Săn cáo và chuyện phép vua, lệ làng
Rồi thì thời thế cũng đổi thay. Trước đây 10 năm, hàng chục vạn người xuống đường phản đối lệnh cấm săn cáo của chính phủ. Vô ích. Từ đó đến nay có nhiều cáo bị giết hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó.
Ở Liên hiệp Vương quốc Anh
… rất thiếu tính liên hiệp ấy, vào đầu thiên niên kỷ mới có một chủ đề chính trị khiến Nghị viện Anh điên đảo từ 2002 đến 2007. Các vị dân biểu khả kính vò đầu bứt tai trong hơn 700 (!) tiếng đồng hồ tranh luận bất ngã ngũ, nghĩa là gần nặng ký như cuộc chiến vùng Vịnh mới nổ ra. Ngoài phố người dân sùng sục biểu tình. Tháng 9/2002 nhóm vận động hành lang Countryside Alliance vận động được 400.000 người tham gia phản đối. Hiếm dự luật nào trên bàn nghị viện Anh bị tranh cãi quyết liệt như vậy. Đúng vào hôm biểu quyết cuối cùng, 15/9/2004, một số người biểu tình thậm chí còn đột nhập được vào tòa nhà Viện thứ dân - sự cố thứ hai kể từ 1641 - khiến cảnh sát xanh mắt.
Vấn đề ở đây là sự tồn vong của một truyền thống rất Anh: đi ngựa và thúc chó đi săn cáo. Cuộc tranh cãi dẫn đến cấm săn cáo cho thấy vết nứt sâu giữa các giai tầng xã hội Anh từ ngày xưa và phần nào còn tồn tại đến tận hôm nay.
Rốt cục khi Hạ viện giành được đa số áp đảo để thông qua Dự luật Săn bắt (Hunting Act) 2004, thì Thượng viện lại không phê chuẩn. Mọi đề nghị cải thiện hay thỏa hiệp đều chịu chung số phận. Cuối cùng Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Tony Blair buộc phải giở mẹo pháp lý để ban hành luật trên vào tháng 2/2005, lấy cơ sở từ Luật Nghị viện 1949 ưu tiên Viện thứ dân trong nhiều trường hợp, kể cả khi bị Viện quý tộc cản mũi.
Nhưng, ai lúc này xoa tay khoan khoái, người đó chưa biết bản tính bảo thủ của người Anh. Thái tử Charles công khai dọa sẽ từ bỏ ngôi báu thừa kế, để ra nước ngoài sống - và tiếp tục săn cáo! Công chúa Anne bị bắt quả tang đi săn trộm khi luật có giá trị thi hành. Và cả khi Tony Blair đã về vườn, hoàng hậu còn hậm hực: “Lệnh cấm săn cáo đã chia rẽ dân tộc này!”.
… dân chúng ở nước nào cũng vậy thôi: Không cản được luật thì lách luật. Đầu năm nay hội cung cấp chó săn lớn nhất Anh “Master Of Foxhounds Association” thống kê chính thức 186 đội săn có đăng ký, họ chia nhau gần như toàn bộ diện tích nước Anh làm nơi đi săn. Thông tin từ Countryside Alliance cho thấy số lượng người tham gia săn cáo tăng rõ rệt, hiện tại chừng 45.000. Vào ngày thứ hai của lễ Giáng sinh, ngày trọng đại nhất của thợ săn cáo, người ta đếm được 300 đội săn và 250.000 khán giả, và số cáo bị hạ sát cũng tăng mạnh từ khi có lệnh cấm.
Đám thợ săn tận dụng mọi kẽ hở trong luật. Khi bị cấm rắc mồi nhử cáo, họ rải nước đái cáo. Hoặc nếu luật cấm săn cáo với nhiều hơn hai chó thì họ tách đàn chó săn ra... Tóm lại là trong mười năm cấm vừa qua, chỉ có 18 vụ săn cáo trộm với 21 cá nhân bị truy tố. 13 trong số họ được miễn truy tố trước khi tòa làm xong cáo trạng hoặc thắng trong phiên phúc thẩm! Kết quả khá nực cười này không chỉ vì thợ săn đạt trình độ… cáo già, mà vì chính nhà chức trách cũng nhắm mắt cho qua.
Hiệp hội Chống các hình thái thể thao tàn bạo treo thưởng 1.000 bảng cho ai tố cáo các cuộc săn cáo trộm, cho đến nay ít ai đến lĩnh thưởng. Mà có ra tòa thì chế tài cũng nhẹ nhàng, trong trường hợp thợ săn không đủ ranh ma để tận dụng vô số ngoại lệ luật định. Ví dụ ở Scotland chỉ cấm săn cáo khi con mồi bị xé xác, còn chỉ trúng đạn thôi thì không sao. Nếu chẳng may chó săn xé xác “nhầm” vài con cáo thì cũng được thứ lỗi.
Xứ Wales thì nhờ cơ chế phân quyền lập pháp khá triệt để mà sắp tới có thể bãi bỏ hẳn lệnh cấm, vì nông dân địa phương cho rằng săn cáo không còn là thể thao của người giàu nữa, mà rất cần cho nông nghiệp: từ khi có lệnh cấm, số cừu bị ăn thịt tăng đột biến. Năm 2013, Thủ tướng bảo thủ David Cameron đã trịnh trọng hứa xét lại Hunting Act.
Động cơ của ông Cameron
… khiến người dân hy vọng: ông rất ham săn cáo, cho đến khi lên ngôi thủ tướng. Nếu cuối tháng này Wales bãi bỏ lệnh cấm, có lẽ chỉ còn Anh quốc giữ vững lệnh đó và chịu sự nhạo báng của các đồng bào mình từ Khối thịnh vượng chung.
Tuy nhiên cũng phải nhận ra rằng trong thế giới hôm nay, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao. Thăm dò dư luận Anh cho thấy có lẽ đa số đồng tình bỏ lệnh cấm săn cáo, vì các ngoại lệ bị lợi dụng hôm nay khiến cuộc săn kéo dài lê thê (do chỉ có hai chó) và gây nhiều stress cho cáo hơn. Chưa kể đến một nét rất khôi hài trong Hunting Act: luật này cho phép dùng chó xua cáo ra khoảng đất trống để cáo bị giết bởi chim ưng đã qua huấn luyện. Vậy thì để chó giết cáo còn nhân đạo hơn?
Không có gì lạ, khi phát ngôn viên Tim Bonner của Country Alliance trước đây mấy hôm nói với BBC: “Mối lo ngại bị mất đi một truyền thống lâu đời là vô căn cứ. Ngược lại: Tôi vui mừng chứng kiến mọi chuyển biến trong mười năm qua”.
Có những thành phần không vui lắm, nhưng không được phát biểu: loài cáo.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần