Sau 7 tháng, Chelsea quay lưng với Sarri-ball
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện cổ động viên Chelsea quay lưng với HLV đương nhiệm không xảy ra thường xuyên. Nhưng một khi ai đã rơi vào hoàn cảnh ấy, thì người đó nên chuẩn bị tinh thần cho ngày chia tay. Thật không may, điều này đang diễn ra với Maurizio Sarri.
Trận đấu với M.U ở Cúp FA là bằng chứng rõ ràng nhất. Những tiếng hô: “Sarri-ball rác rưởi” vang khắp các khán đài trong thời điểm Chelsea chuẩn bị bước vào một trận đấu cúp khác, chung kết Cúp Liên đoàn với Man City vào Chủ nhật này.
Mất niềm tin vào dự án Sarri-ball
Riêng khán đài Matthew Harding, những tiếng la ó nổi lên khi trọng tài Kevin Friend nổi còi kết thúc trận đấu, chưa kể suốt hiệp hai là những tiếng hô đòi tung tài năng trẻ Callum Hudson-Odoi vào sân. Tất nhiên những hành động của khán giả mang nhiều yếu tố cảm tính, nhưng đấy là một khoảnh khắc quyết định cho bất cứ triều đại nào. Trước Sarri, các cổ động viên Chelsea mới chỉ hai lần quay lưng với các HLV, đó là trường hợp của Andre Villas-Boas và Rafael Benitez, người thật ra đã bị thù ghét từ lâu sau những phát biểu không mấy thân thiện thời còn dẫn dắt Liverpool.
Chuyện Sarri cần thời gian để cấy thứ bóng đá Sarri-ball ở Chelsea không có gì mới. Vị HLV người Italy mới chỉ nhận nhiệm vụ được 7 tháng, và quá trình lột xác của Chelsea có thể phải mất tới hai mùa giải, qua 4 kỳ chuyển nhượng. Mọi dự án đều không thể thành công chỉ qua một đêm, nhưng tất cả đều cần nhìn thấy niềm tin và triển vọng của nó. Đó là những thứ không tìm thấy trong dự án Sarri-ball.
Thất bại vì chuẩn bị nửa vời
Một vấn đề khác với Sarri-ball là Chelsea không cho thấy đội bóng sẵn sàng theo đuổi có chiến lược và kiên trì đến cùng, như những gì Man City đã làm với dự án Pep Guardiola. Thời điểm đội chủ sân Etihad nảy nở mong muốn về một đội bóng theo trường phái Guardiola, họ bổ nhiệm Ferran Soriano và Txiki Begiristain, hai người Guardiola hiểu rõ và tin tưởng lần lượt vào các cương vị Giám đốc điều hành và Giám đốc thể thao. Công lao của hai nhân vật này là chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng khu luyện tập mới, chiêu mộ những cầu thủ phù hợp với mô hình Guardiola. Chelsea theo đuổi dự án của Sarri một cách nửa vời, bằng chứng rõ nhất là đội bóng này quá chần chừ trong việc sa thải người tiền nhiệm Antonio Conte khi giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải đã bắt đầu. Những tân binh như Jorginho hay gần nhất là Gonzalo Higuain rõ ràng không đủ “bột” để Sarri gột nên hồ.
Tội nghiệp cho Sarri, đội hình Chelsea lúc này như một chiếc xe đua lắp ráp tạm bợ bằng những vật liệu không ăn khớp với nhau. Jorginho rõ ràng không thích nghi được với thứ bóng đá đòi hỏi nhiều sức mạnh ở Premier League. Sự hiện diện của tuyển thủ gốc Brazil thậm chí còn khiến N’Golo Kante, cầu thủ nổi bật nhất của Chelsea suốt hai mùa vừa qua, phải chơi ở một vị trí không thật sự thoải mái nơi tuyến giữa. Thế mà Kante vẫn đóng góp 3 bàn, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của mình. Jorginho đến lúc này mới ghi đúng một bàn, và là một quả phạt đền được chuyển hóa thành công. Mateo Kovacic, người được kỳ vọng chia lửa với Kante và Jorginho, chưa ghi nổi một bàn nào cho Chelsea. Đừng kỳ vọng quá nhiều ở tuyển thủ người Croatia, bởi anh chỉ ghi 12 bàn trong suốt sự nghiệp thi đấu, và bàn gần nhất thì đã cách đây hơn 2 năm.
Thêm vào đó, Sarri tạo ra sự chán nản cho các cổ động viên Chelsea với vùng an toàn của mình. Ông không mạo hiểm sử dụng tài năng trẻ Hudson-Odoi, dù Chelsea đã bị M.U dẫn trước tới hai bàn và trận đấu còn 30 phút nữa. Những thay đổi nhân sự của vị HLV 60 tuổi này quá dễ đoán: Barkley-Kovacic (20 lần mùa này), Willian-Pedro (14 lần). Hiệu quả? Chelsea kiểm soát bóng gấp đôi M.U, nhưng tung ra đúng hai cú sút trúng đích. Quá nhiều đường chuyền, rồi những lúc bế tắc, Chelsea của Sarri chỉ biết gọi tên Hazard. Chẳng một cổ động viên Chelsea nào muốn thấy đây là đội bóng một người, và trách nhiệm tất nhiên thuộc về Sarri.
Đức Hùng