‘Siêu phẩm’ truyền hình ‘Phật hoàng Trần Nhân Tông’: Nhiệm vụ có… khả thi?
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông (ĐD: NSƯT Văn Lượng, 45 tập) triển khai kéo dài từ năm 2011 đến 2015, chưa bấm máy và chưa biết khi nào phát sóng, nhưng đã thu hút sự chú ý dư luận vì những phát ngôn đầy khát vọng của ê-kíp sản xuất. Thế nhưng để làm được một bộ phim cổ trang lịch sử hấp dẫn - trong điều kiện làm phim như Việt Nam hiện tại - thật khó khăn.
Dư luận chờ mong cũng đúng, vì khán giả Việt vẫn đang chờ đợi một bộ phim truyền hình cổ trang lịch sử đạt chuẩn. Thời gian qua, họ đã quá ngán ngẩm với những bộ phim lịch sử hư cấu quá đà kiểu: Thái sư Trần Thủ Độ (được nhà nước đầu tư kinh phí 57 tỷ đồng); hoặc quá giống phim Tàu như bộ phim chưa chiếu: Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long…
Đạo diễn Văn Lượng và dàn phục trang tạm thời của phim. Ảnh: Huy Nguyễn
Muốn có bộ phim… để đời
Đạo diễn - NSƯT Văn Lượng khẳng định: “Khi bắt tay vào việc lớn này, chúng tôi mời các vị có chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông và triều Trần, các cơ quan chức năng quản lý văn hóa nghệ thuật cùng tham gia đóng góp xây dựng, phản biện để bộ phim mãi mãi được lưu danh thiên cổ và là một phim khoa giáo phổ cập cho muôn đời biết và hiểu về vẻ đẹp Việt - bản sắc Việt - con người Việt”.
Phương thức làm việc khá bài bản, với giai đoạn tiền kỳ kéo dài gần 5 năm. Đoàn phim đã có vô số cuộc thỉnh giáo các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, tâm linh, xã hội, mỹ thuật, trang phục, đạo cụ… để có cái nhìn bao quát, chi tiết. Tất cả diễn viên đều phải qua các lớp đào tạo diễn xuất cổ trang, đặc biệt là việc mô phỏng cốt cách, phong thái của người xưa.
Song hành với dự án là việc xây dựng trường quay cổ trang lớn nhất Việt Nam, với diện tích 146.534 m2 tại xã Thượng Yên Công, cách đường vào khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử khoảng 450m.
Khâu kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì nó quyết định đến hơn 60% thành công bộ phim. Từ 3 năm trước, họ đã tiến hành đặt hàng, nhưng đến ê-kíp thứ 11 thì mới tạm hài lòng, nhưng vẫn tiếp tục hoàn thiện.
“Nếu cứ chờ đến khi các nhà nghiên cứu công bố đầy đủ tư liệu về các dụng cụ, giáp trụ và đời sống trong cung vua, phủ chúa hay ngoài xã hội thế kỷ 13… thì chúng ta không bao giờ có phim về thời đó”. Trên tinh thần cùng chờ mong một phim cổ trang lịch sử tử tế, suy nghĩ của Văn Lượng rất cần sự ủng hộ.
Nhưng không nên quá ảo vọng
“Thực tế sản xuất phim ở Việt Nam rất khó khăn. Nó khó không chỉ từ việc ai bỏ tiền, ai kiểm duyệt, mà với phim cổ trang thì còn phải tự tạo ra công nghệ chế tác cho đạo cụ, phục trang, bối cảnh... Chỉ ngần đó thứ đã có hàng trăm ngàn đầu việc. Nhưng cái khó nhất ở đây là các bộ phim đi trước đã ít, mà bị dư luận phê phán, tẩy chay rất mạnh” - Văn Lượng chia sẻ thêm.
Theo kinh nghiệm ở các nền điện ảnh phát triển thì cổ trang lịch sử, kiếm hiệp, chiến tranh hạng nặng, vũ trụ, khoa học viễn tưởng... được xếp vào dạng phim “chuyên biệt”, không phải ai muốn cũng làm được. Hollywood đồ sộ như vậy nhưng số ê-kíp làm được phim chiến tranh hạng nặng, vũ trụ… chỉ đếm trên đầu ngón tay; cũng tương tự, Trung Quốc (đặc biệt vùng lãnh thổ Hong Kong) cũng chỉ có một số ê-kíp làm ra trò phim cổ trang lịch sử, kiếm hiệp…
Ngoài đầu tư về kỹ thuật, các dạng phim chuyên biệt này cần có “mắt nhìn riêng” từ đạo diễn cho tới họa sĩ, phụ trách hình ảnh, quay phim và hậu kỳ, vốn rất nặng nề. Khát vọng của Văn Lượng và ê-kíp rất lớn, nhưng thực tế về kỹ thuật và nhân lực chuyên biệt cho thể loại cổ trang lịch sử thì còn rất thiếu, để bù lấp khoảng trống này không hề đơn giản. Cho nên khát vọng là vậy, nhưng cũng dễ trở thành ảo vọng.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa