'Silent Night' từ ca khúc Giáng sinh tới Di sản Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều sự kiện đang được tổ chức trên khắp thế giới nhân dịp tròn 200 năm Silent Night, một trong những khúc Giáng sinh nổi tiếng nhất, được hát ở nơi công cộng lần đầu tiên.
Trước đó, năm 2011, Silent Night đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
14 năm lãng quên
Phần ca từ của Silent Night có dạng thơ, gồm 6 khổ, được linh mục người Joseph Mohr (1792 - 1848) sáng tác hồi năm 1816 bằng tiếng Đức tại một ngôi làng có tên Mariapfarr thuộc nước Áo. Một năm sau đó, ông chuyển tới làng Oberndorf (cách đó 100km). Tại đây, Mohr làm quen với Franz Xaver Gruber (1787-1863), một thầy giáo trường chơi nhạc cụ rất giỏi.
Trước Giáng sinh năm 2818, vì cây đàn organ trong nhà thờ đã hỏng, họ quyết định cùng thể hiện một bài hát với đàn guitar thay cho việc dùng dàn đồng ca. Ngày 24/12/1818, Josef Mohr chuyển phần ca từ của Silent Night cho Gruber để ông soạn nhạc. Và ngay tối hôm đó, Silent Night đã vang lên tại nhà thờ làng Oberndorf.
Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ ngay với ca khúc này. Suốt 14 năm sau đó, Silent Night chìm trong quên lãng. Và đến giờ, vẫn có nhiều lời kể khác nhau về việc ca khúc này được biết tới. Có lời kể, một người làm đàn đã tới sửa cây organ tại nhà thờ Oberndorf vào năm 1825 – nghĩa là 6 năm sau khi… cây đàn bị hỏng và phát hiện ra bản nhạc. Nhưng cũng có truyền thuyết nói, ca khúc này đã được gia đình nhóm hát rong nổi tiếng Rainer tìm thấy và từng trình diễn hồi năm 1822 trước Nga hoàng Alexander I và Hoàng đế Áo Franz I.
Dù sao, tới khoảng năm 1832, Silent Night được trình bày trước công chúng ở Leipzig và sau đó lập tức gây ra hiệu ứng rất mạnh. Ở Berlin, Vua Phổ Friedrich Wilhelm năm nào cũng mời dàn đồng ca nhà thờ tới lâu đài trình bày ca khúc này.
Tiếp đó, Silent Night được đón nhận khắp thế giới với những phiên bản tiếng nước ngoài. Năm 1859, John Freeman Young, một linh mục ở Trinity (thuộc NewYork), đã công bố phiên bản tiếng Anh đầu tiên của ca khúc này với tựa đề Chorale of Salzburg.
Khá thú vị, trước khi được dịch ra tiếng Anh, Silent Night với nguyên bản tiếng Áo đã từng đến đây. Nhiều người cho rằng Silent Night được hát lần đầu tiên tại Nhà thờ Trinity vào năm 1839, với sự trình diễn của các ca sĩ trong gia đình nhóm hát rong Rainer từ Áo.
Năm 1891, ca khúc đã tới Anh, Thụy Điển và Ấn Độ, sau đó là Đông Phi, New Zealand, Nam Mỹ và rất nhiều nước khác.Như chia sẻ, ca từ của Silent Night đồng điệu với cảm xúc của nhiều người. Nó mang lại cảm giác thoải mái, tình cảm, hòa cùng với không khí ấm cúng quanh cây thông Noel với giai điệu đơn giản và thông điệp vĩnh cửu về hòa bình. Silent Night đã vang khắp thế giới với hơn 300 ngôn ngữ và thổ ngữ.
Cùng kỉ niệm “thông điệp hòa bình”
Gắn với các cột mốc năm 1839 và 1859, vào ngày 27/11 vừa qua, nhà thờ Trinity ở New Yor đã tổ chức một chương trình hòa nhạc kỉ niệm, với màn trình diễn của ban nhạc Kroll Family Singers (Áo) và dàn đồng ca của nhà thờ.
Các ca sĩ của Kroll Family mở đầu ca khúc với phần ca từ gốc bằng tiếng Đức, tiếp đó các ca sĩ của Nhà thờ Trinity thể hiện ca khúc bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Pháp, Tây Ban Nha và cuối cùng là tiếng Anh. Sau màn trình diễn ngoài trời đó, họ bước vào bên trong nhà thờ và Kroll Family trình bày một số ca khúc khác trước khi kết thúc với một phiên bản khác của Silent Night.
“Bạn hát ca khúc này với tất cả tâm hồn mình. Đó chính là lý do tại sao Silent Night nổi tiếng đến vậy” - Elisabeth Frontull, thành viên của nhóm Kroll Family nói.
Tại nước Áo, một loạt triển lãm cũng được tổ chức với tổng cộng khoảng 600 sự kiện liên quan. Các địa điểm gắn kết với 2 tác giả ca khúc, Mohr và Gruber, đều tham gia vào chuỗi chương trình này. Một số bảo tàng đã tu bổ hoặc mở rộng để tổ chức các sự kiện nhân 200 năm ca khúc Silent Night.
Nhà thờ ở Oberndorf, nơi khúc Giáng sinh này được trình diễn lần đầu tiên, đã bị phá hủy hồi năm 1906. Song một nhà nguyện mang tên Silent Night đã được xây dựng trên vị trí của nhà thờ. Trên khu nhà cũ của linh mục trong nhà thờ, bảo tàng “Silent Night” đã được xây dựng.
Còn bảo tàng tại Salzburg, nơi nhà soạn nhạc Franz Gruber ra đời, tổ chức một triển lãm chú trọng riêng về ca khúc và thông điệp của nó. Triển lãm được chia thành 6 phần lấy cảm hứng từ 6 khổ thơ trong ca khúc.
Tại bảo tàng “Silent Night” ở Hallein, nơi Franz Xaver Gruber từng sống, bản thảo gốc của ca khúc và cây đàn guitar của nhà soạn nhạc này được trưng bày. Ngoài ra, du khách có thể xem một tài liệu của Gruber trong đó ông kể chi tiết câu chuyện liên quan tới ca khúc.
Tổng cộng, có 9 bảo tàng ở các thành phố khác nhau của Áo đang tham gia vào chương trình mang tên "200 Years Silent Night - Austria's Peace Message to the World” (200 năm Silent NighT - Thông điệp Hòa bình của Áo gửi tới Thế giới). Triển lãm đã khai mạc từ 29/9 và kéo dài đến ngày 3/2/2019.
Tại Việt Nam, ngoài phiên bản tiếng Anh, một phiên bản lời Việt của các khúc này đã được nhạc sĩ Hùng Lân soạn dưới tên Đêm thánh vô cùng từ hơn nửa thế kỷ trước. Phiên bản này cũng rất phổ biến và vẫn thường xuất hiện trong mùa lễ Giáng Sinh hàng năm. |
Việt Lâm (tổng hợp)