Sến, loạn óc hay nghệ thuật?
(Thethaovanhoa.vn) - Một nhân viên bưu tá Pháp miệt mài 33 năm đời mình để xây một toà lâu đài như ý, chủ yếu… để chiều lòng những người đã khuất. Dân chúng ôm bụng cười, nhưng cũng có một người khâm phục gọi đó là đỉnh cao nghệ thuật - không ai khác ngoài Picasso!
Tòa lâu đài nêu trên tọa lạc tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp…
Phải chăng có định mệnh
Một con quỷ có sừng nhe răng cười, hoàng đế Caesar cùng nhà vật lý Archimed gánh một bức thành trên vai, hàng loạt xác ướp nằm dưới chân một con khủng long mình phủ vẩy lóng lánh, sư tử và hổ báo, voi và cá sấu, Adam và Eva... có lẽ mất vài ngày trời để ngắm nghía và thống kê những bức tượng lớn nhỏ trang điểm cho toà lâu đài kỳ dị. Đó là giấc mơ hóa đá của Ferdinand Cheval.
Thông thường có lẽ ít ai lạc bước tới thị trấn nhỏ Hauterives ở miền Nam nước Pháp, nhưng đã đến thì phải sửng sốt ngả mũ trước một tòa nhà độc nhất vô nhị từ 3.500 bao tải vôi, 1.000 mét khối đá và xi măng, cộng với 33 năm trong cuộc đời một nhân vật không phải kiến trúc sư, mà chỉ là một người đưa thư đơn giản.
Ferdinand Cheval
Một hàng chữ trên tường phản ánh suy tư của chủ nhà: “Cuộc đời là một đại dương đầy bão tố giữa đứa bé mới ra đời và cụ già từ trần”. Chưa bao lâu sau khi ra đời năm 1836, cậu bé Ferdinand đã phải biết đại dương đó dữ dội ra sao: là con của một nông dân nghèo, cậu phải làm việc ở nông trại để giúp gia đình, chẳng mấy khi thừa thì giờ đến trường.
Thần Chết là vị khách nghiệt ngã ở đây: mẹ cậu qua đời khi con trai mới lên 11 và 6 năm sau cha cậu cũng mất. Tìm đến quân ngũ thì cậu bị chê là quá nhỏ yếu so với tuổi, do đó Ferdinand học nghề nướng bánh mì và năm 22 tuổi kết hôn Rosalie Revol. Một ngày xấu trời Ferdinand ra tỉnh tìm việc và không quay về nhà. 6 năm đằng đẵng, cả gia đình lẫn nhà chức trách không tìm ra tăm tích. 1863, người mất tích chợt quay về, không nói lý do, chỉ ngoan ngoãn nhận công việc đầu tiên mà địa phương mời: đưa thư.
Những cánh thiếp của hoài vọng
Ferdinand có vẻ hợp với công việc này, ngày nào cũng lê gót đi khắp các làng xóm lân cận, rảnh thì mở sách báo trong túi ra xem một mình, đặc biệt là xấp bưu thiếp từ các xứ sở xa lạ gửi về. Nhưng ngay ở đây Thần Chết cũng lảng vảng lại gần: 1865, con trai ông là Victorin Joseph Ferdinand chết khi lên một. 1873, Rosalie cũng nhắm mắt vĩnh viễn ở tuổi 32. Con người bất hạnh này còn gì, ngoài những cuộc đi bộ 30 cây số đằng đẵng mỗi ngày? Và vô số giấc mơ? Trong mơ, lâu đài tương lai được nhen nhóm dần dần.
“Người ta biết làm gì ngoài mơ mộng”, ông ghi trong nhật ký, “khi ngày nào cũng đi qua làng xóm như hôm qua? Để nghĩ đến chuyện khác cho khuây khỏa, tôi xây một lâu đài cổ tích trong ý nghĩ”. Ông lấy gợi ý từ phong cảnh trên các bưu thiếp mà ông chuyển phát đến cho mọi người, hình dung ra vườn, bảo tàng, tượng v.v… như từ những miền đất xa xôi.
Cú đột phá diễn ra vào năm 1879, khi đó Ferdinand vừa lấy vợ mới là Claire-Philomène và đợi một đứa con. Trên đường ông vấp phải gì đó và loạng choạng mấy mét liền. Một hòn đá có hình thù kỳ quái! Ông gói nó vào khăn và cầm theo, rồi mấy hôm sau quay lại chỗ này trong hy vọng tìm được những hòn đá tương tự. “Tôi tìm được nhiều hòn đá còn đẹp hơn” - ông kể lại - “Khi thiên nhiên đảm nhận phần tạo hình, thì tôi sẽ làm công việc của thợ nề đơn giản”.
