Siêu xe 'kim vàng giọt lệ' giá 7 cây vàng: Màu đỏ chứng tỏ tay chơi - Nay tái sinh, không hợp người thích bon chen
Honda Super Cub gắn với bao kỉ niệm với người Việt, nay tái sinh với tên gọi Honda Super Cub C125, mang tới "cả một trời nhớ thương".
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn lọt vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe máy nhiều nhất thế giới. Theo tờ Vietnam Insider từng đưa tin, có đến 86% dân số Việt Nam sở hữu ít nhất 1 chiếc xe máy, với tổng số lượng xe máy toàn quốc ước tính đạt 45 triệu chiếc.
Thị trường có vẻ đã bão hòa, nhưng doanh số xe máy thì không có dấu hiệu sụt giảm. Nhưng trước khi xe máy trở thành một phương tiện vô cùng phổ biến, nó đã từng là một món đồ có giá trị bằng cả gia tài.
Nói về những mẫu xe để lại nhiều ấn tượng nhất với người Việt, có lẽ không thể bỏ qua Honda Super Cub.
Bề dày lịch sử tạo nên tên tuổi
Chiếc xe Honda Super Cub đầu tiên mang số hiệu C100 được sản xuất tại nhà máy Yamato, Nhật Bản vào năm 1958. Mục tiêu ban đầu là tạo ra những chiếc xe "mang lại niềm vui khi đóng một vai trò hữu ích trong cuộc sống của mọi người".
Chữ Cub thực ra là viết tắt của Cheap Urban Bike, thể hiện thị trường nhắm tới của dòng xe này - là một phương tiện di chuyển trong đô thị giá rẻ.
Honda C100 phiên bản đầu tiên – Nguồn: Honda Hoàng Việt
Sau khi đã trở thành "chiếc xe của mọi nhà" tại Nhật Bản với tính ứng dụng cực cao khi di chuyển, một năm sau, Honda tiếp tục "mang chuông" Honda Super Cub "đi đánh" xứ Bắc Mỹ. Với thiết kế thon gọn, người Mỹ đặc biệt ưa thích vì "giá cả phải chăng", nhưng vẫn tiện dụng và bền bỉ.
Trở thành biểu tượng tại Việt Nam và một thời để nhớ
Dù tung hoành ngang dọc trên nhiều con đường trên thế giới, nhưng mãi đến năm 1988, Honda Super Cub mới xuất hiện chính thức tại Việt Nam, tạo nên cơn sốt một thời với những mẫu xe Cub 79, Cub 80, Cub 81, Cub 82; dung tích xy-lanh cơ bản chỉ 49cc.
Super Cub 79 là một trong những mẫu xe Cub xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, ở cả miền Bắc và miền Nam dưới dạng xe bãi.
Honda Super Cub 79, hay còn gọi là "Cub 79 cánh én", có thiết kế điển hình đầu vênh kiểu cánh én, động cơ nguyên bản 49cc; xe vừa được dùng để di chuyển, vừa được dùng để chở hàng tại các chợ đầu mối vì dễ sử dung, chở được nhiều và ít phải sữa chữa.
Xe Super Cub 81, xuất hiện làm mưa làm gió tại thị trường xe Việt thập niên 80-90.
Tuy là dòng xe giá rẻ tại nước ngoài nhưng để sở hữu một chiếc Honda Super Cub thời đó, người Việt trước kia cũng phải bỏ ra từ 5 đến 7 cây vàng - một số tiền ngang với một gia tài thời bấy giờ. Những chiếc "siêu xe" này được dân Việt mình quen gọi tắt là xe 80, 81, 82 (con số này để chỉ năm sản xuất xe).
Trong đó, Honda Super Cub 81 nổi tiếng hơn cả với chi tiết "Kim vàng giọt lệ", vì đó là điểm khác biệt từ đời xe Cub 81 trở đi mới có.
Mặt đồng hồ xe Cub 81 với "kim vàng giọt lệ" – Nguồn: Báo Người Đô Thị
Xe Cub 81 có kim chỉ tốc độ màu vàng chứ không có màu trắng như xe đời trước, cuối vạch chỉ đồng hồ tốc độ của xe có một đèn led tròn nhỏ màu vàng - mà người dân hay gọi là "giọt lệ", sẽ sáng khi tốc độ vượt quá 40km/h. Mẫu xe này sử dụng động cơ 4 kỳ 1 xy-lanh dung tích 49cc cho công suất 4,5 mã lực, đèn xe được bo tròn, hộp số 3 cấp giống với Cub đời trước.
Xe Super Cub 81 với màu xanh coban cực kỳ hot vào thời điểm bấy giờ.
Riêng với Cub 82 lại có sự khác biệt với hộp số 4 cấp đặc trưng, mà sau này các dòng Cub 70, 90 cũng đã quay trở lại với hộp số 3 cấp điển hình. Điều này khiến xe Cub 82 đặc biệt có "tiếng nói" trong giới sưu tầm xe cổ.
Chiếc xe Super Cub 82 được giữ mới coóng, chào bán vào năm 2020.
Từng là mẫu xe thể hiện đẳng cấp
Đầu những năm 90, Honda bắt đầu ra mắt tại Việt Nam mẫu xe Cub 70 và Cub 90. Tuy nhiên, số 70 và 90 ở đây không phải chỉ năm sản xuất như đời Cub 81, 82, mà mang ý nghĩa về phân khối động cơ - 70cc và 90cc.
