Sân khấu đình thần ở TP.HCM: Bất ngờ với cải lương tuồng cổ ở nơi 'đất thánh'
(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 10 năm gần đây đất diễn cho cải lương tuồng cổ bị thu hẹp liên tục tại các sân khấu giải trí, vì vậy mà sân khấu đình làng (hay đình thần) trở thành “đất thánh” của loại hình này.
1. Kỳ yên (cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, tế thành hoàng) là lễ lớn nhất trong năm của đình thần ở Nam bộ. Từ rằm tháng Giêng đến hết tháng 2 Âm lịch, nhiều đình ở Nam bộ nói chung và ở TP.HCM nói riêng, tổ chức lễ Kỳ yên. Đây là dịp dân mộ điệu hát bội (hát bộ, tuồng) - sau này thêm cải lương tuồng cổ - có dịp thưởng thức lại những tác phẩm mẫu mực.
Diễn hát bội (và cải lương tuồng cổ) gọi chung là hát chầu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu tại mỗi kỳ đáo lệ lễ Kỳ yên. Bởi hát chầu có chức năng chính là nghi thức cúng thành hoàng, sau mới giúp vui cho dân làng. Tùy khả năng tài chính của mỗi đình, việc hát chầu sẽ diễn ra hàng năm, hoặc chậm nhất là 3 năm một lần.
Theo kết quả điều tra năm 1992 của Bảo tàng Cách mạng TP.HCM, TP.HCM còn 260 đình, quận huyện có đình nhiều nhất là Bình Chánh: 57 đình, ít nhất là Phú Nhuận: 1 đình. Dù bị mai một khá nhiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì hiện nay lễ Kỳ yên vẫn còn duy trì ở hơn 230 đình tại TP.HCM. Những đình còn duy trì được hát chầu thì trên 100 đình (hoặc gần 150 đình), vì chưa có thống kê chính thức. Nghĩa là “đất sống” cho hát bội và cải lương tuồng cổ vẫn còn hiện diện nhiều nơi.
Dịp này ở TP.HCM, hôm 27/2/2019 tại Chùa Ông (quận 5) diễn vở Tiết Giao đoạt ngọc, ngày 17/3 tại đình Thái Hưng (quận 1) diễn vở Long lân quy phụng… Ngày 20/3 hát chầu tại đình Nhơn Hòa (quận 1), ngày 22/3 tại đình Ưu Long (quận 8), ngày 23/3 tại miếu Bà Ngũ Hành (quận 6)…
Danh sách hát chầu còn rất nhiều, kéo dài hết đến tháng 2 Âm lịch, nên các gánh hát bội và cải lương tuồng cổ phải “chạy sô hết công suất”. Khán giả cũng được một phen “chạy sô” để xem miễn phí những vở kinh điển, mà không rơi vào dịp lễ Kỳ yên này thì rất khó có để xem.
2. Nhìn lại nguyên năm 2018 ở các sân khấu bán vé tại TP.HCM, nhẩm tới nhẩm lui thì cải lương tuồng cổ sáng đèn rất ít. Sân khấu Lê Hoàng diễn chuyên về cải lương tuồng cổ, có mấy tuồng như Tứ tử đăng khoa, Tần Hương Liên kỳ án, Thất tiên nữ... trung bình mỗi tháng sáng đèn một lần. “Liên minh” sân khấu Kim Tử Long - Ngọc Huyền có tuồng Xử án Phi Giao diễn một vài suất hồi tháng 1/2018. Nói chung so với 10 năm trước, có thể nói cải lương tuồng cổ hiện nay đang sống thoi thóp, hoặc đang chờ ngày mai một.
Trong bối cảnh như vậy, hòa vào không khí tâm linh và lễ hội của các lễ Kỳ yên, giới mộ điệu mới có cơ hội thưởng thức nhiều vở tuồng kinh điển của hát bội, của cải lương tuồng cổ.
Tất nhiên phần lớn các đình không đủ kinh phí và quan hệ để mời các gánh hát danh tiếng, nên chất lượng vở diễn cũng thuộc kiểu “cây nhà lá vườn”. Nhưng với các đình lớn hoặc có gốc tích gắn liền với cải lương tuồng cổ như đình Thái Hưng, chất lượng vở diễn khá tốt. Vở Long lân quy phụng được nghệ sĩ Bạch Long tích hợp hầu hết các mảng miếng kinh điển của cải lương tuồng cổ, lại được các nghệ sĩ danh tiếng, giỏi nghề biểu diễn nên xem rất thích.
NSƯT Kim Tử Long chia sẻ rằng, diễn tại hát chầu, tâm thế của nghệ sĩ hoàn toàn khác với diễn tại các sân khấu giải trí.
“Khi hát chầu thì chúng tôi phải diễn với tâm thế cung kính, trang trọng, vì hát phục vụ lễ nghi thờ cúng thành hoàng, không thể cẩu thả được. Khi diễn tại các tụ điểm, nghệ sĩ có thể biến báo này kia, nhưng khi hát chầu thì phải tôn trọng bài bản, vì có tổ nghề chứng giám” - Kim Tử Long nói.
Kỳ yên là một tín ngưỡng thanh tao, một mỹ tục đặc trưng của đất Nam bộ. Rất may, trong quá trình định hình tín ngưỡng này đã tích hợp được lễ hát chầu, nên hát bội, cải lương tuồng cổ có thêm một kênh để bảo tồn. Sống tại TP.HCM và Nam bộ, nếu muốn xem hát bội và cải lương tuồng cổ, hãy ghi nhớ thêm lễ Kỳ yên ở các đình thần.
Văn Bảy