loading...
Để lại chứng kiến một một bầu không khí cổ động quá tuyệt vời của người hâm mộ bóng đá đất Mỏ. Chính sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ đã tiếp thêm sức mạnh cho các chàng trai, cô gái và bằng chứng rõ nhất là màn lội ngược dòng ngoạn mục của đội tuyển nữ Việt Nam trước Philippines trên sân Cẩm Phả, chiều qua (11/5). Tất nhiên, vẫn còn một số vấn đề phải bàn xung quanh công tác tổ chức, xử lý tình huống phát sinh.
Báo chí Philippines không giấu được sự thất vọng khi những cầu thủ nữ của họ thua 1-2 trước đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 31.
Cho đến thời điểm này của SEA Games 31, sự mến khách và màu sắc trên khán đài vẫn là những điểm nổi bật nhất. Tuy nhiên, không phải không có những cập rập về công tác tổ chức, cũng như kiểm soát an ninh và nếu không mục sở thị, chúng ta sẽ không thấy hết được bức tranh toàn cảnh.
"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"
"Chúng tôi sẽ không giải quyết bất cứ trường hợp ngoại lệ nào cả, bởi tình trạng sân đang quá tải", một nhân viên an ninh sân Cẩm Phả ở cổng vào sân dành cho phóng viên viết và người có giấy mời, nói với P.V Thể thao & Văn hóa.
Trước đó, giữa hiệp 1 trận đấu giữa tuyển nữ Việt Nam và Philippines, người viết cùng với một số đồng nghiệp khác, đã tìm ra ngoài, để ghi nhận không khí và đã không thể trở lại vào trong. Nhiều khán giả cầm trên tay vé mời hẳn hoi, cũng không thể qua cửa, bỏ ra về không ít, hoặc tìm qua cửa vào C, D.
Trước đó, dù đã đeo thẻ tác nghiệp và vào "đúng cửa", nhưng một số phóng viên vẫn bị dừng hỏi thêm thẻ căn cước công dân, ở ngay cổng soi chiếu?! "Anh có thủ trưởng phụ trách trong sân không, gọi ra bảo lãnh đi, chúng tôi không chịu trách nhiệm về sự hỏng hóc thiết bị?!", đấy là một thắc mắc nghe khá buồn cười của một nhân viên an ninh, có lẽ là lần đầu tiên làm nhiệm vụ ở sân bóng, nên có vẻ hơi thiếu kinh nghiệm. An ninh đa (đông về số lượng, ví như trận đấu đầu tiên bảng A, bóng đá nam ở Việt Trì lên đến 700 nhân viên, chưa tính quân đội), xong không phải ai cũng tinh là nghĩa như vậy.
Thực ra, chưa có sự quá tải nào ở sân Cẩm Phả cả, khi khán đài C và D còn khá nhiều chỗ trống. Chỉ là có thể, việc kiểm soát vé mời ở khán đài A trong một trận đấu mở cửa tự do, chưa triệt để, khiến nơi thì thừa (ghế ngồi), chỗ lại thiếu. Tương tự như sân Việt Trì, khá nhiều khán giả không phải khách mời dẫn theo trẻ em chạy dồn lên khu vực khán đài VIP, khi trời đổ mưa, dẫn đến một cảnh tượng khá hỗn độn. Và nữa, vấn đề kiểm soát an ninh ở cửa ra vào cũng chưa thật chuyên nghiệp, không chỉ ở Cẩm Phả, mà tại Thiên Trường cũng vậy.
"Chị nên cho các cháu ngồi nán lại một chút, vì mở cửa ra lúc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hôm trước, đã có ít nhất 2 trường hợp khán giả bị xây xát nhẹ khi chen lấn, xô đẩy ở cửa ra vào rồi, nên chúng tôi không thể mở cửa vào lúc này được", vẫn lời một nhân viên an ninh sân Thiên Trường, ở ngày thi đấu thứ 2 môn bóng đá nam, bảng B, SEA Games 31. Để "giải cứu" cho 4 đứa trẻ và 3 cụ già muốn rời sân để về khám bệnh, uống thuốc, cuối cùng phải cậy đến Phó thường trực BTC SEA Games 31 tại Nam Định mới xong.
Nếu sự cố mất tín hiệu âm thanh ở sân Việt Trì, khiến trận đấu giữa Việt Nam và Philippines không thể tiến hành cử quốc ca, được thay bằng lá đại kỳ 3 ngàn mét vuông phủ kín khán đài và "cơn mưa" hoa giấy, thì hôm 10/5, cơn mưa nặng hạt ngập trắng mặt sân đã khiến BTC phải lùi giờ thi đấu và dồn toa, khiến trận đấu cuối cùng trong ngày chỉ kết thúc lúc nửa đêm. Còn các phóng viên tác nghiệp thì trở về khách sạn lúc rạng sáng, sau công việc kết thúc.
"Mềm nắn, rắn buông"?
Sự việc khăn giấy phủ trắng khán đài sân Việt Trì, đầu trận đấu giữa Việt Nam và Philippines ở bảng A, môn bóng đá nam, gây nhiều tranh cãi, trên các diễn đàn mạng xã hội. Luật không cấm và nói là lãng phí cũng không hẳn, vì CĐV họ tự nguyện bỏ tiền ra chơi mà?! Thậm chí, sau trận đấu kết thúc, Hội CĐV tiếp tục đội mưa ở lại, tỉ mỉ dọn từng mảnh giấy vụn vương vãi bám trên đường piste và các ghế ngồi. Thế thì vì lý do gì khiến BTC ra thông báo cấm cơn mưa hoa giấy, hay "đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không"?!
Dẫu có nhiều bỡ ngỡ với không ít các bộ phận tham gia vào đủ các khâu, công đoạn, để có được một kỳ SEA Games 31 thành công, thì việc xử lý tình huống cũng không thể cứng nhắc hay chạy theo cư dân mạng được. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, cơ bản là đám đông, là bầu không khí lễ hội. Khán giả, người hâm mộ hay tốt hơn là các CĐV chính là thước đo thành công của một trận bóng hay một giải đấu. Bóng đá không có khán giả sẽ nhanh chóng chết yểu, mà làng túc cầu nội đâu thiếu những bài học?
Mềm nắn, nhưng rắn không có nghĩa là buông, là cấm cản. Luôn có cách giải quyết và nên khuyến khích, tạo điều kiện cho khán giả, bởi họ chính là hình ảnh đại diện, bộ mặt của kỳ Đại hội này, chứ không đơn thuần là những tấm huy chương đem về, cũng không phải những thành phần được (hay phải) làm nhiệm vụ nhưng còn cứng nhắc, chưa chuyên nghiệp.
Đôi lời như thế mong BTC các sân, địa điểm thi đấu có những điều chỉnh kịp thời cho thành công chung của SEA Games.
CCKM
loading...