Siêu bão Hagibis: Nhật Bản huy động quân đội tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/10, số người thiệt mạng do siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản một ngày trước đã tăng lên 19 người trong khi 16 người mất tích.
Các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đang được khẩn trương tiến hành tại các khu vực Đông Bắc, Trung và Đông Nhật Bản. Bộ Quốc phòng đã huy động khoảng 27.000 thành viên thuộc Lực lượng phòng vệ nước này tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên cả quốc.
Theo hãng tin Kyodo, khoảng 100 người bị thương do bão. Thành phố Nagano (Na-ga-nô), miền Trung Nhật Bản, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng do sông Chikuma bị vỡ đê bao, gây ra trận lụt lớn tại nhiều khu dân cư. Nhà chức trách ước tính một số nơi tại đây bị ngập sâu tới 5 mét. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch cho biết ít nhất 48 vụ lở đất đã được thông báo tại 12 tỉnh và 9 sông bị vỡ đê bao. Nhà chức trách khuyến cáo hơn 6 triệu người trên đảo chính Honshu (Hôn-sư) sơ tán và tìm nơi tránh trú an toàn.
- Siêu bão Hagibis tàn phá Nhật Bản: Số người chết tăng, mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử
- Siêu bão Hagibis tàn phá Nhật Bản, hàng chục người chết và mất tích, 3 triệu người phải sơ tán
Đến sáng 13/10, đa số chuyến tàu khách cao tốc và sân bay Haneda tại Tokyo nối lại hoạt động sau khi tạm dừng một ngày trước đó. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay đến và đi từ sân bay này đã bị hủy cùng ngày.
Người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cho biết Tokyo đã hủy cuộc diễn tập hạm đội đã được lên lịch tổ chức vào ngày 14/10 do mưa bão. Theo kế hoạch, cuộc diễn tập này có sự tham gia của 46 tàu hải quân và 40 máy bay chiến đấu từ Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Singapore và Anh. Lần diễn tập mới đây nhất diễn ra cách đây 4 năm.
Nhật Bản là quốc gia phải hứng chịu nhiều bão thứ ba ở châu Á. Các số liệu thống kê cho thấy hằng năm, nước này phải hứng chịu 13 cơn bão, trong đó có 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Mặc dù Nhật Bản luôn sẵn sàng để ứng phó với các cơn bão này nhưng siêu bão Hagibis đổ bộ vào nước này tối 12/10 vẫn gây thiệt hại nặng nề.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, giới chuyên gia cho rằng một trong những lý do chủ yếu bão Hagibis trở nên nguy hiểm là quy mô của cơn bão. Bão Hagibis có đám mây rộng. Đường kính ở khu vực gió mạnh nhất với tốc độ 54km/h là 1.400km, bao trùm gần 50% chiều dài của bán đảo Nhật Bản. Do quy mô lớn như vậy nên bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền sớm hơn, kéo dài hơn và ảnh hưởng tới các khu vực rộng lớn.
Về sức mạnh, áp suất khí quyển ở khu vực trung tâm của siêu bão Hagibis vào ngày 10/10 lên tới 915 hPa, biến Hagibis trở thành một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất trong năm 2019. Khi siêu bão này hình thành ở gần quần đảo Bắc Mariana, áp suất khí quyết ở tâm bão đã giảm đột ngột từ 992 hPa xuống còn 915 hPa chỉ trong vòng 24 giờ. Theo Digital Typhoon, đây là mức độ tập trung nhanh thứ 9 trong lịch sử.
Về thời gian, điều khiến siêu bão Hagibis trở nên nguy hiểm là thời điểm mà bão đổ bộ vào đất liền. Siêu bão đổ bộ vào đất liền ngay trước ngày trăng tròn, thời điểm mực nước biển dâng cao hơn so với bình thường. Sự kết hợp giữa thủy triều, các cơn sóng lớn và nước dâng cao do bão có thể tàn phá các khu vực ven biển.
Bão Hagibis là cơn bão mạnh thứ 2 đổ bổ vào vùng thủ đô Tokyo mở rộng trong vòng 1 tháng. Đầu tháng trước, bão Faxai với gió mạnh lên tới 207 km/h đã đổ bộ vào khu vực này và gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Chiba (Chi-ba). Ít nhất 3 người đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn hộ gia đình phải sống trong tình trạng không có điện trong hơn một tuần sau bão và nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái.
Đào Tùng - Nguyễn Hằng (TTXVN)