Sân khấu thể nghiệm của Kịch 5B (Kỳ 1): Chuyện từ 30 năm trước
(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm kịch Buffalo của ĐD Nguyễn Khắc Duy được xem là tiên phong trong việc đem lại làn gió mới cho kịch TP.HCM. Vở kịch Broadway Chicago và gần đây là kịch thể nghiệm Tuyết đỏ được công luận đánh giá cao. Đặc biệt, sự dấn thân của nhóm Buffalo được xem là “hậu duệ” của kịch thể nghiệm từng thành công vang dội ở Kịch 5B. Cũng chính vì vậy mà Kịch 5B dang tay đón chào Buffalo về với mình và hy vọng họ sẽ làm nên những kỳ tích mới cho sân khấu kịch TP.HCM.
TT&VH giới thiệu loạt bài về kịch thể nghiệm tại sân khấu Kịch 5B nhân việc xuất hiện nhóm kịch Buffalo này.
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ - thường gọi Kịch 5B (5B Võ Văn Tần, TP.HCM) - là nơi định hình nhiều tên tuổi lớn của làng kịch nói TP.HCM sau năm 1975. Thành lập ngày 7/7/1997, mà tiền thân là CLB sân khấu thể nghiệm, ra đời ngày 1/8/1984. Một trong những đặc trưng ban đầu của Kịch 5B là tính thể nghiệm của nó, nhất là với sân khấu nhỏ, khán giả ngồi vây quanh. Thế nhưng 4-5 năm gần nay, tính thể nghiệm gần như vắng bóng, dù mô hình sân khấu nhỏ vẫn còn nguyên.
Thế nào là kịch thể nghiệm?
Sân khấu thể nghiệm (experimental theatre) của thế giới được ghi nhận từ tinh thần đổi mới trong các vở kịch về Ubu của Alfred Jarry từ cuối thế kỷ 19, nhưng đỉnh điểm là cuộc cách tân nhận thức thông qua phong trào văn hóa và nghệ thuật của chủ nghĩa siêu thực (surrealism) từ thập niên 1920; và của sân khấu/ kịch phi lý (theatre of the absurd/ théâtre de l'absurde) ra đời vào thập niên 1950 tại châu Âu.
Cảnh trong vở Kangaroo đến Việt Nam của Lê Quý Dương. Ảnh: TL
Về nhận diện, sân khấu thể nghiệm thay đổi các quy ước truyền thống về không gian, cao trào, tâm lý, thắt nút, lời thoại, tính ước lệ, biểu trưng và các yếu tố khác về dàn dựng, trang trí, đạo cụ, phục trang… Khái niệm về thể nghiệm luôn thay đổi định nghĩa, tùy vào truyền thống sân khấu của mỗi quốc gia, mỗi châu lục, nhưng đa số đều xem trọng việc thể nghiệm mới về hình thức cấu thành kịch bản và vở diễn.
Về tư tưởng, ban đầu nó được hình thành để ứng phó với tình trạng khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng nhận thức khi sân khấu đã kinh qua nhiều thế kỷ. Mặc dù cách tiếp cận khác nhau, nhưng phần nhiều các sân khấu thể nghiệm tiên phong ở châu Âu đều (trực tiếp hoặc gián tiếp) phản đối những ràng buộc và bảo thủ của kịch cổ điển. Nó cố gắng đưa ra một phương thức sử dụng ngôn ngữ và hình thể khác để thay thế nhận thức cũ, nhằm tạo nên mối quan hệ tích cực hơn với khán giả.
Đến nay vẫn chưa có cột mốc đầu tiên về việc tiếp nhận sân khấu thể nghiệm tại Việt Nam. Riêng kịch phi lý (sinh ra từ thể nghiệm) thì Trần Thiện Đạo là một trong những dịch giả tiếp cận sớm, năm 1960, ông dịch Số phận của một tác phẩm, sau đó là một số vở kịch khác mà được biết đến nhiều nhất là Trong khi chờ Godot của Samuel Beckett, xuất bản năm 1969.
