Shipper ngất xỉu trên đường, khách vẫn chỉ hỏi về món ăn giao thiếu: Khi nghề giao hàng đã "nguội" về tình người, tiền bạc, lương cao liệu có đủ bù đắp?
Do nhu cầu cao về giao thực phẩm và hàng hóa từ khi đại dịch bùng phát, rất nhiều người sẵn sàng từ bỏ công việc căn phòng để đi làm Shipper. Điều đó đồng nghĩa với việc môi trường cạnh tranh, thu nhập bị giảm sút và rủi ro về sức khỏe cũng gia tăng.
Mới đây, James Farrar, Tổng thư ký Hiệp hội ứng dụng điều khiển và chuyển phát nhanh tại Anh, đăng tải hình ảnh ghi lại cảnh một nhân viên vận chuyển ngã quỵ trên đường giao thức ăn đến một tòa chung cư cao cấp ở London.
Trong bài viết, Mohamed - một shipper đang di chuyển bằng xe đạp, song có dấu hiệu loạng choạng và nhanh chóng mất tay lái. James Farrar và một số người đi đường nhanh chóng đến hỗ trợ, kiểm tra tình hình và gọi xe cứu thương. Họ cố giữ người thanh niên tỉnh táo bằng đá lạnh và nước ép trái cây.
Đáng nói, khi Mohamed vẫn đang trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, một cặp vợ chồng đã tiếp cận để hỏi về món ăn bị giao thiếu.
"Họ sấn tới và liên tục nói về đơn hàng đã đặt. Tôi như phát điên với hành động này và tìm cách đuổi họ đi. Đôi này tỏ thái độ 'ừ thế thôi' rồi bước ngang qua người anh ấy để quay về căn hộ. Không tin được họ có thể hành xử thiếu nhân tính đến vậy.", Farrar kể lại.
Chưa hết, người quản lý tòa nhà cũng không muốn cho Mohamed vào trong sảnh khi đợi xe cấp cứu. Sau 2 lần thuyết phục của Farrar, nhân viên chung cư đồng ý để shipper ngồi tạm ở ghế sofa, nhưng với một lớp giấy bạc bọc quanh.
Theo James Farrar, gia đình của người giao hàng đã có mặt tại hiện trường gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, nạn nhân phải chờ hơn một giờ đồng hồ mới được đội ngũ y tế đưa vào bệnh viện. Tới thời điểm hiện tại, tình trạng của Mohamed vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Bài đăng của Farrar nhanh chóng tạo ra cơn sốt trên Twitter. Đa số tài khoản đều bày tỏ thái độ bức xúc, cho rằng hành động của cặp vợ chồng và nhóm quản lý tòa nhà là vô đạo đức. Nhiều người cũng cho rằng công ty giao hàng chưa thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm với nhân viên.
Nghề shipper đang "nguội" dần
Sau đại dịch, người dân quay lại thói quen mua hàng trực tiếp thay vì đặt hàng qua các ứng dụng giao hàng. Điều này khiến những người giao hàng (shipper) gặp khó khăn do đơn hàng ít, thu nhập thấp, thiếu chế độ đãi ngộ, công việc nhiều rủi ro.
Theo Insider, nhân viên giao thức ăn tại Anh thường phải đối mặt với điều kiện làm việc nguy hiểm và ít được bảo vệ trong môi trường làm việc.
Gần đây, nhiều shipper làm việc cho Deliveroo, Just Eat và Uber Eats đã phản ứng gay gắt với công ty quản lý, cũng như bày tỏ lo ngại về những vấn đề kém an toàn thường gặp trên đường làm việc nhưng chưa thu về kết quả như mong đợi.
"Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tai nạn này và đã liên lạc với gia đình của nhân viên để đề nghị hỗ trợ. Sức khỏe và sự an toàn của họ là ưu tiên hàng đầu", đại diện của Deliveroo lên tiếng sau làn sóng phẫn nộ.
Song, đây không phải tình trạng riêng ở Anh mà hầu hết các shipper trên các nước đều gặp phải tình trạng tương tự.
Im Gwang-Soo (40 tuổi), đồng nghiệp của Lee Seong-Wook, bị xuất huyết não và hôn mê khi đang chuẩn bị đơn hàng buổi sáng, bác sĩ thông báo cơ hội sống của anh chỉ khoảng 5%. Im là bố của hai con nhỏ và thường phải làm việc 90 tiếng/tuần.
Tâm trạng chùng xuống, Lee thương cho người bạn, vừa lo sợ vì biết rằng điều ấy cũng có thể xảy đến với mình. Lee cũng ở độ tuổi 40, phải sống xa hai con nhỏ để làm nghề giao hàng nhanh ở thủ đô Seoul.
"Chuyện này xảy ra không phải do Im sức khỏe yếu. Chúng tôi đã làm cùng nhau được 6 tháng. Chỉ mấy ngày trước, anh ấy còn vỗ vai tôi bảo: 'Công việc vất vả quá phải không, cố lên, chúng ta sẽ làm được'. Nhưng anh ấy đã ngã xuống trước", Lee Seong-Wook kể với ABC News.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, những nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đã phải làm việc quá sức. Dịch bệnh lan rộng làm gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến khiến những người làm chuyển phát càng thêm kiệt sức.
