Sao Tàu hết cửa nhận thù lao khủng làm 'bóp méo các giá trị xã hội'
(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc sẽ áp dụng các quy định mới nhằm ngăn chặn nạn trốn thuế, đồng thời kiểm soát mức thu nhập "không hợp lý" trong nền điện ảnh đất nước này. Đó là thông báo được đưa ra sau vụ tranh cãi về mức thù lao, cũng như các cáo buộc trốn thuế liên qua tới một số ngôi sao nổi tiếng.
- Triệu Lệ Dĩnh là 'ngôi sao' được trả cát-xê cao nhất làng giải trí Hoa ngữ
- Mức cát-xê khủng của mỹ nhân Hoa ngữ Phạm Băng Băng, Chu Tấn, Triệu Lệ Dĩnh
1. Thông báo chính thức được đưa ra từ một tuyên bố chung từ 5 cơ quan chính phủ Trung Quốc - trong đó có các nhà điều hành trong lĩnh vực phát thanh, điện ảnh và truyền hình. Các quy định mới được áp dụng nhằm đối phó được với mức trả lương "trên trời" cho các diễn viên, hợp đồng "âm - dương", trốn thuế và các vấn đề khác.
Theo thông báo mới, những vấn đề đó đã làm "tổn hại tới sự lành mạnh của nền điện ảnh và truyền hình" và dẫn đến tình trạng "thờ tiền", "tình trạng theo đuổi một cách mù quáng để trở nên nổi tiếng của người trẻ" và "bóp méo các giá trị xã hội".
Nền điện ảnh Trung Quốc đã phát triển bùng nổ trong nhiều năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng và tầng lớp trung lưu gia tăng khiến ngày càng nhiều người muốn tới rạp xem phim để có được những giây phút giải trí sau ngày làm việc.
Năm ngoái, doanh thu phòng vé Trung Quốc đạt khoảng 8 tỷ USD, trong khi ở thị trường Bắc Mỹ là 11 tỷ USD. Trong những tháng đầu năm nay, lượng vé bán ra ở Trung Quốc thậm chí còn vượt cả Bắc Mỹ.
2. Được biết, cách trả cát-xê cho diễn viên ở Trung Quốc đang mang phong cách của Hollywood, dù rất nhiều trong số đó không nổi tiếng ở bên ngoài Trung Quốc.
Theo danh sách thống kê các nữ diễn viên được trả cát-xê cao nhất thế giới của tạp chí Forbes, ngôi sao đại lục Phạm Băng Băng đã kiếm được 17 triệu USD hồi năm 2016, mức thu nhập còn cao hơn cả các gương mặt Hollywood nổi tiếng như Charlize Theron và Julia Roberts.
Phạm Băng Băng (36 tuổi) từng có những phần diễn bị cho là không cần thiết trong một số quả bom tấn Hollywood X-Men: Days Of Future Past (Dị nhân 6: Ngày cũ của tương lai) và Iron Man 3 (Người Sắt 3). Đó là những bộ phim được làm trong bối cảnh Hollywood đang tìm kiếm những vai phụ cho các diễn viên Trung Quốc với hy vọng sẽ kéo khán giả ở thị trường mới này tới rạp đông hơn. Mới nhất Phạm Băng Băng còn chuẩn bị xuất hiện trong phim 355 với dàn sao toàn nữ gồm cả Jessica Chastain và Lupita Nyong’o.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc Phạm Băng Băng là một trong những siêu sao quyền lực nhất. Cô nổi danh sau khi đóng phim truyền hình Hoàn Châu cách cách hồi cuối những năm 1990. Kể từ đó, Phạm Băng Băng đã tham gia diễn xuất trong nhiều phim truyền hình và phim điện ảnh bom tấn Trung Quốc, như Võ Tắc Thiên truyền kỳ, Nhật chiếu Trùng Khánh (Chongqing Blues - 2010), phim tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm 2010 Tôi không phải là Phan Kim Liên (I Am Not Madame Bovary - 2016) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương.
Thế nhưng, hồi tháng 5, Phạm Băng Băng đã trở thành tâm điểm của báo giới khi người dẫn chương trình truyền hình Thôi Vĩnh Nguyên (Cui Yongyuan) đã đăng tải trên trang mạng xã hội rằng Phạm Băng Băng đã ký 2 hợp đồng cho cùng một bộ phim, vốn được coi là hợp đồng "âm - dương", trong đó một hợp đồng cô được trả 1,6 triệu USD trong 4 ngày quay phim và hợp đồng kia cô được trả thêm 7,8 triệu USD.
Hiện vẫn chưa rõ những kiểu hợp đồng "âm - dương", gồm một hợp đồng công khai để báo cáo với cơ quan thuế và một hợp đồng là để nhận một khoản tiền thù lao lớn, có thực hay không - khi Phạm Băng Băng phủ nhận mọi cáo buộc và chỉ trích Thôi Vĩnh Nguyên vu khống.
Nhưng ngay sau khi Phạm Băng Băng bị cáo buộc, các nhà chức trách thuế Trung Quốc bắt đầu điều tra. Theo đó công ty sản xuất phim của Phạm Băng Băng ở Vô Tích cũng bị đưa vào hồ sơ và một số tên tuổi khác tiếp tục bị "lật tẩy". Điển hình, đạo diễn Phùng Tiểu Cương cũng bị cáo buộc trốn thuế và dinh thự trị giá nhiều triệu đô của ông ở Bắc Mỹ đã bị phơi bày.
3. Từ lâu Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ nhưng cũng có những quy định nghiêm ngặt với nền điện ảnh. Trung Quốc còn hạn chế mức phim nước ngoài được chiếu ở thị trường này nhằm tạo đất cho các sản phẩm nội địa.
Tuy thị trường điện ảnh Trung Quốc đã phát triển mạnh, song nhiều bộ phim vẫn còn thua xa Hollywood về lượng khán giả xem phim toàn cầu.
Theo quy định mới của Trung Quốc, thù lao của các diễn viên phim truyền hình và điện ảnh nước này sẽ bị giới hạn ở mức 40% tổng chi phí sản xuất. Trong khi đó, các diễn viên hàng đầu không thể được trả hơn 70% tổng số tiền thù lao của toàn bộ dàn diễn viên. |
Việt Lâm (tổng hợp)