Số phận cay đắng của những con 'búp bê' 500 triệu đô la
(Thethaovanhoa.vn) - 1934 là một năm cực kỳ đặc biệt, không chỉ với bà Elzire Dionne sau khi sinh hạ 5 đứa con gái mạnh khỏe và kháu khỉnh, mà còn đối với nhà nước Canada. Sự kiện náo động ấy đưa đến một quyết định kỳ quái: Nhà chức trách nhận chăm sóc các con của cô Dionne, cách ly với bố mẹ chúng và đem trưng bày như những con vật trong vườn bách thú.
Đằng sau bi kịch đó là một phi vụ thiếu nhân tính hi hữu của nhà chức trách.
Buổi sáng tháng 8 bi thảm
Bốn cô gái trẻ không bụng dạ nào để làm dáng trước ống kính máy ảnh. Đó là một ngày âm u và lạnh lẽo trong tháng 8/1954. Họ khóc sưng mắt khi ngồi quanh xác Emilie vừa qua đời do bị ngạt thở trong một cơn động kinh ở tuổi 20 kỳ thực còn tràn đầy nhựa sống.
Từ sáng sớm họ ngồi vây quanh chiếc quan tài mở nắp, kiệt quệ, tuyệt vọng, đau đớn đến mất trí. Cả thế giới như sụp đổ đối với Cecile, Annette, Yvonne và Marie Dionne. Emilie Dionne, vừa mới đây còn là một trong các chị em sinh 5, cùng chia sẻ một số phận khó có thể diễn tả bằng lời, nay đã không may - hay may mắn - bỏ lại số phận đó sau lưng.
Cơ thể này là cơ thể của chúng tôi, cùng lớn lên từ một quả trứng! Làm sao có thể một phần cơ thể đã chết, trong khi phần còn lại tiếp tục sống?”, sau này bốn chị em tự hỏi trong cuốn tự thuật 1995.
Nhưng thợ nhiếp ảnh Arthur Sasse biết mình có quyền gì, khi ông nhắc 4 chị em nhớ đến nghĩa vụ của mình được ghi trong một hợp đồng khắc nghiệt: không có quyền từ chối lên ảnh. “Chỉ một thôi” - Cécile yêu cầu, và Sasse nhấn nút. Tạp chí Life quảng cáo đó là “Bức ảnh của tuần” và bán hàng ngàn ấn bản. Ngay cả khoảnh khắc nặng nề nhất của chị em nhà Dionne cũng trở thành hàng hóa. Vì sao?
Giam lỏng ở thiên đường…
Vì những đứa trẻ ấy không biết gì khác ngoài vâng lời, ngoài mỉm cười theo mệnh lệnh - cả khi muốn khóc - từ khi ra đời hôm 28/5/1934: 5 cô gái Dionne là trẻ sinh 5 duy nhất trên thế giới mà sống sót cả 5. Mỗi đứa chỉ dài 23cm khi cất tiếng khóc chào đời trong một nhà nông dân không có điện nước.
Không ai buồn có thì giờ để cân từng đứa, tất cả cộng lại được 6.670 gam. “Như một bầy chuột”, bác sĩ Roy Allan Dafoe đỡ đẻ kể lại. Ông không tin là bọn trẻ sẽ sống sót và gọi một linh mục đến ban phước lần cuối cùng. Lịch sử y học cho đến lúc đó chưa hề chứng kiến trẻ con sinh 5 nào sống quá 50 phút. Song điều kỳ diệu đã xảy ra: cả 5 đứa lớn lên chỉ bằng cháo bắp và sữa bò, đưa tổng số trẻ con trong gia đình lên 10!
Ông bố Oliva vò đầu bứt tai, không biết sẽ sống ra sao qua cuộc Đại suy thoái đang hoành hành ở Bắc Mỹ. Được bác sĩ Dafoe và một linh mục xui, ông bố định trưng các con ở Triển lãm thế giới ở Chicago. Khoản thù lao 250 đô la mỗi tuần sẽ là số tiền hơn cả trong mơ.
Hợp đồng với Chicago được ông Oliva rút lại ngay hôm sau, nhưng quá muộn! Nó vấp phải trở lực pháp lý từ nhà chức trách. Họ quyết định bảo vệ bọn trẻ bằng cách lấy chúng khỏi tay vợ chồng nhà Dionne - để rồi sẽ bóc lột chúng một cách tàn bạo.
