Số người chết trong cô độc ở Hàn Quốc có chiều hướng gia tăng
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ngày 17/10 công bố kết quả khảo sát thực trạng chết trong cô độc năm 2024. Theo đó, số người qua đời một mình năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 3.559 và 3.661 người, tăng so với con số 3.378 người của năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tỷ lệ số người chết trong cô độc bình quân hằng năm trong 5 năm qua là 5,8%, giảm 3,2% so với mức 8,8% trong giai đoạn khảo sát từ năm 2017-2021. Nguyên nhân khiến số người chết do cô độc gia tăng được cho là do sau năm 2022, phạm vi khảo sát đã được mở rộng, không chỉ giới hạn ở những người sống 1 mình mà còn bao gồm cả những người sống cùng người thân nhưng bị cô lập xã hội.
Xét theo giới tính, số nam giới tử vong do cô độc cao hơn nhiều so với nữ giới. Năm 2023, nam giới chiếm 84,1% (3.053 người), trong khi nữ giới chỉ chiếm 15,9% (579 người), cao gấp 5 lần so với nữ giới. Xét theo độ tuổi, nhóm tuổi 60 ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 1.146 người, tiếp đến là nhóm tuổi 50 (1.097 người), 40 (502 người) và 70 (470 người). Đáng chú ý, nam giới trong độ tuổi 50-60 chiếm hơn 50% số ca tử vong trong đơn độc.
Xét theo khu vực, tỉnh Gyeonggi là địa phương có nhiều người tử vong trong đơn độc nhất, với 922 trường hợp, sau đó lần lượt là thủ đô Seoul và thành phố Busan với 559 người và 287 người. Thành phố Sejong có số ca tử vong thấp nhất, với 8 trường hợp.
Tỷ lệ tử vong do tự tử trong số các ca tử vong do cô độc chiếm 14,1% vào năm 2023, giảm nhẹ so với 16,9% vào hai năm trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại cao hơn ở nhóm người trẻ tuổi. Dù nhóm tuổi 20-30 chỉ chiếm 18% tổng số ca tử vong do cô độc, nhưng tỷ lệ tự tử trong nhóm này lần lượt là 59,5% và 43,4%, cao hơn so với các độ tuổi khác.
Ngoài ra, tỷ lệ người nhận trợ cấp sinh hoạt cơ bản trong số các trường hợp tử vong do cô độc cũng liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2023 có 1.413 người, chiếm 41,4% tổng số ca tử vong, tăng 56% so với 901 người vào năm 2019.
Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc cho rằng số người chết trong cô độc gia tăng cho thấy chính phủ cần chú trọng hơn đến các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cũng như điều chỉnh chính sách để khắc phục những thiếu sót.