Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... những bãi biển đẹp để du lịch Thanh Hóa vươn xa
(Thethaovanhoa.vn) - Thanh Hóa nổi tiếng với những bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… , là những địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch biển. Hiện du lịch biển, đảo chiếm khoảng 60% hoạt động của du lịch xứ Thanh và được xác định sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
- Du lịch Thanh Hóa thu 120 tỷ đồng chỉ trong dịp nghỉ lễ 2/9
- Du lịch Thanh Hóa sang một trang mới với FLC Sầm Sơn 5 sao
Thanh Hóa-vùng đất tiềm năng du lịch biển
Thanh Hóa nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt. Trải qua biết bao thăng trầm, các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn tự hào về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và truyền thống đấu tranh yêu nước cũng như tinh thần cách mạng bất khuất của quê hương. Bên cạnh đó, Thanh Hoá cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và những bãi cát trắng, mịn với độ dốc vừa phải, nước biển xanh trong, rất phù hợp với nhiều loại hình du lịch như nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven biển… Điển hình là bãi biển Sầm Sơn đã được khai thác, xây dựng thành khu du lịch nổi tiếng cách đây hơn 100 năm.
Nếu Sầm Sơn có bờ biển dài, thoai thoải, cát mịn thì vẻ hoang sơ, êm đềm lại là điểm thu hút của Hải Tiến, Hải Hòa. Cùng với đó là các vùng biển mới như: Nam Sầm Sơn, cảng biển Nghi Sơn, Quảng Xương... đang được định hướng khai thác. Mỗi nơi một vẻ sống động, đã làm nên bản hòa ca du dương cho biển xứ Thanh, cũng đồng thời mở ra “cánh cửa rộng” để du lịch biển Thanh Hóa vươn xa.
Xây dựng thương hiệu xứng với tiềm năng
Với nguồn tài nguyên phong phú, Thanh Hóa đang xây dựng hình ảnh và tạo dựng thương hiệu, nhằm hướng đến mục tiêu sớm trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, “làm sạch” hay “làm mới” môi trường du lịch vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm của xứ Thanh.
Trong 10 năm trở lại đây, sự tăng trưởng của các chỉ số phát triển ngành, nhất là doanh thu và lượng khách đã phản ánh sự chuyển động không ngừng và theo hướng tích cực của du lịch Thanh Hóa. Trong giai đoạn từ 2006-2016, toàn tỉnh đón được trên 38,2 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 668.777 lượt khách), phục vụ trên 69,3 triệu ngày khách, mang về nguồn thu trên 28.259 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Thanh Hóa ước đón 4.299.700 lượt khách (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016), phục vụ 7.463.700 ngày khách (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016), tổng thu ước đạt trên 4.825 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016).
Những con số ấn tượng trên là kết quả từ quá trình vận động liên tục, cả trong tư duy lẫn hành động thực tiễn, của một hệ thống nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, nhằm mục tiêu “làm mới” môi trường du lịch, mà thực chất là làm đẹp hình ảnh Thanh Hóa trong mắt bạn bè, du khách. Điển hình là “chiến dịch làm sạch môi trường du lịch ở bãi biển Sầm Sơn” trong thời gian qua. Giờ đây, hình ảnh và vị thế của Sầm Sơn trong con mắt du khách đã và đang được cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, thành phố du lịch này đang từng bước hội tụ đủ các điều kiện để trở thành một trọng điểm du lịch biển năng động, hiện đại hàng đầu cả nước. Thương hiệu du lịch biển Sầm Sơn không chỉ ở bề dày lịch sử, mà bắt đầu đi vào thực chất một khu du lịch biển hiện đại, thân thiện và hấp dẫn du khách.
Thực tế đã chứng minh lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn ngày càng tăng. Năm 2016, Sầm Sơn đã đón được 4,1 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.855 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2017, Sầm Sơn sẽ đón được 4,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng.
Để du lịch phát triển nhanh và bền vững
Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch biển, đảo sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, Thanh Hóa đề ra mục tiêu cụ thể đối với loại hình du lịch biển là đến năm 2020 đón được 8,4 triệu lượt khách (trong đó có 248.000 lượt khách quốc tế), tổng thu ước đạt 16.500 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 22 triệu lượt khách (1,25 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu ước đạt 88.500 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Thanh Hóa sẽ phát triển sản phẩm du lịch bằng tư duy đột phá, tập trung vào việc đổi mới quản lý, nâng cấp dịch vụ-đa dạng hóa sản phẩm nhằm thay đổi định vị trong thị trường về sản phẩm du lịch biển Thanh Hóa là một điểm đến đẳng cấp, hiện đại, hấp dẫn.
Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách, quy hoạch, xúc tiến và huy động vốn, nhân lực, tuyên truyền quảng bá một cách đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng đội ngũ những người quản lý, nhân viên du lịch có văn hóa, song song với việc nâng cao ý thức cho người dân để du lịch phát triển bền vững với tư cách một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bên cạnh sản phẩm biển đảo là mũi nhọn, Thanh Hóa cũng chọn sản phẩm văn hóa tâm linh là thế mạnh, sản phẩm sinh thái-cộng đồng là hỗ trợ để cho ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững.
Lan Khanh