Sách 'Cá tính Quảng': Những cãi cọ vừa đủ!
(Thethaovanhoa.vn) - Chân dung Cá tính Quảng (NXB Đà Nẵng, quý 4/2018) của nhiều tác giả viết về những nhân vật còn sống xứ Quảng Nam - Đà Nẵng là một cuốn sách lạ.
Làm sao để các nhân vật như Phan Vũ, Bùi Văn Nam Sơn, Ý Nhi, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Anh Hùng... “chung vui” cùng với Hoài Linh, Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ...
Sách còn viết về các nhân vật đời thường như diễn viên xích lô Lê Văn Lộc, ông Đường cả đời gánh nước thuê ở Hội An, về cầu thủ bóng đá, về các doanh nhân trẻ giỏi việc...
Với 5 chủ đề, cũng là 5 chương, gồm cãi, ngông, hề, chơi và làm, Cá tính Quảng là các câu chuyện đặc trưng con người thuộc vùng đất cãi cọ, ba lơn, ngông và hài hước...
Cầm trên tay cuốn Cá tính Quảng đọc liền một mạch trong buổi sáng, gấp cuốn sách lại, mới nhớ lời những người làm cuốn sách: “Chúng tôi không có tham vọng đúc kết hoặc trả lời trực tiếp, mà chỉ gợi mở để người đọc tìm câu trả lời riêng cho mình, về cá tính Quảng”.
Về phần mình, tôi cho rằng đó là những lát cắt vừa đủ, qua từng góc nhìn của mỗi tác giả đối với nhân vật của mình. Như tác giả Hiền Hòa khi viết về họa sĩ Lê Kinh Tài, phác thảo vài nét đặc trưng về hội họa của Lê Kinh Tài, cũng chỉ để nói lên cá tính của họa sĩ gây nhiều tranh cãi bậc nhất Việt Nam, là… cãi!
Tạm bỏ qua ý đồ truy ngọn nguồn cái câu “Quảng Nam hay cãi…”, mà khu biệt hơn vào chủ quan của Lê Kinh Tài, rằng ngay bản thân anh đã tự cãi với nhau, giữa phần con và phần người. Anh cho rằng đó là những suy nghĩ… kỳ dị.
Lạ thay, những điều kỳ dị ấy lại giúp anh yêu đời hơn, vẽ nhiều hơn! Không phải vẽ chơi chơi, hay cố để chứng minh điều người ta hoài nghi về anh là “thằng ấy mà vẽ vời cái gì”, mà anh vẽ như cuộc vật lộn với hiện hữu và để tự an ủi cái tôi.
Một lát cắt khác, rất nhẹ nhàng, nhưng vừa đủ để thấy cá tính người Quảng hiện lên đậm nét đó là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Qua ngòi bút của nhà văn Trần Trung Sáng, chân dung Phạm Văn Hạng cho tôi thấy một người Quảng cần mẫn trong công việc, một người Quảng hào sảng trong giao du, một người Quảng ngông trong tính cách, và đặc biệt, là một người Quảng biết… cãi.
Hình như cái cãi của Phạm Văn Hạng nhẹ nhàng và tinh tế hơn, như trong các câu chuyện bàn về tạc tượng với ông Lê Đức Thọ, hay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Đành rằng người làm nghề như ông cần có hợp đồng để nuôi nghề, nhưng máu Quảng ăn sâu quá, nên nhiều khi cũng làm khổ ông, nhất là khi “được” góp ý nhiều, là ông từ chối. Vì góp ý kiểu đó, chẳng khác gì triệt tiêu cá tính sáng tạo của ông.
Và, còn nhiều lát cắt nữa, trải dài từ những người thành danh gạo cội cho đến những người trẻ vừa kịp khẳng định mình. Đó là chủ đích của những người làm cuốn sách này, muốn người đọc thấy được cá tính của người Quảng trong những người rất “cũ” và những người vừa “mới”. Biết đâu đấy, là một lát cắt đầy ý nhị, như đẩy đưa người đọc đến cái so sánh ngầm về cốt cách người Quảng từ thế hệ trước đến những thế hệ sau này? Là tôi nghĩ vậy!
Xuân Khánh