Ông bắt đầu nhặt đá dọc đường. Ngày lại ngày. Ban đầu ông bỏ đá vào túi thư, về sau ông phải đem theo cái sọt, cuối cùng ông về nhà với cái xe cút kít chất đầy “chiến lợi phẩm”.
Vì luật cấm mai táng bên ngoài nghĩa trang, ở tuổi 78 Ferdinand Cheval phải bắt tay vào công trình thứ hai - hầm mộ cho chính mình
Công trình để đời bắt đầu
Thoạt tiên ông đắp một cái ao nhỏ với tượng thú và thác nước, mất 2 năm trời. Được mọi người khen, ông hào hứng đắp thêm một hang động mang tên Amadeus bên bờ ao, rồi thêm một thác nước, rừng cọ và xương rồng bằng đá…
Công trình càng to thì dự định càng lớn theo. Giờ thì Ferdinand có ý tưởng rõ ràng: đây sẽ là lâu đài tưởng niệm người chết và cho chính ông sau này. Ông xây đường đi lắt léo bên trong như mộ Pharaon Ai Cập, đắp quách đá có nắp cho chính mình. Dần dần thêm hang Đức bà Maria, động Ấn giáo và cả nhà nguyện Hồi giáo.
Ferdinand làm việc từ khi đi làm về cho đến nửa đêm, khuân đá đi xa đến 15km trong đêm đen. Ông chỉ mua vôi và xi măng, những vật liệu còn lại ông nhặt nhạnh trên đường, kể cả giàn giáo bằng những thân cây cong queo. Chỉ một lần duy nhất ông nhận túi vỏ ốc do trẻ con đi nghỉ hè tặng: “Tôi chưa bao giờ thấy biển, và vỏ ốc quá đẹp, không từ chối được”.
Ferdinand rào xung quanh nhà để không ai vào được, song dĩ nhiên hàng xóm biết ông làm gì. Đa số cho rằng ông loạn óc, nhưng do ông chẳng làm gì hại ai nên họ không gọi bác sĩ hay cảnh sát. Bản thân ông không quan tâm đến lời dị nghị: “Tôi biết người ta thường chê bai và hành hạ những người mà họ không hiểu nổi”. Nhưng Ferdinand không chỉ phải đối phó với người đời. 1894, đứa con gái 15 tuổi của ông là Alice-Marie-
Philomène chết. Người cha bất hạnh khắc lên tường đá: “Người lìa đời như mặt trời lặn xuống, để tỏa sáng rực rỡ hơn ở một thế giới khác”.
Picasso xuất hiện
Du khách bắt đầu kéo đến, báo chí đưa tin, phóng viên lặn lội từ London, Paris, Hoa Kỳ. 1907, Ferdinand phải nuôi một nhân viên tiếp khách. Tiến độ xây dựng được ghi lại là 10.000 ngày, 93.000 giờ, 33 năm đầy thử thách. Vào sinh nhật thứ 77, Ferdinand khai trương công trình dài 26 mét, rộng 14 mét và cao 10 mét. Là một người đơn giản và bận bịu, chủ nhân không hề nhận thấy trào lưu nghệ thuật siêu hiện thực đang lên cao trào, và các môn đệ của nó tôn Ferdinand làm người tiên phong!
Họa sĩ thiên tài Pablo Picasso đến thăm ông không dưới 4 lần để nghiên cứu công trình và chụp những bức ảnh để đem đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) New York. Nhưng Ferdinand không quan tâm đến dự án tôn vinh công trình của mình thành tác phẩm nghệ thuật. Với ông, lâu đài này dành cho các người thân đã qua đời, và là nơi yên nghỉ cho chính mình. Ít nhất là ông nghĩ vậy. Nhưng Ferdinand quên rằng luật chỉ cho phép mai táng ở nghĩa trang. Và nghĩa trang gần nhất nằm cách Hauterives một cây số.
Năm 1914, ông già Ferdinand còn đủ sức kéo xe cút kít đi nhặt đá và xây cho mình công trình cuối cùng. 8 năm trời không mệt mỏi tạo ra một lăng tẩm với vô số hình trang trí giống như lâu đài ở nhà. Ở tuổi 86, ông đục hàng chữ lên đá: “Người mạnh hay người yếu đều bình đẳng trước Thần Chết”.
Hai năm sau, ngày 19/8/1924, Ferdinand Cheval nhận chốn an nghỉ cuối cùng trong lăng.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa