Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?
(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế, kịch nói Việt Nam ra đời rất muộn so với các nền kịch lớn của thế giới. Điển hình, nếu xét từ ngọn nguồn của kịch nói nhân loại, chúng ta “thua kém” kịch nói cổ đại Hy Lạp tới 25 thế kỷ.
Dù vậy, chỉ trong 100 năm xuất hiện, kịch nói Việt Nam lại có một lợi thế đặc biệt của người đi sau: Được tiếp nhận những tinh hoa về thi pháp, thể loại, cấu trúc…mà các nền kịch nói từ Cổ đại đến Phục hưng, Khai sáng, Lãng mạn, Hiện thực… tích lũy được.
“Di sản” của một thế kỷ
Như phân tích của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, kể từ khi “kịch Tây” chính thức du nhập, người Việt Nam đã dần có những sáng tác thuần Việt nhưng lại tuân thủ theo đúng các công đoạn trong chuỗi sáng tạo vở diễn của phương Tây. Để rồi, từ những vở diễn “học lỏm” ban đầu theo phương thức tài tử, các yếu tố của sân khấu phương Tây kể từ kịch bản, nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng, hóa trang, phục trang... trở thành cú hích rất mạnh để phát thể loại kịch Việt theo chuẩn châu Âu này.
Đáng nói, những gương mặt tiên phong của sân khấu kịch trong giai đoạn ấy cũng chính là những văn nghệ sĩ trí thức Tây học vừa xuất hiện tại Việt Nam. Tầng lớp tinh hoa ấy đã đặt nền móng rất quan trọng nền sân khấu sau này, như cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, con trai đạo diễn Thế Lữ, từng nhận định: "Họ tiếp xúc với sân khấu Pháp không chỉ như với một ngành nghệ thuật biệt lập, mà trong tiếp xúc tổng thể với một nền văn hoá”.
Vài chục năm sau lần tiếp xúc đầu tiên với sân khấu Pháp, kịch nói Việt Nam lại có cuộc tiếp xúc thứ hai ở quy mô lớn hơn với kịch nghệ của các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu như Liên Xô, Bulgaria, Romania, Tiệp Khắc, CHDC Đức. Kể từ năm 1960, hàng loạt gương mặt trẻ của sân khấu Việt Nam được đưa sang các quốc gia này để học tập, trong đó ưu tiên hàng đầu là các đạo diễn sân khấu. Khi trở về nước, bên cạnh việc dàn dựng, rất nhiều trong số đó cũng trở thành những nhà sư phạm - sân khấu, nhà đạo diễn - thực hành dàn dựng nổi tiếng của Việt Nam và tạo ra ảnh hưởng rộng khắp trên mọi lĩnh vực.
Như thế, từ sự tiếp thu mang tính bị động, áp đặt sang tự ý thức và chủ động, sự phát triển của sân khấu Việt Nam trong thế kỷ XX chủ yếu gắn với thể loại kịch nói. Riêng tại khu vực các tỉnh phía Nam - vốn nhiều năm say mê với “đặc sản” cải lương và không quá mạnh về kịch nói cho tới trước 1975 - kịch nói cũng tạo ra sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ và dần tạo ra nền móng cho sự phát triển ồ ạt của những đoàn kịch xã hội hóa sau này.
Cũng trong quá trình phát triển ấy, theo PTS Tất Thắng, kịch nói Việt Nam cũng luôn có ý thức tiếp thu tinh hoa từ các thể loại sân khấu và biểu diễn truyền thống của mình. Điển hình, ngay từ buổi “lọt lòng” tròn một thế kỷ trước, vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long đã tiếp thu các mảng trò của nghệ thuật chèo, tuồng khi đưa vào vở diễn 2 lớp “lên đồng” và “bói toán”. Để rồi, trong một thế kỷ tiếp theo, người ta luôn có thể nhìn thấy ở các vở kịch nói Việt Nam những trình thức tinh hoa của sân khấu kịch hát dân tộc, cũng như các loại hình nghệ thuật khác.