“Thời thơ ấu của chúng tôi giống một mùa Đông lê thê” - hai chị em còn sống hôm nay là Cecile và Annette nhớ lại. “Ăn uống và các tiện nghi khác thì tuyệt vời, chỉ tình thương là không có”. Ở Corbeil, nơi 5 đứa trẻ chào đời, người ta xây riêng một thiên đường mini để bác sĩ Dafoe và các y tá chăm sóc chúng. Họ ghi chép tỉ mỉ từng cơn ho, mỗi lần mọc răng v.v… Nhà tâm lý học trẻ em William E. Blatz thống kê trong 16 tháng đầu đời “1.301 cơn tức giận và 133 lần khóc vì sợ”.
nhà có dây thép gai bao quanh được cảnh sát canh giữ, bảo đảm sự cách ly tuyệt đối giữa những sự kiện được nhà nước tổ chức như đến thăm Hoàng gia Anh hay vào nhà thờ dịp Giáng sinh trong mưa chớp của phóng viên. Những bức hình ngọt ngào dễ thương được báo chí thế giới đăng tải và chủ yếu để quảng cáo cho nước ngọt, kem đánh răng, máy chữ… Cho đến năm 9 tuổi, khách sạn mini “Quintland” của 5 đứa trẻ mở cửa cho 3 triệu khách mua vé vào thăm.
… và trở về địa ngục
Mỗi ngày 2 lần, vào lúc 11h và 15h, cảnh sát mở cửa “Quintland”. Quanh khu vực vui chơi của bọn trẻ là một hành lang bằng kính để khách khứa ngắm nghía như trong sở thú.
Trong những năm đói kém và thất nghiệp, hình ảnh 5 đứa trẻ bụ bẫm hồng hào giống như lời mời đến với mộng mơ. Và đem lại cho ngân sách cho Canada chừng 500 triệu đô la. Dường như không mấy ai phẫn nộ khi nhà nước cướp đi mấy đứa trẻ khỏi gia đình rồi trưng bày chúng để bán vé. Chỉ một nhà tâm lý học người Áo, Alfred Adler, dè dặt cảnh báo: “Cuộc sống trong một nhà kính không có lợi cho hạnh phúc con người”.
Đối với 5 chị em nhà Dionne, cuộc sống “thiên đường” ấy chấm dứt sau 9 năm. 1943 bố mẹ chúng kiện thành công để nhận lại quyền giáo dưỡng. Nhưng từ bây giờ họ phải nuôi 10 đứa con. Bà mẹ Elzire luôn đánh con, tịch thu mọi đồ chơi, chửi chúng là “lũ công chúa quen được nuông chiều” - như Cecile đau đớn kể lại. Ông bố Oliva không chỉ một lần có ý định lạm dụng tình dục các con. Trong cơn bĩ cực, bọn trẻ cầu cứu vị linh mục ở tiết thần học, và nhận được lời khuyên: “Hãy mặc đồ thật dày, cầu nguyện và tha lỗi cho bố”.
Đủ tuổi thành niên, năm cô gái bỏ nhà ra đi. Song họ chưa bao giờ được chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài. “Tôi quá sợ mọi người, chỉ muốn trốn đi như con sên chui vào vỏ” - Annette viết trong nhật ký. Marie, Yvonne và Emilie muốn đi tu để trốn tránh cuộc đời sau bức tường tu viện. Riêng Marie đủ dũng cảm đương đầu với thực tế: cô mở một hiệu bán hoa. Như Cecile và Annette, cô lấy chồng và đẻ con. Và qua đời quá trẻ ở tuổi 35 sau một cơn đột quỵ.
Niềm vui muộn mằn Năm 1998, ba người còn lại cũng được an ủi phần nào. Khi thủ hiến Ontario công khai xin lỗi cho sự bóc lột phi nhân tính đã xảy ra và bồi thường 4 triệu đô la Canada. Hôm nay chỉ còn Cecile và Annette, vẫn sợ hãi khi ra đường và dường như không biết cách thoát khỏi vận rủi. rất nghèo khổ, vì đứa con trai ăn cắp hết tiền và biến mất tăm. Trong hồi ký, họ gửi lại một thông điệp đến mọi bậc cha mẹ: “Cái đẹp nhất mà mỗi người có trong đời là thời thơ ấu hạnh phúc. Chính quyền đã can thiệp và cướp đi hạnh phúc ấy của chúng tôi. Mỗi đứa trẻ, kể cả sinh đôi, sinh 3 hay sinh 5, đều là một sinh thể độc nhất vô nhị. Hãy làm sao để những cá thể ấy không bao giờ bị coi thường hay hạn chế!”. |
Lê Quang