'Smells Like Teen Spirit' của Nirvana: Biểu tượng của vô nghĩa
(Thethaovanhoa.vn) - Để gợi nhớ về cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, giống như trong bộ phim Captain Marvel, cần phải có nhạc Nirvana. Mái tóc vàng trẻ thơ, ánh mắt xanh thăm thẳm cùng giọng ca khàn xa vắng như đang ở một cõi mông lung của trưởng nhóm Kurt Cobain có thể coi là biểu tượng nghệ thuật của thời kỳ này.
Trong những sáng tác của Nirvana, Smells Like Teen Spirit lại là ca khúc có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, tầm vóc của nó lại tới từ những điều khó hiểu.
Bắt đầu từ một sự hiểu lầm
Vào tháng 8/1990, Kurt Cobain và Kathleen Hanna của nhóm Bikini Kill đi chơi ở một ngọn đồi gần trung tâm dành cho thanh thiếu niên mang bầu ở Olympia (Washington, Mỹ). Nơi nàythực chất là một trung tâm “phò sự sống”, chống lại nạn phá thai.
Sau khi cùng đi uống ở câu lạc bộ Canada, cả hai băng qua đường và viết lên tường của Trung tâm những lời lẽ bày tỏ cảm xúc của mình. Đêm muộn, khi đã say sưa, cả hai về nhà trọ của Kurt. Trong khi trưởng nhóm Nirvana ngủ, Kathleen đã chộp lấy cây bút và viết “Kurt Smells Like Teen Spirit” (Kurt có mùi như mùi Teen Spirit) lên tường. Câu này ý nhắctới Tobi Vail, tay trống của Bikini Kill và là bạn gái cũ của Kurt. Tobi thường dùng lăn nách hiệu Teen Spirit và Kathleen ám chỉ rằng cô bạn đã ám mùi này lên Kurt.
Có điều, Kurt lại chẳng biết gì về sản phẩm lăn nách phụ nữ cả. Thế là, câu trêu đùa của Kathleen bỗng hiện lên trong mắt anh dưới một ánh sáng lý tưởng mới: Kurt đậm tinh thần tuổi trẻ (teen spirit) bởi trước đó họ đang thảo luận về tuổi trẻ và nhạc punk rock.
Tuy nhiên, bỏ qua phần tiêu đề sinh ra từ hiểu lầm, phần còn lại của ca khúc mới thật sự là cái khó hiểu.
Trượt dài theo những vô nghĩa
Sau nhiều năm, người hâm mộ và các nhà phê bình đã cố gắng gán vào những ý nghĩa “sâu sắc”nhưng về cơ bản, họ chấp nhận rằng lời Smells Like Teen Spirit thực sự vô nghĩa. Dave Grohl cũng thừa nhận vậy bởi anh đã tận mắt chứng kiến cách nó ra đời: “Chỉ cần nhìn cách Kurt viết lời ca khúc trong năm phút trước khi anh hát nó lần đầu, bạn sẽ khó mà tin là ca khúc có ẩn ý gì. Đơn giản là bạn cần các âm tiết để lấp đầy không gian hay thứ gì đó có vần điệu”. Kiểu hát lầm bầm của Kurt cũng khiến người nghe đôi khi không hiểu anh đang hát gì.
Tuy vậy, vào những năm 1990, Kurt cũng cố giải thích trong vài buổi phỏng vấn, nhưng theo đúng kiểu của Kurt, tức là sau mỗi lần anh lại thay đổi và phóng đại câu chuyện. Một cách mù mờ thì đây là ca khúc về tự do và nổi loạn của tuổi trẻ với những hoang mang, đau khổ, bức bối giống như lời bài hát. Bản thân Kurt, dù không còn ở tuổi vị thành niên nhưng “Chúng tôi vẫn thấy mình như ở tuổi teen vì chúng tôi không tuân theo những chỉ dẫn mà mọi người trông đợi khi chúng tôi trưởng thành”.
