Sếp đột nhiên hỏi 'Nếu công ty nợ lương, em có tiếp tục làm việc không?' Người EQ cao không trả lời CÓ hoặc KHÔNG, mà khôn ngoan đáp bằng cách này
Khi được sếp hỏi như vậy, nói “Không” thì sợ mất lòng, mà trả lời “có” cũng không được. Vậy nên trả lời thế nào mới là khôn khéo?
Một người từng đề ra câu hỏi này trên mạng xã hội:
"Buổi tối sau khi tan làm, đột nhiên sếp giữ tớ lại trò chuyện rồi hỏi vu vơ rằng, nếu công ty nợ lương thì có tiếp tục làm việc không. Thầm nghĩ phải gây ấn tượng tốt trước mặt sếp, nên tớ đã trả lời là có. Không biết trả lời như vậy có đúng không?"
Những trường hợp như trên, nói "Có" cũng không đúng, mà trả lời "Không" cũng không được. Vậy chúng ta nên trả lời thế nào?
Mọi ông chủ đều thích nhân viên của mình làm việc với tinh thần cống hiến, yêu công ty, đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Mà doanh nghiệp nào cũng có lúc sẽ gặp khó khăn. Điều các lãnh đạo mong muốn nhất chính là giữ chân được nhân tài. Còn gì tuyệt vời hơn một đội ngũ vừa giỏi, vừa nhiệt huyết, lại có lòng “chung thủy”.
Đối với các lãnh đạo, nhân sự cũng giống như một loại chi phí đầu tư. Họ sẽ chỉ dốc lòng đầu tư khi nguồn tài nguyên đó ổn định và thực sự đem lại hiệu quả. Không ít trường hợp công ty đầu tư đào tạo nhân sự được một thời gian, sau đó người đó lại xin nghỉ, đem những kiến thức học được sang một công ty khác.
Tuy nhiên, nếu trả lời “có tiếp tục làm việc dù công ty nợ lương”, điều đó lại ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính, tương lai của cá nhân bạn. Nếu công ty nợ nhiều tháng lương không trả thì bạn phải sống thế nào? Công ty gặp khó khăn rồi trực tiếp phá sản thì bạn phải làm thế nào? Đó đều là những vấn đề khó nhằn.
Do đó, muốn biết cách trả lời, trước hết hãy xem xét vấn đề đằng sau câu nói đó.
Nghe lời nói đừng chỉ nghe bên ngoài, bạn nên học cách tìm hiểu ý nghĩa đằng sau câu nói ấy. Khi sếp hỏi về điều này, thứ anh ta quan tâm chắc chắn không phải cá nhân bạn. Thông thường sẽ có 2 khả năng:
Khả năng thứ nhất, sếp chỉ hỏi vu vơ vì muốn hiểu rõ hơn về bạn hoặc là sự gắn bó của bạn với công ty.
Khả năng thứ hai, công ty thực sự đang gặp khó khăn và đó là “mũi tiêm dự phòng” cho bạn.
Để có thể biết được câu trả lời có thuộc tình trạng thứ 2, bạn cần có đủ dữ kiện để phân tích. Đó sẽ là tình hình thu nhập của công ty, tình trạng các đơn hàng, các nguồn tiền trong doanh nghiệp… Nếu các thông tin này nằm ngoài “tầm với” của bạn, vậy có thể tìm hiểu xem liệu có tin đồn về việc cắt giảm nhân sự, tối ưu chi phí… từ các bộ phận Hành chính nhân sự hay Kế toán hay không.
Nếu không có đủ dữ kiện, đừng tùy tiện đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Bạn nên tiếp tục trò chuyện với sếp, thuận theo suy nghĩ của sếp, để họ nói ra việc muốn nói.
Dù gì đi nữa, khi nhận được câu hỏi này, đừng nghĩ rằng đó là cái bẫy, có thể đó là cơ hội để bạn giao tiếp và tạo ấn tượng với sếp. Do đó khi trả lời, hãy tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, hãy để sếp biết bạn đang làm gì, chất lượng công việc ra sao, giá trị của bạn với công ty như thế nào. Qua đó, sếp sẽ đánh giá được tầm quan trọng của bạn.
Thứ hai, chủ động cho sếp biết những suy nghĩ của bạn về công việc và công ty, thể hiện tâm lý sẵn lòng gắn bó với công ty nếu đây là môi trường thích hợp để phát triển.
Thứ ba, việc bạn đi hay ở, có mong muốn tiếp tục làm việc hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết định của sếp. Hãy thể hiện thái độ có trách nhiệm, chăm chỉ làm việc nếu ở lại, có sự sắp xếp mọi thứ hợp lí và tôn trọng sếp.
Và đặc biệt, quan trọng nhất là đừng bao giờ thể hiện bạn đi làm không phải vì tiền.
Khi nhắc đến thu nhập, trả lương, mọi người thường ngại ngần không muốn chia sẻ vì cho rằng đây là chuyện nhạy cảm. Thậm chí một số người còn nói rằng: "Đối với tôi lương không quan trọng, quan trọng là khi được làm việc tại công ty tôi được học hỏi và trải nghiệm nên tôi sẽ…" Trên thực tế, đây là một dấu hiệu của sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, chưa chắc sẽ để lại ấn tượng tốt cho lãnh đạo.
Thay vào đó, hãy thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của mình về vấn đề tài chính. Vì chung quy lại, mọi mối quan hệ đều là một cuộc chơi cần có sự win - win, cả hai bên đều đạt được lợi ích. Người lao động đóng góp cho công ty để nhận về thành quả xứng đáng, cũng tương tự như vậy, công ty nhận được lợi ích từ sự làm việc của nhân sự, rồi trích phần lợi ích đó để trả lương. Khi mối quan hệ đạt được sự cân bằng, mọi người mới có thể gắn kết với nhau.
‘Độc chiêu’ từ chối của người có EQ cao: Chỉ thêm một thủ thuật này dù bị nói không bạn vẫn có lợi