Số công ty vỡ nợ tại Anh cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2009
Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu do cơ quan phụ trách phá sản (Insolvency Service - IS) của Anh công bố ngày 31/1 cho biết, số công ty vỡ nợ tại nước này đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính hồi năm 2009 khi lạm phát và lãi suất tăng cao cùng với nền kinh tế bị trì trệ tác động nặng nề đến các doanh nghiệp.
Theo IS, trong năm 2022, Anh ghi nhận tới 22.100 công ty đăng ký mất khả năng thanh toán, tăng hơn 57% so với năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2009. Ngành xây dựng, bán lẻ và khách sạn đặc biệt chịu tác động nặng nề do kinh tế trì trệ và niềm tin tiêu dùng giảm sút. Ngày 31/1, nhà bán lẻ Paperchase trở thành công ty mới nhất mất khả năng thanh toán và phải chịu sự kiểm soát từ cơ quan chức năng.
Thương hiệu của công ty này đã được chuỗi siêu thị Tesco mua lại. Cũng trong ngày này, các tập đoàn đại diện cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn và sản xuất đưa ra cảnh báo trước một ủy ban của Quốc hội Anh rằng nhiều doanh nghiệp của nước này sẽ phá sản khi gói hỗ trợ năng lượng của chính phủ bị cắt giảm vào tháng 4 tới.
Cũng về vấn đề trên, Chủ tịch tổ chức tái cơ cấu và phá sản của Anh R3 Christina Fitzgerald cảnh báo "2022 là năm bùng nổ phá sản" sau khi kết thúc thời kỳ các công ty được chính phủ hỗ trợ để duy trì hoạt động trong thời gian đại dịch.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội xử lý các vụ phá sản của Anh (IPA), bà Samantha Keen, áp lực chuỗi cung ứng, lạm phát và giá năng lượng cao đã tạo ra thách thức mà nhiều nhà quản lý doanh nghiệp lần đầu tiên phải đối mặt cùng một lúc. Bà nhấn mạnh vấn đề này hiện đang trở nên sâu sắc và lan rộng ra tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế khi niềm tin giảm sút ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, gia hạn hợp đồng và khả năng tiếp cận tín dụng.
Cũng theo IS, trong năm 2022, tình trạng vỡ nợ cá nhân ở Anh đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mức tiền lương thực tế giảm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.