Về phần nhạc, vài tuần trước khi thu âm album thứ hai của nhóm là Nevermind, Kurt bắt đầu chơi một đoạn riff bằng guitar mà Krist Novoselic, tay bass của nhóm, đánh giá là cực kỳ ngớ ngẩn.
Tức giận, Kurt bắt cả nhóm chơi đoạn riff hết lần này tới lần khác trong hơn một tiếng rưỡi. Rồi giống như nạn nhân Hội chứng Stockholm, Krist lại bắt đầu thấy thích đoạn riff và gợi ý họ chơi chậm lại.
Đoạn riff sau cùng trở thành đoạn mở đầu mang tính biểu tượng cho ca khúc Smells Like Teen Spirit. Dave Groth thêm vào những đoạn trống bốc lửa để hoàn thiện phần âm nhạc cho ca khúc.
Một điều phi lý nữa là Kurt, một người cực kỳ chống truyền thông, lại thừa nhận anh lấy cảm hứng viết ca khúc này từ mong muốn bắt chước nhạc The Pixies để cho ra đời một ca khúc thật pop.
Trở thành bất hủ
Khi Smells Like Teen Spirit ra đời, và tới tận bây giờ, theo minh chứng của thời gian, nó được coi là thánh ca của thập niên 1990 còn Kurt Cobain là người phát ngôn của một thế hệ.
Thế nhưng, khi mới phát hành năm 1991, tất cả (ban nhạc, quản lý, nhà sản xuất…) đều không nghĩ nó sẽ thành hit. Ngay bản thân Kurt lại không đánh giá cao ca khúc. “Gần như xấu hổ khi chơi nó” - anh chia sẻ trên Rolling Stone năm 1993. “Mọi người tập trung vào ca khúc quá mức. Lý do nó tạo được hiệu ứng lớn như vậy là bởi mọi người xem nó trên MTV hàng triệu lần. Nó ăn vào não họ… Tôi hiếm khi chịu nổi Teen Spirit, nhất là trong những đêm không vui vẻ. Tôi thật sự muốn ném cây guitar xuống và bỏ đi”.
Sự thật thì ngay khi ca khúc lên sóng đài phát thanh, đông đảo người nghe lập tức chạy đi mua đĩa về để nghe đi nghe lại cho thỏa. Những thành tích, kỷ lục, số nghệ sĩ hát lại… ca khúc ngày nay phải mất nhiều trang mới liệt kê hết.
Sinh ra từ vô nghĩa, ghi âm sơ sài, bị chính “thân sinh” ruồng bỏ, vậy điều gì khiến Smells Like Teen Spirt thành công và có ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng tới vậy? Lại có rất nhiều lý giải từ người hâm mộ và nhà phê bình, nhưng cũng giống như trường hợp lời bài hát, không có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng cho điều này.
Lý giải thành công của ca khúc Chuyên gia máy tính - nhạc sĩ - tiến sĩ Mick Grierson đã phân tích các ca khúc trong Top kinh điển theo đánh giá của các tạp chí lớn về nhiều mặt, bao gồm nốt, số nhịp mỗi phút, đa dạng hợp âm, lời bài hát, đa dạng âm sắc, biến thiên tốc độ. Kết quả cho thấy ca khúc của Nirvana nổi trội nhất với bốn đoạn hợp âm đặc biệt và đạt chỉ số cao ở những điểm đặc trưng ở những ca khúc kinh điển. Tuy nhiên, tiến sĩ Grierson cũng chỉ có thể kết luận rằng công thức để tạo ra âm nhạc tuyệt vời, đó là phải tạo ra cái gì đó nghe hay! Đây có lẽ cũng là câu trả lời hợp lý nhất cho thành công của Smells Like Teen Spirit. Nó có thể sinh ra từ vô nghĩa, nhưng đúng theo triết lý về đời nhẹ khôn kham, tức là những thứ tưởng như nhẹ bỗng hóa ra lại ẩn chứa một sức nặng lớn lao mà chỉ vô thức (trong trường hợp này là đôi tai) mới có quyền định đoạt. |
Thư Vĩ