Sai chú thích trong 'Danh tướng Việt Nam': Không nên vùi dập vì tiểu tiết!
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, sự việc một số báo đưa tin những sai sót (chủ yếu về mặt chính tả) trong phần chú thích của bộ tượng Danh tướng Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, theo ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, các báo đăng tải những thông tin trên mang tính soi mói, vùi dập, thiếu tinh thần xây dựng với một sản phẩm có ích cho xã hội.
Cụ thể, ngày 11/2, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Circle Group đã công bố các tác phẩm điêu khắc về bốn danh tướng Việt Nam gồm: Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, phần tóm tắt dưới chân tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mắc nhiều lỗi chính tả. Tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phần đầu tóm tắt bị nhầm thành “Võ Nguyên”, đoạn dưới là “Võ Nguyễn Giáp”... Một số trang báo đã nhanh tay chụp lại và mổ xẻ rất sâu những lỗi này.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam trao đổi với Thể thao& Văn hóa: Việc phát hiện sai sót là rất đáng quý. Nhưng ứng xử như nào với những phát hiện ấy là điều phải bàn. Đáng nhẽ, khi phát hiện, phóng viên có thể báo ngay cho BTC hoặc nơi trưng bày (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) để BTC khắc phục ngay. Nếu BTC không khắc phục, báo chí can thiệp vẫn chưa muộn.
Theo ông Quốc, những lỗi các trang báo phát hiện đã được BTC khắc phục từ trước khi truyền thông đăng tải. Bởi không chỉ báo chí phát hiện mà đã có những người khác tìm ra lỗi sai và báo BTC.
“Tôi cũng không biết những trang báo đưa tin như vậy để làm gì? Để xây dựng hay tạo dư luận vùi dập? Những người tổ chức sai, họ sẵn sàng nhận khuyết điểm. Song tôi thấy chuyện bới móc câu view thay vì đóng góp, hỗ trợ chương trình là điều đáng buồn trong đạo đức báo chí.”- Ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc nói tiếp: Tôi ủng hộ dự án này bởi đây là chương trình do những bạn trẻ thực hiện với mục đích rất tốt. Họ đã tự xoay xở từ nguồn lực tài chính tới những phương thức thực hiện để truyền bá lịch sử và lòng tự tôn dân tộc. Nhưng tôi thấy không nhiều báo ngợi ca điều này. Thay vào đó, các báo lao vào xâu xé tiểu tiết sai sót.
“Cá nhân tôi cũng làm báo. Tôi hiểu độc giả cần gì. Cái họ cần không phải là cung cấp những thông tin giật gân, phiến diện. Độc giả của một tờ báo tử tế sẽ trông đợi vào cách hành xử xây dựng và thiện chí với những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không sa vào vùi dập từ trứng nước.”- Ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Circle Group, đơn vị tổ chức buổi trưng bày tượng Danh tướng Việt Nam cho biết: Về việc sử dụng tiếng Anh (trong bản dịch về Việt Quốc Công), chúng tôi có nhờ 1 đơn vị dịch thuật. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chuyên môn cuả họ. Nếu dịch chưa sát ý thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉnh lý thông tin để đảm bảo tính chính xác.
Trước đó, trong ngày ra mắt dự án, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, tác giả tượng đài Trần Hưng Đạo chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: “Dự án dựng tượng (và thu nhỏ tượng) dạng vật phẩm không phải mới so với thế giới. Song việc lựa chọn việc làm tượng các vị tướng mang hồn dân tộc là bước đi khá táo bạo của dự án Danh tướng Việt Nam. Bởi khi mỗi người Việt đều mang những vật phẩm biểu trưng cho sức mạnh dân tộc trên mọi ngả đường, ra giữa trùng khơi hay tới hải đảo xa xôi, chúng ta sẽ có thêm niềm tin và sức mạnh.”
Phạm Mỹ