Số mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng, nhiều bệnh nhân chuyển nặng
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp. Số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần này cũng tăng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó.
Tại nhiều địa phương, số ca mắc sốt xuất huyết đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tỷ lệ ca nặng và tử vong cũng đều tăng đáng lo ngại. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 12/11 vừa qua cũng đã ghi nhận thêm một bệnh nhi 5 tuổi tử vong do sốt xuất huyết tại phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 15.647 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 227 ca nặng, 16 ca tử vong. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất và tử vong nhiều nhất với 7 ca, huyện Long Điền 4 ca tử vong, thị xã Phú Mỹ 2 ca, các địa phương còn lại là thành phố Bà Rịa, Châu Đức và Xuyên Mộc ghi nhận mỗi địa phương có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, số ca mắc sốt xuất huyết từ đều năm tới nay đã lên tới trên 3.700 ca, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kì năm 2021. Các xã, phường của thành phố Quảng Ngãi đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết với 50 ổ dịch nhỏ tại cộng đồng, hơn 550 người mắc bệnh.
Hiện khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang thu dung và điều trị gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa phần đều là bệnh nhân nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.
Tại Hà Nội, chỉ 1 trong tuần (từ ngày 4 - 11/11) đã ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,3% so với tuần trước đó. Ca mắc xuất hiện tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại cả 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.
Một số bệnh viện trên địa bàn thành phố, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng, nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy thận...
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện có khoảng 90-100 ca mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có từ 10-20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Thậm chí, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc sốt xuất huyết.
Riêng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30-40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao...
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
Từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm sau:
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...
Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, người dân cần:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.