Sợ phá sản, các 'ông lớn' CGV, Lotte, Galaxy và BHD cùng 'kêu cứu'
(Thethaovanhoa.vn) - 4 doanh nghiệp điện ảnh CGV, Lotte, Galaxy và BHD cùng ký văn bản kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh để tháo gỡ những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Văn bản số 19-2021/CV gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 5 về việc kiến nghị hỗ trợ vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Ký tên trong văn bản ngoài đại diện 2 doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam là Galaxy Thiên Ngân và BHD Việt Nam, còn có 2 "ông lớn" nước ngoài vốn được coi là có tiềm lực kinh tế mạnh từ các tập đoàn như CGV và Lotte Cinema.
Theo văn bản này, lĩnh vực chiếu - phát hành và sản xuất phim tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong vòng 10 năm từ 2010-2019. Cụ thể, số lượng rạp chiếu phim hiện đại của cả nước tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượt xem phim chiếu rạp tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt/năm (tăng 714%), số lượng phim Việt Nam chiếu rạp tăng từ 14 lên 45 phim/năm… Những lĩnh vực này cũng tạo công việc cho gần 10.000 lao động.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp ngành điện ảnh. Trong thời gian rạp chiếu phim phải đóng cửa, các doanh nghiệp này có doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gồng gánh chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.
"Với tình trạng này, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành điện ảnh là điều tất yếu" - theo đó, 4 doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh để tháo gỡ những khó khăn.
3 phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp đề xuất:
1. Hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt: tránh tình trạng các doanh nghiệp buộc phải sa thải hàng loạt người lao động (hơn 10.000 lao động) bằng việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
2. Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi rạp hoạt động trở lại.
Các kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán gồm: Chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới.
Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho tất cả các doanh nghiệp điện ảnh đến hết ngày 31/12/2021.
Giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến hết ngày 31/12/2021, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh.
Có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại…
Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay cũng càng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế.
Từ đó, các doanh nghiệp một lần nữa đề nghị Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo phương án 5K.
3. Hỗ trợ bình ổn hoạt động rạp chiếu phim.
- TP HCM tạm dừng massage, xông hơi, rạp chiếu phim, sân khấu từ 18 giờ 3/5
- Hollywood vắng bom tấn, streaming 'lấn' rạp chiếu
- Công chiếu online 5 phim ngắn xuất sắc cuộc thi 'Săn tìm đạo diễn phim kinh dị'
Các doanh nghiệp ký đơn cũng khẳng định rạp chiếu phim là nơi có thể dễ dàng áp dụng 5K bởi khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim mà không nói chuyện, việc ăn uống bắp, nước được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi có thể giữ khoảng cách, và công nghệ vé điện tử khiến khán giả không cần tập trung đông người mua vé.
"Bên cạnh việc tự nỗ lực để vượt qua khó khăn, chúng tôi cũng xin thỉnh cầu lãnh đạo Chính phủ và bộ ngành quan tâm chiếu cố các doanh nghiệp điện ảnh có thể để khôi phục và duy trì hoạt động sớm nhất" - văn bản nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã gửi văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.
Bảo Anh (Ảnh: tổng hợp)