranh Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Đáng chú ý, nếu Bảo tàng quyết định chậm một vài ngày, bức tranh đã bị hủy diệt.
Đó là một trong những nội dung của tọa đàm khoa học “Giới thiệu nghiên cứu, phát hiện mới về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến” vừa diễn ra tại Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
1. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, người trực tiếp liên hệ mua bức tranh Bình văn về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Bảo tàng quyết định mua bức Bình Văn của họa sĩ Lê Huy Miến (hay vẫn gọi là Lê Văn Miến) năm 1970. Khi ấy, việc thương lượng được kết quả mong muốn.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, đến năm 1972, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quân (chủ sở hữu bức tranh) lại ngỏ ý muốn bán Bình văn cho Bảo tàng, song việc đàm phán cũng bị ngắt quãng do khói lửa chiến tranh.
“Tôi thấy, bức tranh có một số phận rất kỳ lạ. Ở thời điểm tưởng chừng bế tắc và không ai nghĩ tới tranh thì kiệt tác lại vô tình thoát bom B52 trong gang tấc”- bà Yến kể tiếp - “Vào cuối năm 1972, khi ấy Bảo tàng đang sơ tán, Ban giám đốc Bảo tàng đề nghị tôi về Hà Nội chuẩn bị nội dung phòng tranh chuyên đề mang tên Phòng tranh Hữu nghị.
Trong danh sách mượn tranh có bức Đêm khuya chờ điện ngầm của họa sĩ Lê Thanh Đức. Ngày 20/12/1972, tôi đến nhà anh Đức ở 64 Khâm Thiên để chở tranh về. Để tiết kiệm công đi lại, tôi đề nghị được mang tiền đến nhà anh Mạnh Quân (cũng ở phố Khâm Thiên) để mua bức Bình văn về bảo quản. Số tiền lúc đó là 900 đồng, một con số kỷ lục. Việc mua bán diễn ra êm xuôi. Tranh được đưa về Bảo tàng để lưu trữ cẩn thận.
Chưa đầy một tuần sau, ngày 26/12/1972, máy bay B52 rải thảm Khâm Thiên. Nhà họa sĩ Mạnh Quân, nơi bảo quản bức tranh trước đó bị san phẳng. Mấy ngày sau, tôi quay lại nhà anh Quân. Nhà anh chỉ còn là một đống gạch vụn. Nơi treo tranh Bình văn xưa chỉ còn là ảo ảnh chập chờn....”.
2. Bức tranh Bình văn là một bức tranh sơn dầu có kích cỡ 67cm x 97cm, toàn bộ bức tranh toát lên cuộc sống dè dặt của một thầy đồ bất đắc chí, bất đồng tình với xã hội đương thời. Bức tranh vẽ dang dở, phần bên trái mới đi nét chưa phủ màu. Chính cái dở dang này đã sáng rõ một phương pháp sáng tác với cách dựng hình cân đối cổ điển.
Vẽ màu dầu nhưng mặt tranh bóng như lụa, không gợn vệt bút lông. Đây cũng là bút pháp tiêu biểu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris thời điểm đó, nơi họa sĩ Lê Văn Miến theo học. (Ông cùng khóa với danh họa Victor Francois Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sau này).
Cũng trong tọa đàm, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi hiện đang lưu trữ bức tranh này cho hay: “Trải qua những biến động lịch sử, bức Bình văn có tuổi thọ khá cao, hơn một thế kỷ. Bức họa quý đang ở tình trạng xuống cấp do thời gian. Đồng thời, trong hoàn cảnh Việt Nam thiếu kỹ thuật và thiết bị bảo quản, tu sửa, rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân”.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa