Sân khấu Thủ đô 'thời covid' vẫn bừng nở muôn sắc màu hấp dẫn
(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như hứa hẹn, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”, sân khấu Thủ đô bừng nở muôn sắc màu hấp dẫn thông qua các tác phẩm mới và hoạt động sôi nổi của giới nghề. Đó là kết quả của quá trình luôn vận động, sáng tạo, ấp ủ nhiều tháng qua của các nghệ sĩ, nhằm đón khán giả trở lại.
Đến với nhiều đối tượng
Bắt đầu từ cuối tháng 9 này, khắp các sân khấu của Thủ đô rộn ràng trở lại phục vụ khán giả. Vở kịch nói “Trương Chi - Mị Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa dàn dựng kịp tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - năm 2020. Dựa theo cốt truyện cổ tích dân gian, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Phùng Tiến Minh đã hóa giải mối tình dang dở giữa Mị Nương và Trương Chi trên sân khấu kịch thông qua âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, vũ đạo giàu tính đương đại, để tác phẩm gần với khán giả hơn. Đặc biệt, sân khấu quay hiện đại của nhà hát đem lại nhiều hiệu ứng mới, đẩy cao sự hứng thú của khán giả.
Bên cạnh vở diễn này, Liên hoan sân khấu Thủ đô do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức từ ngày 26-9 đến 3-10, còn đem đến công chúng 13 vở diễn khác của các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô và một số địa phương bạn. Những câu chuyện đa phần về Hà Nội hoặc liên quan đến Thủ đô nghìn năm văn hiến được thể hiện với màu sắc mới, đang chờ đón khán giả, như: “Huyền thoại Hà Nội” (Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội), “Chuyện thành Cổ Loa” (Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh), “Huyền thoại Thánh mẫu” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Tình sử Thăng Long” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…
Ngoài ra, nhiều nhà hát bắt tay dàn dựng và ra mắt những tác phẩm mới, được ấp ủ kỹ lưỡng trong thời gian qua. Vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện, vừa ra mắt đã khuấy đảo sân khấu Thủ đô. Những nét diễn trẻ trung, các nhân vật thú vị, sân khấu vừa sôi động, vừa lãng mạn, đang chinh phục khán giả trẻ. Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, “Trại hoa vàng” là cơ hội tốt để nhà hát mở rộng đối tượng phục vụ, đưa nghệ thuật đến học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử và Tiên Dung) - vở diễn đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc, đã khởi động, hứa hẹn là “bom tấn” của sân khấu Thủ đô. Kỳ vọng của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam ở tác phẩm này là muốn tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thử nghiệm để thu hút công chúng đến với sân khấu...
Nỗ lực phía sau sàn diễn
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít đơn vị và nghệ sĩ sân khấu lao đao vì phải tạm dừng phục vụ khán giả trong thời gian dài. Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Các nghệ sĩ vẫn không ngừng luyện tập, vừa giữ phong độ, vừa sẵn sàng đóng góp vào công cuộc khôi phục cuộc sống. Việc “góp gạo thổi cơm chung” giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong vở diễn "Cây gậy thần" nhằm tạo đột phá cho sân khấu. Bởi, kéo được khán giả đến với mình lúc này chỉ có tác phẩm chất lượng, đặc sắc”.
Để thực hiện thành công sự kết hợp độc đáo này, nghệ sĩ hai đơn vị đã nỗ lực hết mình trên sàn tập. Theo nghệ sĩ Minh Hải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) - diễn viên chính trong vở “Cây gậy thần”, bên cạnh học thoại, học ca, anh và nghệ sĩ Như Quỳnh đổ không ít mồ hôi, công sức vì tập cưỡi ngựa, đu dây… theo yêu cầu của vai diễn. Còn nghệ sĩ xiếc Bích Ngọc cũng phải tập quen với nền nhạc, nhịp điệu của cải lương để vào vai nhuần nhị, ăn khớp.
- Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'
- Kim Tử Long tái ngộ 'người tình' Ngọc Huyền cảm xúc trên sân khấu Thủ đô
- Vở chèo cổ ‘Quan Âm Thị Kính’ tái xuất sân khấu Thủ đô Hà Nội
Nghệ sĩ nhân dân Công Lý, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, sân khấu hiện nay chịu cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí hiện đại, nên nhà hát đã tập trung hiện đại hóa bằng sân khấu quay, mở sân khấu Quảng Lạc ở khu vực phố cổ để thu hút khán giả. Còn Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thông tin, những tháng qua, nhà hát đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho nghệ sĩ trẻ, nhằm đem đến sức sống mới cho các vở công diễn dịp này.
Liên quan đến vấn đề này, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội và các cơ quan quản lý đã đồng hành cùng các đơn vị, nghệ sĩ sân khấu; cổ vũ, tư vấn, đồng thời chuẩn bị những sân chơi nghệ thuật, như: Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020, chương trình biểu diễn dịp 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, các cuộc thi tài năng sân khấu... để nghệ sĩ “giữ lửa” nghề, hoạt động sôi nổi trở lại ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
An Nhi