SEA Games 29: Thành tích!
(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề nóng nhất có tính xã hội trong tháng qua, theo người viết, chính là việc công bố điểm tuyển sinh đại học đợt 1. Nóng vì điểm tuyển sinh đầu vào của các trường đại học cao nhất, trong ít nhất là 15 năm trở lại đây. Cá biệt còn có em trượt nguyện vọng 1 khi có điểm thi gần tuyệt như tuyệt đối.
- Thể thao Việt Nam không dễ chinh phục Top 3 SEA Games 29
- U22 Campuchia mang cầu thủ giống Văn Thanh đến SEA Games 29
- SEA Games 29: Chủ nhà Malaysia quy định nghiêm ngặt về dinh dưỡng cho các đoàn thể thao
Lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng, phương án thi trắc nghiệm như năm nay thì số thí sinh điểm cao sẽ nhiều, nhưng cũng có nhiều thí sinh điểm thấp. Và phương án này sẽ tiếp tục được thực hiện. Tóm lại, phương án thi “2 trong 1” như năm nay đã thành công.
“Nước lên, thuyền lên”- điểm thí sinh cao thì điểm đầu vào cũng cao. Thế nhưng cơ hội bước vào cánh cổng các trường đại học của các thí sinh, chưa năm nào lại rộng mở như năm nay về lý thuyết. Bởi có trên 390.000 chỉ tiêu tuyển sinh đại học và cao đẳng cho tổng số 866.000 thí sinh. Tức là tỷ lệ chỉ có “2 chọi 1”. Quá dễ dàng để “chiếm” một ghế trên giảng đường đại học, bởi còn cơ hội xét tuyển đợt 2, đợt 3, đợt 4...
Người viết xin không làm mất thì giờ của độc giả nữa mà xin đề cập ngay đến một chuyện nóng trong thể thao. Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29 sắp diễn ra tại Malaysia (khai mạc ngày 14/8). Đây cũng là một cuộc thi rất cam go với các VĐV để thứ nhất là giành một chỗ trên bảng vàng, hai là ít nhất cũng phải “vượt qua chính mình”.
SEA Games, gồm 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á, được tổ chức 2 năm/ lần. Năm 1989, Thể thao Việt Nam tái hòa nhập với thể thao khu vực và liên tiếp tham dự từ đó đến nay với số lượng môn thi và số VĐV ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, nhiều “cố tật” tại Đại hội này đã bộc lộ rõ về một nền thể thao "vùng trũng".
“10 năm trở lại đây, thể thao Đông Nam Á, cụ thể là SEA Games đã xuất hiện và ngày càng phát triển một xu hướng tiêu cực: Nước chủ nhà vì muốn “chiến thắng bằng mọi giá” và muốn xếp hạng cao nên đã sắp xếp nội dung, chương trình thi đấu theo hướng loại bỏ và hạn chế tối đa các môn thế mạnh của đối phương…Thậm chí, có môn thể thao trong chương trình Olympic, Asian Games đã không được đưa vào chương trình của SEA Games… Những việc trên diễn ra và được quyết định trên bàn Hội nghị “đàm phán” và “lobby”. Xu hướng ngày càng thể hiện rõ và gây hậu quả tệ hại: Thể thao Đông Nam Á không thể ổn định và phát triển theo một quy luật khách quan, thành tích “ảo” và trình độ các môn thể thao Olympic ngày càng thấp kém. Tư tưởng “fair-play” của phong trào Olympic quốc tế không được tôn trọng”, đó là nhận xét của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam của nhiều lần đại hội quốc tế.
Theo người viết đã từng dự SEA Games, ý kiến của ông Nguyễn Hồng Minh đã nêu đúng hoàn cảnh. Thật ra từ 15 năm, chứ không chỉ là 10 năm và ngay cả khi tổ chức tại Việt Nam năm 2003, bất cứ nước chủ nhà nào cũng làm như vậy. Những môn thể thao như đá cầu, lặn mà chúng ta lần đầu đưa vào chương trình và đã dừng ở đây.
Vẫn biết việc giành một suất vào trường đại học và giành được huy chương tại bất kỳ đại hội thể thao nào đều cũng khó khăn như nhau. Tuy nhiên, giá trị của nó cũng khác nhau.
Thể thao Việt Nam gần đây đã có những tín hiệu tích cực trong các môn cơ bản như: Điền kinh, bơi, TDDC, đua thuyền, đấu kiếm, bắn súng tại SEA Games 28… hay bóng đá trẻ dự VCK FIFA U20 World Cup, futsal dự VCK thế giới, HCV bắn súng của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 là những tín hiệu rất lạc quan.
Bóng đá nữ đã từng 4 lần vô địch SEA Games, giá mà bóng đá nam cũng được nêu tên trên bảng vàng năm nay nhỉ?
Đỗ Hải Âu