Sau khi rời khỏi kinh thành, các cung nữ thời xưa sẽ đi về đâu?
Rời khỏi kinh thành xa hoa, số phận của các cung nữ thời xưa hóa ra chỉ có 4 con đường sau đây.
Vào thời phong kiến, trong hậu cung của hoàng đế có rất nhiều cung tần, mỹ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được hoàng đế để mắt tới. Do đó, cũng có không ít phi tần, cung nữ bày mưu tính kế để giành được sự sủng ái của "thiên tử" hay gạt bỏ những người đe dọa tới quyền lực và lợi ích của mình trong hậu cung.
Bên cạnh các phi tần, còn có một lực lượng đông đảo trong cung, đó là cung nữ. Theo đó, nhiều gia đình mong muốn cho con gái tiến cung làm cung nữ để có thể kiếm tiền và có cơ hội đổi đời. Việc được tuyển chọn vào cung cũng không hề dễ dàng, đòi hỏi cung nữ phải biết làm nhiều việc. Hơn nữa, trong hậu cung luôn có rất nhiều quy củ, chỉ cần bất cẩn là cung nữ có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
Một số cung nữ may mắn được hoàng đế để mắt tới có thể từ "chim sẻ hóa thành phượng hoàng", thay đổi số phận. Tuy nhiên, số người may mắn lại rất ít bởi các phi tần ở trong hậu cung cũng luồn đề cao cảnh giác đối với những cung nữ kề cận không biết an phận.
Từ thời nhà Thanh, hoàng đế đã cho phép các cung nữ có thể xuất cung khi đến tuổi quy định. Điều này dường như là đặc ân mang lại sự tự do cho các cung nữ sau chuỗi thời gian dài ở trong cung cấm.
Trên thực tế, không phải cung nữ nào cũng có thể chịu đựng được cho đến khi đủ tuổi để xuất cung. Bởi thường xuyên phải chịu cả áp lực về tinh thần và thể chất, ăn uống không đủ chất, giờ giấc sinh hoạt thất thường, nên có không ít cung nữ có thể phát điên hoặc cơ thể chịu nhiều thương tổn.
Tuy nhiên, sau khi xuất cung, cuộc sống của cung nữ may mắn sống sót lại không được như ý.
Theo quy định của triều đại nhà Thanh, cung nữ khi ở trong cung đến 25 tuổi thì có thể xin xuất cung, trở về quê để sống như những người phụ nữ bình thường khác khi có thể lấy chồng và sinh con.
Vậy, sau khi xuất cung, các cung nữ nhà Thanh sẽ đi đâu?
Dưới đây là 4 con đường chính.
Sau khi xuất cung, cung nữ sẽ làm gì?
Thứ nhất, làm tiểu thiếp. Vào thời phong kiến, bến đỗ tốt nhất mà một người phụ nữ hướng đến chính là tìm được một người đàn ông tốt để kết hôn. Các cung nữ cũng có mong muốn như vậy. Tuy nhiên, các cung nữ khi xuất cung lại có một nhược điểm chí mạng, đó chính là lớn tuổi.
Khi xuất cung, tuổi của các cung nữ đã bước qua 25. Trong khi đó, theo quan niệm thời phong kiến, những cô gái trên 18 tuổi mà chưa kết hôn hoặc sinh con đã được coi là "quá lứa lỡ thì".
Chính vì với tuổi tác đã lớn, nên các cung nữ sau khi xuất cung rất khó tìm được người chồng phù hợp. Thay vào đó, có không ít cung nữ chấp nhận làm tiểu thiếp (hay vợ lẽ) cho những người đàn ông lớn tuổi.
Thứ hai, các cung nữ xin làm người hầu trong những gia đình giàu có và quyền quý. Vì từng phục vụ nhiều năm trong cung nên các cung nữ thường rất am hiểu về lễ nghi, làm được nhiều việc. Hơn nữa, lương bổng của những người hầu trong gia đình giàu có cũng không ít. Tuy nhiên, không phải cung nữ nào cũng có may mắn được làm người hầu trong các gia đình danh gia vọng tộc này.
Thứ ba, xuất gia làm ni cô, nương nhờ cửa Phật đến cuối đời. Sau khi xuất cung, một số cung nữ không về quê vì không có nhà cửa, đất đai hay tài sản dư dả. Họ lựa chọn xuất gia thành ni cô, tụng kinh niệm Phật, sau khi trải qua cuộc sống khắc nghiệt trong hậu cung nhiều năm. Phần lớn những cung nữ này lựa chọn như vậy vì họ đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, không thể lấy chồng và sinh con được nữa.
Thứ tư, vô tình lưu lạc tới chốn thanh lâu. Một số cung nữ sau khi xuất cung, do nhiều năm không được ra ngoài nên kinh nghiệm sống gần như không có. Do đó, họ có thể bị buôn bán hoặc bị ép vào thanh lâu. Một khi sa chân vào thanh lâu thì những cung nữ này rất khó có thể quay đầu lại. Đây cũng là một bi kịch đáng thương nhất đối với các cung nữ sau khi rời khỏi kinh thành hoa lệ.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Aboluowang