Những chiếc xe này xuất hiện với đèn pha vuông vức như thời Cub 82, nhưng đệm yên được làm nguyên khối tạo độ êm ái cho cả người ngồi trước và sau; xe khởi động bằng cần đạp.
Hai chiếc xe Cub 70cc. Xe màu xanh là Cub 82 70cc, xe màu đỏ là Cub 70cc phiên bản năm 1997.
Đồng hồ tốc độ hình vuông, đồng hồ xăng cũng xuất hiện bên trong, ổ khóa điện được chuyển lên ngay dưới mặt đồng hồ tốc độ.
Mặt hộp số không có nhiều thay đổi với Cub đời trước.
Bắt đầu từ phiên bản này, Honda ra mắt màu đỏ mới, nên màu xe này thường có giá thành cao hơn các phiên bản có màu khác. Với màu đỏ này, chủ nhân dễ "lấy le" với người khác, vì họ sở hữu chiếc Cub 70cc đời mới nhất.
Trong giai đoạn này, để đối phó với tình hình khủng hoảng nhiên liệu, Honda thực hiện một số cải tiến nhằm giúp tiết kiệm nhiên liệu. Kết quả, xe chỉ cần 1 lít xăng để đi được quãng đường gần 150 km.
Đã là huyền thoại, tiếp tục để là huyền thoại
Ngày 31/10/2018, Honda cho ra mắt Cub phiên bản 2018 thông qua con đường phân phối chính hãng tại các Head Honda với mức giá lên tới 84,99 triệu VNĐ nhưng ở hiện tại, Honda Super Cub C125 đang được phân phối chính hãng tại các đại lý với mức giá cho phiên bản tiêu chuẩn là 87,39 triệu VNĐ và phiên bản đặc biệt là 88,39 triệu VNĐ.
Xe mang trong mình động cơ với dung tích 123,94cc, công suất 9,3 mã lực tại 7.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 10,15 Nm tại 5.000 vòng/phút. Điều này giúp xe chạy cực êm và ổn định ngay cả khi tăng tốc, lên dốc. Nhưng với nhiều người, xe không có độ "bốc" như các mẫu xe có động cơ tương tự, dù xe được đánh giá là đầm chắc, khả năng chuyển số cũng mượt mà.
Có lẽ bởi vì Honda Super Cub vốn không phải để "bon chen với đời", mà để đem lại cảm giác thoải mái cho người dùng khi đi chơi, hoặc dạo phố cuối tuần.
Chiếc Super Cub 125 Fi phiên bản 2018 với màu đen nhám.
Hệ thống phun xăng điện tử PGM-FI cũng mang đến sự tiết kiệm nhiên liệu đáng nể, theo đánh giá của nhiều dùng, xe chỉ tốn 1,7 lít xăng cho 100km. Tính năng Smart Key đem lại sự hiện đại, khi vẫn có thể khởi động xe mà không cần cắm chìa, tìm xe dễ dàng hơn, và chống trộm hiệu quả.
Đèn pha dạng LED có thể coi vừa là điểm trừ và vừa là điểm cộng của xe. Điểm trừ vì làm mất đi tính "hoài cổ" trên dòng xe mang đậm tính hoài cổ. Điểm cộng vì đây là công nghệ đèn pha mới nhất hiện nay, giúp lái xe an toàn hơn.
Trước đây, người đi xe Cub được ví như "một mình một ngựa" vì yên sau bằng kim loại, không "thân thiện" với người ngồi sau. Nhưng với phiên bản yên đôi này, Honda thể hiện mình hiểu người tiêu dùng Việt đến thế nào.
Yên xe nay đã thiết kế thành yên đệm đôi.
Super Cub đời trước và Super Cub 125 có gì mà người Việt mê mệt?
Lý giải tại sao dòng xe này lại được ưa thích tại Việt Nam vượt thời gian đến vậy, có thể tóm gọn qua những lý do chính sau.
Vào thời điểm mới ra mắt tại Việt Nam, xe Cub 80, 81,82 đều chỉ có chiều cao yên xe là 696mm, trọng lượng chỉ 70kg, đặc biệt phù hợp với kích thước người Việt thời bấy giờ. Xe dễ di chuyển, cũng dễ dắt bộ; người có thể trạng yếu cũng dễ điều khiển.
Xe thuộc thương hiệu Honda, vốn nổi tiếng với những chiếc xe bền bỉ với thời gian, thiết kế trung tính, nhã nhặn. Honda Super Cub cũng không phải ngoại lệ - xe phù hợp với mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, trường lớp, ai đi cũng hợp. Đặc biệt, những năm 80, 90, người Việt cực kỳ thích những vật dụng có giá trị sử dụng lâu dài mà Honda Super Cub là một ví dụ.
Honda Super Cub là dòng xe cực kỳ được ưa chuộng trên bản đồ sưu tầm xe cổ. Giá trị lịch sử của dòng xe Cub nổi danh qua nhiều thập kỷ, là thứ thu hút khách hàng ngày nay, đặc biệt người mê sưu tầm.
Honda Super Cub C125 mang dáng vẻ "xưa cũ" nhưng màu sắc cực kỳ "bắt trend" thời đại.
Đối với những người thuộc thế hệ cuối 9x, đầu 2000, Honda Super Cub có lẽ chỉ được nhìn thấy trong những tiệm ảnh theo phong cách hoài cổ. Nhưng với Super Cub C125, chiếc xe ngày nào đến gần hơn với người tiêu dùng trẻ, mang trong mình những trang bị mới, nhưng "giao diện" thì đậm chất xưa.