Sau Asian cup, kỳ vọng V-League 'bình mới, rượu mới'
Ra Giêng, ngày mùng 8, Night Wolf V-League 2023/24 sẽ trở lại sau tròn 2 tháng dành chỗ ĐTQG cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Hy vọng giải đấu sẽ bừng sáng sau quãng "ngủ đông".
Với những biến chuyển bất ngờ sau chặng khởi đầu, mùa giải hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn và cũng khốc liệt hơn. Những trận đấu sắp đến được kỳ vọng sẽ giúp các cầu thủ tìm lại phong độ đỉnh cao, cùng đội tuyển Việt Nam tiếp tục mục tiêu vòng loại World Cup 2026. Giải đấu có chất lượng sẽ tạo ra nền tảng tốt cho đội tuyển Việt Nam.
Quan sát những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện tại Asian Cup 2023, mới thấy V-League có những việc cần làm ngay mới mong tạo ra cái nền vững chắc cho ĐTQG. "Bài học" từ Asian Cup mới toanh, đáng để soi vào, đúc kết kinh nghiệm. Những tình huống phạm lỗi không đáng có để phải nhận thẻ đỏ ở đội tuyển Việt Nam cho thấy các tuyển thủ QG phải "tinh chỉnh" lại mình. Lâu nay, môi trường V-League chưa mấy chuẩn mực đã dẫn đến "thói quen" phạm lỗi như thế ở các cầu thủ. Thói quen đó khi lên khoác áo ĐTQG ở các giải đấu quốc tế có nguy cơ dính thẻ, bị truất quyền thi đấu. Vì thế, đội ngũ trọng tài trong nước cần xử lý nghiêm minh để "cắt đứt" những hành vi như thế. Bản thân mỗi cầu thủ cũng nên đoạn tuyệt thói quen xấu từ trong "trứng nước".
Mùa giải 2023/24, lần đầu tiên V-League thi đấu vắt qua 2 năm như quốc tế. Điều này hứa hẹn là năm bản lề cho sự tươi mới của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ở buổi ban đầu còn bỡ ngỡ cũng như quãng nghỉ giữa 2 mùa giải không nhiều đã khiến các đội bóng, cầu thủ gặp nhiều khó khăn. Dễ thấy, các đội bóng đều chưa thể "nóng máy". Cùng với đó, hàng loạt cầu thủ chấn thương khiến ĐTQG hao khuyết lực lượng.
Rõ ràng, môi trường V-League đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương với các tuyển thủ. Câu chuyện lực lượng tinh nhuệ dành cho đội tuyển Việt Nam hội quân trở lại vào tháng 3 cũng cần được cảnh báo. Ngay tại CLB chủ quản, những tuyển thủ quốc gia sẽ được tận dụng tối đa về thời lượng thi đấu, thậm chí phải ra sân khi thể trạng chưa ở mức độ cao nhất.
Gặp phải chấn thương trong bóng đá là điều không thể tránh. Mỗi tuyển thủ cần có biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ từ chính bản thân mình. Bên cạnh đó, mỗi đội bóng, đội ngũ trọng tài, BTC cần nghiêm minh, dứt khoát trong công tác tổ chức, điều hành. Cần xử lý mạnh tay với các hành vi bạo lực sân cỏ, nhất là phạm lỗi thô bạo, cố tình triệt hạ để bảo vệ cầu thủ. Hơn thế, với mật độ thi đấu dày đặc, bận rộn nhiều giải đấu, các CLB phải có những điều kiện cần và đủ về chăm sóc y tế, chữa trị chấn thương, phục hồi, chế độ dinh dưỡng.
Công nghệ VAR hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ở mọi giải đấu. Với V-League, VAR cũng đã tham gia vào cuộc chơi. Dễ nhận thấy, cầu thủ Việt Nam chưa nằm lòng cách "ứng xử" với VAR trong một trận đấu. Điều này dẫn đến đội tuyển Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi về cách phản ứng của cầu thủ với diễn biến trên sân. Thẻ đỏ của Lê Phạm Thành Long, Khuất Văn Khang, hay các pha phạm lỗi của Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh, Võ Minh Trọng ở Asian Cup 2023 minh chứng rõ điều này.
Hướng đến xây dựng giải đấu chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao, trong quãng nghỉ vừa qua, VPF tiếp tục triển khai và hoàn thành lớp đào tạo trọng tài, trợ lý trọng tài VAR khóa 2 giai đoạn 3. Bóng đá Việt Nam hiện có 18 trọng tài, trợ lý trọng tài được cấp chứng chỉ vận hành VAR. Nếu toàn bộ số học viên khóa 2 được cấp chứng chỉ, sẽ có 31 trọng tài, trợ lý trọng tài đủ điều kiện làm nhiệm vụ. Đây là tiền đề quan trọng để hướng tới việc áp dụng VAR vào tất cả các trận đấu tại V-League. Hy vọng, khi VAR đã "phủ sóng" toàn bộ các sân đấu, sẽ giúp giải đấu "xanh-sạch-đẹp" và tác động tích cực đến hành vi của mỗi cầu thủ.
Tựu trung lại, mọi sự chuẩn bị đều hướng về ngày bóng lăn trở lại với những chuyển biến tích cực. V-League còn nhiều điều thú vị ở phía trước để khán giả sẽ được chứng kiến bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thay đổi về chất cả "bình" lẫn "rượu".