loading...
Nhịp đập SEA Games 31 đã chính thức khép lại sau Lễ bế mạc ở Cung điền kinh trong nhà Hà Nội tối qua. Nhưng chưa đầy một năm nữa, bầu không khí như thế này sẽ trở lại khi Campuchia lần đầu đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á.
SEA Games 31 khép lại với dấu ấn đặc biệt về thành tích của Thể thao Việt Nam (TTVN), sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ trong khu vực và những đánh giá cao về công tác tổ chức của các đoàn thể thao tham dự, theo khẳng định của Trưởng đoàn TTVN kiêm Phó trưởng ban tổ chức SEA Games 31 Trần Đức Phấn trong ngày bế mạc đại hội.
Campuchia là quốc gia thứ 10 trong khu vực Đông Nam Á đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á. Và như vậy, trong số 11 quốc gia khu vực, chỉ còn Timor Leste là chưa từng đăng cai.
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5 đến 17/5/2023
Tại phiên họp Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) vừa diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Vương quốc Campuchia và trực tuyến, các đại biểu đã thống nhất nhiều công tác chuẩn bị cho cho SEA Games 31 tại Việt Nam, SEA Games 32 tại Campuchia; SEA Games 33 tại Thái Lan và các kỳ đại hội kế tiếp.
Đoàn Việt Nam, do thời gian gấp rút chuẩn bị cho SEA Games 31, nên tham dự phiên họp của SEAGF theo hình thức trực tuyến, dưới sự dẫn dắt của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ tịch SEAGF.
Liên quan đến việc chuẩn bị cho SEA Games 31, Việt Nam đã nỗ lực hoàn tất các công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, làm thẻ, chuyên môn - kỹ thuật, y tế, giao thông… để đón tiếp hơn 1.000 quan chức, HLV, VĐV tham dự 40 môn với 526 nội dung thi đấu, tại 13 tỉnh, thành thuộc miền Bắc.
Báo cáo công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, đại diện cho ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia cho biết: SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kampot và Kep, Campuchia từ ngày 5 đến 17/5/2023. Khẩu hiệu của SEA Games 32 sẽ là “Thể thao: Sống trong hòa bình”.
Tại Lễ bế mạc SEA Games 31 tối qua, 23/05/2022, Phó Thủ tướng Campuchia đã nhận cờ đăng cai SEA Games 32. Sau nghi thức trao cờ, các nghệ sĩ nước này đã mang tới tiết mục biểu diễn kéo dài 10 phút đậm màu sắc truyền thống, như một sự nối tiếp giữa hình ảnh hai kì đại hội thể thao khu vực.
Bỏ bắn cung, bắn súng, chào… Botakor
Campuchia dự kiến tổ chức hơn 40 môn và phân môn thi đấu: Điền kinh, chạy marathon, bơi, lặn, cầu lông, bóng rổ, quyền anh, bi-a, đua xe đạp, canoeing, đua thuyền, cờ vua, thể thao khiêu vũ, đấu kiếm, bóng đá, golf, thể dục, hockey, judo, karate, muay, bi sắt, đua thuyền buồm, cầu mây, soft tennis, quần vợt, taekwondo, đua thuyền rồng, ba môn phối hợp, bóng chuyền, vật, cử tạ, arnis, thể hình, thể thao điện tử, jujitsu, jetski, kick-boxing, kun bokator, vovinam, võ Hàn Quốc.
Đáng chú ý nhất trong danh sách này chính là sự vắng mặt của hai môn thể thao nằm trong hệ thống Olympic là bắn cung và bắn súng. Đây là một thông tin khiến đoàn thể thao Indonesia khá buồn, bởi đó đều là những môn thế mạnh của họ. Ở SEA Games 31 vừa rồi, đoàn thể thao xứ Vạn đảo đã giành tới 13 HCV ở hai môn này (8 HCV bắn súng, 5 HCV bắn cung). Không những thế, Pencak Silat – môn võ thế mạnh của Indonesia cũng không được đưa vào nốt.
Lạ lẫm nhất trong số này là Kun Botakor, một môn võ cổ truyền của Campuchia. Bokator chịu sự ảnh hưởng của võ thuật Ấn Độ với màu sắc Hindu giáo cùng với võ thuật của một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, tuy nhiên lại mang màu sắc riêng của người Khmer. Bokator bao gồm các kỹ thuật chiến đấu bằng tay không lẫn vũ khí, và là một trong những hệ thống chiến đấu cổ xưa nhất ở Campuchia. Nó sử dụng một loạt các kỹ thuật tấn công bằng cùi chỏ và đầu gối, cẳng chân… Đây được xem là mỏ huy chương của đoàn chủ nhà.
Tuy nhiên, số môn thể thao vẫn chưa được chốt. Ngoài Pencak Silat, các nước khác trong khu vực đang đề nghị phía Campuchia bổ sung vào chương trình thi đấu những môn như: Wushu, water polo, cricket, và bắn súng. Chương trình thi đấu của Đại hội này sẽ được chốt vào tháng 6/2022.
Những công tác chuẩn bị khác
Đến thời điểm hiện nay, một số công trình xây dựng và cơ sở vật chất như sân vận động chính, các địa điểm thi đấu và không thi đấu đã gần hoàn thành. Để chuẩn bị cho SEA Games 32, Campuchia đã chi khoảng 400 triệu USD vào công tác cải tổ các địa điểm tổ chức thi đấu.
Riêng tổ hợp thể thao phía Bắc thủ đô Phnom Penh là sân vận động với sức chứa 65 ngàn khán giả, trị giá 200 triệu USD do Trung Quốc xây dựng đã hoàn thành từ 2020 và mới đây đã ra mắt ở giải U23 Đông Nam Á. Đây sẽ là nơi diễn ra Lễ khai mạc - bế mạc cũng như chương trình thi đấu các môn bóng đá, điền kinh bên cạnh các nhà thi đấu đa năng để phục vụ kì đại hội thể thao khu vực.
Về vấn đề Covid-19, 93% dân số Campuchia đã được tiêm đầy đủ vaccine. Lãnh đạo của ban tổ chức SEA Games 32 hy vọng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước Đông Nam Á. Ông Vath Chamroeun - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia, khẳng định đây sẽ là cơ hội để nước này thể hiện năng lực tổ chức các sự kiện thi đấu quốc tế, giới thiệu hình ảnh một Campuchia ổn định, phát triển, thúc đẩy du lịch quốc gia.
Liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình của SEA Games, sau khi đưa ra nhiều phương án nhưng chưa đi đến thống nhất, các đại biểu nhất trí sẽ tổ chức một phiên họp riêng để bàn về vấn đề này nhằm đưa ra phương án hiệu quả nhất cho những kỳ đại hội tiếp theo.
SEA Games 33 diễn ra ở Bangkok và Chonburi
Liên quan đến các kỳ SEA Games tiếp theo, chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan báo cáo: Bangkok và Chonburi sẽ là hai thành phố đăng cai sự kiện dự kiến được tổ chức trong tháng 11, 12/2025. Các kỳ SEA Games tiếp theo sẽ được khẳng định trong phiên họp tiếp theo.
|
Phương Chi
loading...