Rưng rưng bên ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chùa Trường Sa
(Thethaovanhoa.vn) - Có những người lính đã đứng lặng hồi lâu trước ban thờ Đại tướng trong khoảng nghỉ giữa các ca gác. Nhiều ngư dân đã đến thắp nhang trên ban thờ Người trước khi vươn khơi bất chấp sự quấy nhiễu của kẻ thù. Còn những vị khách từ đất liền chúng tôi cũng không khỏi rưng rưng khi thấy hình Đại tướng, biểu tượng sức mạnh dân tộc giữa trùng khơi Tổ quốc…
Đó là khoảnh khắc lắng đọng tại ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nơi tiếng chuông chùa ngân vang hồn dân tộc ở chùa Trường Sa (Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa)
Sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào
Trong không gian rộng chưa tới 50m2 đông nghẹt phật tử, mùi khói nhang, hương hoa đại quyện với mùi mặn mòi của biển khiến lời cầu nguyện trở nên thiêng liêng lạ.
Sau phần cầu nguyện, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa trò chuyện với phật tử: "Thời gian qua, báo chí nước ngoài và cả báo giới Trung Quốc phỏng vấn chư tăng chúng tôi rất nhiều. Có lần họ hỏi: Trung Quốc phản đối Việt Nam đưa chư tăng ra Trường Sa, theo ý thầy sao? Tôi có trả lời rằng: Mảnh đất Hoàng Sa- Trường Sa là mảnh đất chủ quyền của dân tộc Việt Nam, nhiều đời cha ông chúng tôi đã sinh sống và bảo vệ các quần đảo này. Hôm nay chúng tôi ra đây là tiếp nối sự nghiệp của cha ông chúng tôi."
"Lần khác họ hỏi: Thầy căn cứ vào đâu để khