Sam Lee - Nghệ sĩ sống, yêu và hát cùng những chú sơn ca trong rừng già
(Thethaovanhoa.vn) - Trình diễn nghệ thuật bằng việc song ca với một loài chim quý hiếm - một loài chim chỉ hót vào ban đêm trong 6 tuần mỗi năm - có vẻ là điều kỳ quặc. Nhưng với Sam Lee thì đó lại giống như “một ngôn ngữ của sự kết nối và mê hoặc”.
Sam Lee là một ca sĩ dân gian, một nhà nghiên cứu, sưu tập âm nhạc kiêm nhà hoạt động môi trường, người đã thực hiện một cuốn sách nói với tiếng hót của chim sơn ca.
Nam ca sĩ âm nhạc truyền thống người Anh Sam Lee đã xây dựng một phòng thu âm bằng gỗ, tìm một chú chim sơn ca để hát cùng rồi kết nối một ban nhạc hỗ trợ và phát trực tiếp các buổi hòa nhạc của mình.
Cuốn sách nói The Nightingale (tạm dịch Chim sơn ca) của Lee được Penguin xuất bản vào ngày 25/3 do chính anh thực hiện về loài chim sơn ca nổi tiếng nước Anh. Cuốn sách của Lee đã giải thích một cách thuyết phục rằng chim sơn ca không chỉ được ưa chuộng trong văn hóa Anh mà còn ở bất cứ nơi đâu.
Có 570 bài hát dân gian với tên loài chim này trong tựa đề của chúng, nhiều hơn bất kỳ loài nào khác, ngoài chim sáo. Dù chim sáo hàng ngày tạo ra âm nhạc rõ ràng hơn, nhưng chim sơn ca đực (chim mái không hót) vẫn là vô song vì nó cất tiếng hát vào ban đêm với âm sắc vô cùng diệu kỳ. Một chú chim sáo chỉ tạo ra 100 âm thanh khác nhau nhưng chim sơn ca mang đến số lượng tận 1.500 và sắp xếp chúng thành hơn 250 cụm từ âm nhạc.
Theo Lee, chim sơn ca tỏa sáng trong thơ ca nhưng việc cố gắng mô tả tiếng hót của nó bằng từ ngữ giống như kể lại một giấc mơ cho một nhân viên pha chế vậy, không hoàn toàn hiệu quả. Anh đã dùng cảm quan âm nhạc của bản thân để đến gần nhất với việc truyền đạt điều kỳ diệu trong tiếng hót của chim sơn ca.
Suốt hai tháng liền, Lee dường như kiệt sức khi chỉ ngủ trong lều và thức dậy vào 4 giờ sáng, hát với những chú chim sơn ca. Nhưng cảm xúc trong anh được kết nối hơn. Anh nói rằng “chim sơn ca là một nhạc sĩ bậc thầy nhờ vào cách bài bố của nó cho sự im lặng, bởi vì sự im lặng là một phần quan trọng của âm nhạc. Những nghệ sĩ giỏi nhất lại là những người thực sự biết cách làm việc trong không gian đó".
Chim sơn ca sử dụng leitmotifs (nhạc tố chỉ đạo). Chúng cũng hát với nhau và với con người, như nghệ sĩ cello Beatrice Harrison đã trở nên nổi tiếng khi cô bắt đầu song ca với chim sơn ca trong một loạt chương trình phát sóng trực tiếp của BBC vào những năm 1920.
Anh thường nghe thấy những chú chim sơn ca hòa tấu một bài hát khi chúng bay nhảy dọc theo hàng rào. Đôi khi, anh còn phát hiện ra nhiều loài chim đang cùng “hát” một bài hát phức tạp. “Đó là điều kỳ diệu và bằng chứng về các giác quan và các hình thức giao tiếp đáng kinh ngạc khác mà chúng ta hoàn toàn không thể điều chỉnh được”.
- Nghệ sĩ Trí Quang: 'Tôi muốn sống cuộc đời một cư sĩ'
- Ở tuổi 63, nghệ sĩ Bạch Long không muốn là gánh nặng của em trai Thành Lộc
- Nghệ sĩ Xuân Bắc và con trai 'nổ' rap vì môi trường
Giống như các nhạc sĩ khác, năm Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự "hợp tác" của Lee với chim sơn ca di cư, bay từ châu Phi cận Sahara vào tháng 4 hàng năm. Chuyến lưu diễn quảng bá album “Old Wow” năm ngoái của anh dù được giới phê bình đánh giá cao nhưng vẫn bị hủy bỏ, cuốn sách nói về chim sơn ca thì bị hoãn lại cho đến bây giờ. Điều quý giá nhất anh có được là dành nhiều thời gian hơn trong thiên nhiên với cô con gái mới biết đi của mình và được tự do bơi lội trên những con sông mà anh hằng mong muốn đồng thời khám phá ra một cách làm việc trực tuyến mới.
Lee đã nhanh chóng tổ chức một số buổi hòa nhạc cùng chim sơn ca thành chương trình phát sóng trực tuyến. Anh ấy đã xây dựng một phòng thu kỹ thuật số trong khu rừng và tìm một chú chim sơn ca để hát cùng, còn những người cộng tác với anh thì chơi nhạc từ nhà của họ qua một nguồn cấp dữ liệu trực tiếp. Buổi hòa nhạc đã thu hút sự tham gia của nhiều vị khách mà anh không ngờ tới như Pet Shop Boys, Bernard Butler, Lily Cole và Robert Macfarlane.
Trong quá trình thu âm và hát cùng chim sơn ca, chàng ca sĩ trẻ bất chợt nhận ra điểm tương đồng giữa chúng và các nghệ nhân dân gian mà anh từng gặp trước đó. Anh tâm sự: “Tôi đang nghe một bài ca đã được truyền lại có lẽ 1.000 năm và không bao giờ được viết lại, người cuối cùng hát nó đã ở độ tuổi 80. Lần sau khi tôi quay lại địa điểm đoàn lữ hành đó, có lẽ họ sẽ tiếp tục hoặc không. Tôi thường vào rừng với chim sơn ca, hát với chúng và cũng biết rằng khả năng một chú chim sơn ca còn ở đây vào năm sau là tương đối khó xảy ra”.
Một số buổi hòa nhạc đã bị hủy bỏ ở một số nơi vì loài chim ở đó đã tuyệt chủng. “Đó là dấu chấm hết cho một cộng đồng có thể đã sống ở đó từ lâu đời, là một bi kịch lớn rất nhiều đau buồn”.
Và để làm nguôi ngoai sự mất mát này, anh không “tôn thờ đống tro tàn” mà “thắp lửa” cho chúng theo lời của Gustav Mahler. Anh đã cung cấp miễn phí những bài hát dân gian mình sưu tầm được trên songcollectors.org; những bài hát này đang chờ được trình diễn lại và hồi sinh, và nhiệm vụ tiếp theo của Lee cũng bắt đầu từ đó.
Năm nay, việc giãn cách xã hội của nước Anh rơi vào giữa mùa chim sơn ca tháng 4 và tháng 5. Cắm trại đơn thuần thì được phép trước ngày 17 tháng 5 nhưng cắm trại hát hay một buổi hòa nhạc thì không. So với năm ngoái lỡ dở, sự biết ơn của Lee với chim sơn ca năm nay còn lớn hơn rất nhiều cùng những tiếng hót thu âm được từ chúng. Vì vậy, anh đang cố gắng đảm bảo một số bản song ca trực tuyến trong khi sắp xếp càng nhiều càng tốt những buổi hòa nhạc cùng chim sơn ca và các ca sĩ, nhạc sĩ khác với khán giả trực tiếp vào cuối mùa.
Anh chia sẻ: “Tôi ở đó với tư cách là người đại diện cho chim sơn ca, để đưa mọi người đến với những lùm cây nơi chúng sinh sống, để bày tỏ sự kính trọng của chúng ta. Với tôi, đó là một cuộc hành trình hòa mình vào thiên nhiên, là một cách tích cực bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì chúng ta có được từ các sinh vật trong thiên nhiên và những gì chúng ta trả lại cho ngôi nhà của chúng”.
Đỗ Thắm
Theo Guardian