Đạo diễn Lê Quý Dương (từng dựng kịch tại 5B), nổi tiếng với nhiều vở kịch thể nghiệm như Bông cúc xanh trên đầm lầy, Giấc mộng đêm Hè, Huyền thoại cuộc sống, Kangaroo đến Việt Nam, Người năm 2222… nhận định: “Kịch thể nghiệm phải mở lối, làm mới… từ chính nền tảng của những nguyên lý sáng tạo và thưởng thức sân khấu đã được đúc kết thành lý luận. Vì vậy, muốn thể nghiệm thành công thì ê-kíp cần có một nền tảng kiến thức về sân khấu truyền thống và một bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Họ đặc biệt cần những khán giả có đủ trình độ văn hóa, kiến thức nghệ thuật, kinh nghiệm thẩm mỹ để đón nhận các tác phẩm. Hơn thế nữa, cả nghệ sĩ và công chúng phải cùng thấu hiểu những cái cũ với tất cả những hạn chế của nó thì mới có thể tạo nên và đón nhận những cái mới thực sự là mới và có hiệu quả cách tân. Nếu xét trên bình diện như vậy thì, loại trừ một số vở diễn và hội diễn đơn lẻ, ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn chưa định hình một đời sống sân khấu thể nghiệm theo đúng nghĩa của từ chuyên môn này”.
Sân khấu thể nghiệm Kịch 5B
CLB sân khấu thể nghiệm ra đời ngày 1/8/1984, song hành là mô hình sân khấu nhỏ đã trở thành một thể nghiệm về phương cách dàn dựng tại Việt Nam. Bởi trước đó, sân khấu truyền thống nói chung chỉ có “1 mặt tiền - 1 hướng nhìn”, 5B dựng nên sân khấu nhỏ với “3 mặt tiền - 3 hướng nhìn”, thậm chí có vở sân khấu chính giữa, “4 mặt tiền - 4 hướng nhìn”. Sân khấu 5B rất giống các đấu trường, hí trường thời cổ đại thu nhỏ xuống hàng trăm lần, nơi diễn viên diễn sát khán giả, tiếng nói trực tiếp, không dùng hệ thống tăng âm.
Trên thế giới, trào lưu sân khấu nhỏ (little theatre movement) xuất hiện phổ biến từ khi nền điện ảnh bắt đầu dành khán giả của các sân khấu quy mô lớn. Tại Mỹ, từ khoảng 1912, sân khấu nhỏ đã hình thành và phổ biến ở Chicago, Boston, Seattle, Detroit… Nhiều sân khấu nhỏ chỉ để phục vụ cho việc thể nghiệm, cách tân của giới làm nghề, hoạt động phi thương mại.
Khi mới ra đời, 5B đã kết nối được những nghệ sĩ trẻ nhiệt huyết như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hữu Châu, Công Ninh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mai Thanh Dung, Thanh Thủy, Thanh Hoàng, Minh Hoàng, Thành Hội, Ái Như, Quốc Thảo… Sân khấu nhỏ không chỉ giúp họ về bản lĩnh nghề nghiệp, mà còn làm mới được nhiều kịch bản hay, nhưng hơi cũ kỹ về cấu trúc. Tháng 1/1988, 5B tổ chức Liên hoan Sân khấu nhỏ lần thứ 1, và lần thứ 2 vào năm 1993 với nhiều vở thể nghiệm.
Tuy kiên trì với mô hình thể nghiệm, nhưng nhìn lại 30 năm thì 5B có rất ít vở thể nghiệm trọn vẹn theo định nghĩa thể loại. Riêng tinh thần thể nghiệm thì vẫn phảng phất hoặc hiện diện trong nhiều vở, ở các tình tiết hay lớp diễn nhỏ. Những vở thể nghiệm diện rộng như Chuyện lạ của Minh Hải, Kangaroo đến Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho nên, dù không kéo dài được thời gian ra rạp, nhưng để lại ấn tượng rất lớn.
Vở Chuyện lạ (đầu thập niên 1990) đặt sân khấu chính giữa khán giả, 4 diễn viên, mỗi người đảm trách 2-3 vai, diễn với vòng tròn và sợi dây thừng. Còn Kangaroo đến Việt Nam (năm 2008) là vở không thoại, nơi kangaroo Úc và chuột Việt Nam đứng chung sân khấu, diễn kết hợp với trống dân tộc, video, tiếng động, sắp đặt và hiệu ứng thị giác. Kịch bản viết theo lát cắt, bất tuân thủ nguyên tắc biên kịch truyền thống.
Kỳ 2: “Tuyết đỏ” sốc lại phong độ thể nghiệm
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa