Sân đấu vắng khán giả, chuyện muôn năm cũ của bóng đá nữ Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp sân Thống Nhất (TP.HCM) vắng như “Chùa Bà Đanh” khi các cô gái đá bóng, cuộc cạnh tranh tại giải VĐQG - Cúp vô địch Thái Sơn Bắc năm nay hứa hẹn vẫn “căng như dây đàn”.
- PP Hà Nam – Than KSVN 2-0: Dễ hơn tưởng tượng
- Hoãn trận Hà Nam và Than KSVN vì mất điện
- Lượt về giải bóng đá nữ VĐQG - Thái Sơn Bắc 2015: Than KSVN tiếp tục gây thất vọng
Chuyện muôn năm cũ
“Quen rồi anh ạ!”. Đấy là câu cảm thán các cô gái chia sẻ sau khi nhiều người đặt câu hỏi về cảnh tượng vắng hoe trên các khán đài mỗi khi họ thi đấu. Đối với phận cầu thủ nữ, đã dấn thân với đam mê chơi bóng, ngoài việc phải chấp nhận nhiều nỗi niềm như thu nhập thấp, rủi ro cao, họ cũng quen luôn với những khán đài hiu hắt.
Thế nên, mới có chuyện một thời, bóng đá nữ bị hắt hủi bởi chính những người quản lý. Và từ xưa đến nay, cũng chưa ai ghi nhận bóng đá nữ là ngành nghề có thu nhập tốt. So sánh với những đồng nghiệp nam, dù kinh tế có thể không được như thời hoàng kim hơn chục năm trước, nay các cô gái đá bóng cũng thiệt thòi gấp đôi, gấp ba. Bản thân các cô gái đá bóng để trụ được đến đỉnh cao, họ phải đánh đổi không ít mồ hôi, nước mắt. Bởi so với các chàng trai, cầu thủ nữ sở hữu nền tảng thể lực và những đôi chân mong manh hơn nhiều.
Trở lại với sân Thống Nhất những ngày qua, bóng đá chỉ là chuyện nội bộ của 8 CLB tham dự giải. Những người có trách nhiệm đến xem các cầu thủ nữ thi đấu cũng được sống trong không khí tĩnh lặng để hoàn toàn tập trung vào chuyên môn. HLV trưởng ĐTQG Mai Đức Chung cho biết: “Tôi đã quen với tình trạng như thế này rồi, cũng không có gì lạ cả. Tôi ước giá mà khán giả đông hơn thì tinh thần thi đấu của các cháu sẽ hưng phấn hơn, trận đấu sẽ hay hơn”.
Là người lăn lộn hơn 20 năm trong nghề, HLV vừa giúp TP.HCM 1 đoạt cú đúp vô địch 2 năm liên tiếp, Đoàn Thị Kim Chi tổng kết ngắn gọn thực trạng bóng đá nữ nước nhà: “Có đem lại thành tích nhiều đi nữa thì bóng đá nữ từ trước đến nay ít nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp lẫn CĐV. Dù đó là thiệt thòi nhưng không vì thế mà các cầu thủ nữ mất đi động lực thi đấu. Họ vẫn đam mê, nhiệt tình thi đấu để cống hiến cho bóng đá nước nhà”.
“Khoe sắc” trên sân cỏ
Bóng cứ lăn, đời cầu thủ nữ vẫn cứ buồn. Đó có thể chỉ là nhận định chủ quan khi nhìn lướt qua những bóng hồng chơi bóng. Bởi lẽ khi đã chọn nghiệp quần đùi áo số, họ đã chiến thắng chính mình, vượt qua định kiến xã hội để tự kiếm tìm niềm vui cho bản thân mình. Với nhiều mảnh đời cầu thủ nữ, đến với sân cỏ họ thậm chí còn giải quyết khó khăn cho gia đình và bản thân khi có được “đồng ra đồng vào”. Đa phần cầu thủ nữ xuất thân từ những vùng quê nghèo khó và thực sự đổi đời nhờ bóng banh.
Dù CĐV không đồng hành với họ nhưng sau 3 lượt trận, giải hứa hẹn sẽ có không ít bất ngờ. Bắt đầu từ việc đương kim vô địch TP.HCM 1 có dấu hiệu sa sút khi bị Than Khoáng sản Việt Nam đánh bại lượt đầu, đến những ứng viên vô địch khác như Hà Nội 1 hay Phong Phú Hà Nam thay tướng để quyết tâm đổi vận, cuộc đua tranh sẽ khốc liệt hơn.
Bên cạnh những thuyền trưởng mới có kinh nghiệm, giải đấu còn chứng kiến một thế hệ trẻ đang muốn chứng tỏ mình. Tiến bộ rõ ràng nhất là Than Khoáng sản Việt Nam, đội bóng đã thu được trái ngọt sau công cuộc trẻ hóa từ vài năm trước. Chỉ cần sự có mặt của HLV trưởng ĐTQG Mai Đức Chung trên khán đài, họ càng có động lực chiến đấu để lọt vào mắt xanh của ông thầy. Bóng đá nữ Việt Nam có thể tin tưởng vào thế hệ kế cận, những “tóc dài” âm thầm tiếp nối truyền thống, nâng tầm bóng đá nước nhà.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa