Sách 'Hội hè lễ Tết của người Việt': Bức tranh sống động và khả tín về văn hóa Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Xuất hiện trở lại sau gần 80 năm kể từ khi ra đời, cuốn sách "Hội hè lễ tết của người Việt" của cố học giả Nguyễn Văn Huyên vẫn khiến các chuyên gia phải ngỡ ngàng. Bởi, đó là tiếng nói bình đẳng và dân chủ của một người Việt, trong bối cảnh mà các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng, văn hóa Việt vẫn đang chủ yếu được thực hiện bởi các học giả phương Tây.
Buổi tọa đàm về cuốn sách này diễn ra vào cuối tuần qua, với sự góp mặt củanhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng và TS Mai Anh Tuấn.
Nghiên cứu văn hóa Việt theo "kiểu Tây"
Hội hè lễ tết của người Việt tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của cố học giả Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Các tiểu luận này được ông viết bằng tiếng Pháp trong khoảng thời gian ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ từ năm 1938.
Thực tế, vào quãng năm 1995, một số công trình của Nguyễn Văn Huyên đã được NXB Khoa học Xã hội tuyển chọn, dịch và in thành tập nhưng có số lượng rất hạn chế. Do vậy, hơn 20 năm sau, Công ty Nhã Nam đã lên kế hoạch tái bản và in lại những tác phẩm này để giới thiệu rộng rãi với độc giả. (Trước đó, năm 2016, cuốn Văn minh Việt Nam của ông cũng được phía Nhã Nam tái bản.)
Theo các nhà nghiên cứu, vị trí ngang hàng với các học giả phương Tây thời bấy giờ của học giả Nguyễn Văn Huyên,và việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp, cũng như một số tiểu luận tiền thân từ các buổi diễn thuyết của ông ở bảo tàng Louis Finos (chủ yếu cho người Pháp) đã tạo điều kiện để những nghiên cứu nàya Nguyễn Văn Huyên tiếp cận đến giới tinh hoa nước ngoài, góp vào kho tàng tư liệu một tiếng nói mang tính “bản địa” và bình đẳng.
Từng trang sách Hội hè lễ tết của người Việt đem đến những mảng màu phong phú của văn hóa, phong tục Việt: các ngày lễ trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu,...; các lễ hội của một cộng đồng như hội Phù Đổng, vấn đề thành hoàng; tục thờ thần tiên, y phục Việt, tục thờ người chết,...
Một điểm đặc biệt trong công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượngnhắc tới: cách đưa vấn đề mang tính dân chủ, có sự học hỏi cách thức nghiên cứu của phương Tây. Ông không áp đặt đánh giá hay kết luận mà đặc tả và phân tích thông tin theo hướng gợi mở, khách quan trên góc độ người quan sát để người đọc tự có suy luận riêng.
Ngoài ra, công trình của Nguyễn Văn Huyên cũng có nhiều điểm cải tiến trong cách thức so với nghiên cứu được xem là cơ bản về văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1915 của Phan Kế Bính là Việt Nam phong tục.Trong đó, quan trọng nhất là Nguyễn Văn Huyên đã áp dụng phương pháo mô tả và nghiên cứu dân tộc học thực địa.Viết về Tết Trung thu, ông chỉ rõ ra “rằm tháng Tám: ngày 24 tháng 9 năm 1942” rồi khảo tả cụ thể đúng ngày đó, không nói chung chung.
Song, với vị trí một công trình độc lập, nghiên cứu về lễ-tết-hội người Việt của Nguyễn Văn Huyên vẫn còn tồn tại những hạn chế. Ví dụ như phạm vi nghiên cứu hầu như gói gọn ở đồng bằng Bắc Bộ, hay một số nhận xét chỉ chính xác trong phạm vi nhất định và đến hiện nay, nhiều tập tục đã thay đổi.
Cá tính văn hóa Việt Nam là gì?
Hội hè lễ tết của người Việt có giới thiệu về Bản đồ phân bố các thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh của Nguyễn Văn Huyên. Theo đó, ông tính ra trên phạm vi địa giới Bắc Ninh lúc bấy giờ có khoảng 598 làng, thờ 710 vị thành hoàng.
Bàn luận về tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng,Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói: “Có 2 yếu tố cơ bản hình thành nên khái niệm “làng”: nghề truyền thống và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng chứ không phải sự quần cư. Làng nào cũng thờ thành hoàng, đó là người sáng lập làng, ông tổ nghề hoặc một vị thần mà dân làng yêu quý”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bổ sung: “Thực tế việc thờ thành hoàng đến hiện nay gần như đã “chết” rồi, có chăng chỉ còn tồn tại ở các làng nghề. Còn những làng thờ thần đất, thần nước,... thì giờ đã không còn thờ nữa. Việc thờ thì cũng có tính chất tượng trưng thôi chứ cũng không quá linh thiêng”.
Trong khuôn khổ tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đặt ra một câu hỏi mà theo ông là đã gây trăn trở tử lâu “Cá tính văn hóa của Việt Nam là gì?”. Thế rồi, ông nhận định: “Tinh thần của công trình Nguyễn Văn Huyên cho thấy văn hóa tín ngưỡng là hồn cốt của văn hóa Việt Nam”.
Phong tục tập quán và tín ngưỡng vẫn luôn vận động không ngừng theo sự chuyển mình của xã hội. Công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, dù được thực hiện từ hơn 70 năm trước nhưng vẫn còn đầy đủ giá trị, không chỉ về mặt tư liệu mà còn là tấm gương sáng cho các nhà văn hóa, nhà xã hội học hiện nay về một cách thức nghiên cứu dân chủ, hiện đại.
Về tác giả Nguyễn Văn Huyên Học giả Nguyễn Văn Huyên(1908-1975) sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Tên tuổi và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được xem là học giả chìa khóa khi muốn hiểu biết về văn hóa Việt. |
Hà My