Cần thêm “hành trang” mới
Nhưng, theo đạo diễn Lê Quý Dương, thực tế tồn tại trong một thế kỷ của sân khấu Việt Nam cũng gắn với một hạn chế lớn: Nếu không kể tới buổi đầu tiếp xúc với sân khấu Pháp, sân khấu kịch Việt Nam hiện đại trong rất nhiều năm gần như chỉ được giảng dạy học tập, sáng tạo vở diễn (của nghệ sĩ) hay thưởng thức tác phẩm (của khán giả) chỉ theo đúng một trường phái sân khấu của Liên Xô.
Và, khi những nghệ sĩ - đạo diễn thuộc thế hệ cuối cùng được đi du học tại Liên Xô trong thập niên 1980 như Lê Hùng, Đức Hải, Khánh Vinh, Lê Chức… đã dần về hưu hoặc không còn sung sức, những khoảng trống của thế hệ kế thừa bắt đầu lộ rõ.
Thêm vào đó, khi các loại hình giải trí hiện đại ngày càng bùng nổ, sân khấu Việt Nam phải chịu sức ép quá lớn trước sự thay đổi nhu cầu của khán giả. Như nhận xét của NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, theo xu thế thời đại, kịch nói hiện thiên về việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả, thay cho một nền sân khấu vì nghệ thuật và hướng tới những lý tưởng trong cuộc sống.
Thực tế, trong giai đoạn chuyển giao ấy, sân khấu kịch Việt Nam cũng đã có những nỗ lực nhất định để tự làm mới mình. Điển hình, trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI, 4 kì Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Hà Nội đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khởi xướng với sự hưởng ứng đông đảo của các nhà hát và đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Ở đó, sau hàng chục năm chịu ảnh hưởng của sân khấu cổ điển Pháp và sân khấu hiện thực tâm lý Nga - Xô Viết, nghệ sỹ và khán giả Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với một thế giới sáng tạo và thưởng thức sân khấu rộng lớn, đa dạng hơn rất nhiều so với những gì từng được xem.
- Nhìn lại 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam (Kỳ 3): Đỉnh cao, thoái trào và 'chuyển hoá'
- Nhìn lại 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 2): Một đối sánh cùng cải lương
- Nhìn lại 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (Kỳ 1): Điểm nhấn kịch xã hội hóa từ TP.HCM
Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây, khi sân khấu Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển giao và thoái trào.
Như thế, dù những gì nhận về sau một thế kỷ là vô cùng quý giá và phong phú, dòng chảy của thời đại vẫn khiến kịch nói Việt Nam đứng trước nhu cầu tự đổi mới mình. Nói cách khác, vốn quý từ 100 năm tồn tại ấy vẫn cần được bổ sung thêm rất nhiều tri thức và kỹ năng của thời đại mới, để trở thành hành trang cho kịch nói mang theo trong những năm phát triển tới đây.
Nói như đạo diễn Lê Quý Dương, cách mạng công nghệ 4.0 và những vấn đề cấp bách chung của nhân loại đang làm thay đổi hoàn toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật nói chung, cũng như đời sống kịch nói nói riêng, cũng không tránh khỏi những tác động tích cực và tiêu cực từ các thay đổi này. Và trong bối cảnh các nền sân khấu trên thế giới cũng đang gặp vấn đề về việc đi tìm khán giả ở những mức độ khác nhau, rõ ràng kịch nói Việt Nam đang đứng trước nhu cầu phải có một cuộc “cách mạng” về sáng tạo trên mọi lĩnh vực.
Cần thay đổi trên mọi lĩnh vực “Để thay đổi thực tế, chúng ta cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ ở tất cả các thành tố tạo nên tác phẩm. Trước mắt, cần mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, âm thanh ánh sáng đang hoạt động tại các đơn vị. Đồng thời, cũng nên tính tới việc đưa các nghệ sĩ đi học tập hoặc tập huấn ở những có nền kịch nói phát triển, thời gian có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo năng lực của mỗi người. Ngoài ra, trước mắt, các cơ quan chức năng nên tập trung đầu tư về mọi mặt cho 2 đơn vị kịch nói tiêu biểu xứng tầm khu vực để làm đầu tàu, thúc đẩy các đơn vị kịch nói khác trong cả nước phát triển bắt kịp với nền kịch nghệ trên thế giới”. (Đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ) |
Trí Uẩn