Sơ kết công tác quản lý lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018: ‘Nóng’ chuyện chọi trâu
(Thethaovanhoa.vn) – 15 báo cáo của lãnh đạo diện các Sở VH, TT&DL tỉnh, thành đã được đưa ra trong hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018, trong đó câu chuyện về các lễ hội chọi trâu vẫn được đưa ra “bàn” nhiều nhất.
- Khắp ba miền sôi động lễ hội mùa hè, không đi là dại
- Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018 đảm bảo không 'chặt chém', không ăn xin
- 1.206 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội làm sao để loại bỏ hình ảnh xấu trong lễ hội?
Bên cạnh Lễ hội chọi trâu mang tính truyền thống ở Đồ Sơn (Hải Phòng), những năm gần đây còn nhiều lễ hội chọi trâu khác được tổ chức ở một số địa phương như: Phù Ninh (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), Sông Lô (Vĩnh Phúc), Lục Yên (Yên Bái)…
Tại hội nghị, đại diện huyện Phù Ninh (Phú Thọ) nêu ý kiến rằng: chọi trâu ở Phù Ninh không những là lễ hội cổ xưa nhất mà còn mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, vừa là nghi thức dân gian cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Lễ hội từng bị dán đoạn do chiến tranh và khi hòa bình lập lại, qua nhiều lần khôi phục, lễ hội được dư luận đánh giá là độc đáo, đặc sắc của của tỉnh và được đưa vào chương trình du lịch về nguồn gắn với Lễ hội Đền Hùng. Năm 2018, huyện đã không bán vé, vận động chủ trâu không mổ trâu chọi, và có đến 40 ngàn du khách tham gia lễ hội.
Trong khi đó, đại diện huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho rằng, lễ hội Cầu Trâu – tức “đập trâu” đến chết ở Tam Nông - là của một xã nhưng đến nay đã "lan" ra cả một vùng và cũng có nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, đây là truyền thống từ bao nhiêu đời và nhân dân mong muốn thực hiện nghi lễ Cầu Trâu như vậy, mong các cơ quan Bộ chỉ đạo, để địa phương tiếp tục giữ nét truyền thống và thu hút du khách.
Còn đại diện Hải Phòng cho rằng, sau sự cố hi hữu trâu chọi húc tử vong chủ trâu, Đồ Sơn đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đổi mới chọi trâu ở địa phương, nâng cao an toan trong khâu tổ chức, “siết chặt” quản lý, tập trung tuyên truyền phần lễ nhiều hơn, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng cho sân chọi một cách cụ thể, xây dựng hệ thống an ninh tốt hơn...
Đại diện Sở VH, TT&DL Vĩnh Phúc cũng cho rằng, lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện truyền thống thượng võ của vùng đất cổ. Thực hiện chỉ đạo từ Bộ VH, TT&DL, BTC lễ hội không bán vé mà mở cửa miễn phí đẫn đến quá tải từ sớm và xuất hiện một số cảnh trèo tường, gây hỗn loạn. BTC sẽ rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau, đồng thời giảm số lượng đầu trâu chọi.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, câu chuyện về các lễ hội chọi trâu đã là vấn đề "nóng" từ nhiều năm nay. Một số nơi, chọi trâu gây phản cảm vì ngay sau sới chọi trâu là cảnh bán thịt trâu tươi, mất vệ sinh an toàn thực phẩm…. Thứ trưởng đề nghị các địa phương có lễ hội chọi trâu xây dựng đề án đổi mới lễ hội chọi trâu trên địa bàn, trên cơ sở rà soát yếu tố truyền thống, mục đích, giá trị và ý nghĩ văn hóa, đồng thời điều chính quy mô lễ hội, giảm số lượng trâu chọi. Chỉ tổ chức một vòng thi chọi trâu duy nhất vào ngày chính hội, không bán vé hay thu tiền vào lễ hội, vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu...
Bà Thủy cũng nhấn mạnh, các địa phương phải xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có hàng rào kiên cố ở khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong lễ hội, ngăn chặn các hiện tượng cá cược, xả rác trong lễ hội...
“Các địa phương có lễ hội chọi trâu phải xây dựng đề án đổi mới lễ hội. Nếu như xác định “chọi trâu” thực sự là lễ hội truyền thống và mang đầy đủ giá trị văn hóa truyền thống thì các địa phương phải chứng minh được điều đó. Chúng tôi mong muốn bảo tồn và phát huy những lễ hội có giá trị văn hóa truyền thống và phải mang tính giáo dục” - bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại, Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018, đại diện Bộ cũng khẳng định, hoạt động lễ hội đầu Xuân Mậu Tuất năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân.
Dẫu vậy, vấn đề an ninh tại các lễ hội, điển hình là hội “cướp phết” ở xã Hiền Quan (Phú Thọ) vẫn còn khiến dư luận có ý kiến trái chiều, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời.
Hoài An