Liên minh Chuyển phát nhanh Hàn Quốc cho biết kể từ khi dịch bùng phát đến nay đã có 21 nhân viên giao hàng tử vong do làm việc quá sức.
Go Geon, một cựu nhân viên chuyển phát nhanh của Coupang, nói rằng khi phân loại hàng, ưu tiên duy nhất của họ là đáp ứng thời hạn "giao hàng tên lửa", nơi "chúng tôi chỉ là những người máy".
Trước đó, Go bị rách gân khoeo chân trái khi đang chạy để kịp thời hạn và phải nghỉ ốm. Không lâu sau, anh bị sa thải.
Tại Singapore, Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) cho thấy, chưa đến 4% tài xế giao đồ ăn ở Singapore kiếm được trên 5.000 SGD mỗi tháng (mức thu nhập này chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức lương trung bình là 4.680 SGD/tháng vào năm 2021). Trong số hơn 1.000 tài xế giao hàng được khảo sát vào tháng 7 và tháng 8/2022 - chủ yếu là nam giới từ 21-65 tuổi - có 33,9% kiếm được từ 1.000-1.999 SGD mỗi tháng.
Khi được hỏi về số giờ làm việc trong một ngày để có thể đạt được thu nhập hằng tháng cao nhất, những shipper kiếm ít tiền hơn cho biết họ thường làm việc từ 8-12 giờ. Trong khi đó, phần lớn những shipper kiếm được 5.000 SGD trở lên phải làm việc từ 10-12 giờ.
Một tài xế 26 tuổi chia sẻ: "Vào ban đêm, shipper giống như một bầy sói cố gắng giành lấy miếng mồi trên mặt đất". Khoảng 67,1% người được hỏi lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi 64,8% lo ngại rằng họ sẽ không thể kiếm đủ tiền do các nền tảng ứng dụng giao hàng giảm ưu đãi và tăng phí hoạt động.
Một mối nguy khác đối với shipper đến từ việc lạm phát khiến phí giao hàng tăng đáng kể, và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Tại Mỹ, chuỗi cửa hàng Domino's Pizza trụ sở tại bang Michigan ghi nhận lượng tiêu thụ giảm đi trong năm 2022. Nhiều khách hàng chọn lái xe đến lấy bánh thay vì đặt hàng để tiết kiệm khoảng 5 USD phí giao hàng cộng với tiền boa cho shipper.
Bên cạnh thu nhập bấp bênh, báo cáo của IPS cũng lưu ý rằng những shipper làm việc nhiều giờ hơn có khả năng gặp tai nạn và cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, lý do vì họ dễ mất tập trung hoặc mệt mỏi.
Tiến sĩ Mathew Mathews - Trưởng nhóm nghiên cứu và Trưởng phòng Nghiên cứu IPS Social Lab - cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng 38% trong số những tài xế làm việc nhiều giờ gặp ít nhất một tai nạn cần được chăm sóc y tế. Điều đó nghĩa là nếu bạn làm việc khá nghiêm túc và bỏ ra nhiều thời gian để đạt được thu nhập mong muốn, bạn có nhiều khả năng bị tai nạn hơn. Vì vậy, tài xế giao hàng rõ ràng cần một sự bảo vệ trong công việc".
Một người lái xe mô tô giao đồ ăn tên Max chia sẻ trong báo cáo rằng, anh thỉnh thoảng kiếm được thu nhập cao từ việc giao đồ ăn. Nhưng để đạt được mức thu nhập đó, anh phải làm việc liên tục 20 ngày trong tháng, với thời lượng từ 12-16 giờ mỗi ngày. Sau đó anh cần nghỉ ngơi từ 4-5 ngày do suy nhược. Tai nạn gần đây nhất khiến anh ấy hôn mê vài ngày trong bệnh viện.
Cheryll Soriano - giáo sư truyền thông tại Đại học De La Salle ở Philippines - nhận định: "Đường phố với các hố ga, điều kiện giao thông ùn tắc nghiêm trọng buộc tài xế phải tìm cách xoay xở. Tôi cảm thấy đó là một yếu tố làm gia tăng các vụ tai nạn".
Cuối cùng, khi được yêu cầu lựa chọn giữa các công ty sở hữu nền tảng giao hàng cung cấp chính sách bảo vệ tốt (chẳng hạn như bảo hiểm) nhưng chi trả cho shipper thấp và công ty chi trả cao hơn nhưng sự bảo vệ ít hơn, một tỷ lệ lớn tài xế tham gia khảo sát của IPS đã chọn công ty chi trả cao hơn. Họ chấp nhận rủi ro để có mức thu nhập tốt hơn.
Cơ thể bị lão hóa sẽ có "2 lớn - 2 nhỏ": Lưu ý dấu hiệu ở bộ phận quen thuộc nhất nhưng lại thường bị bỏ qua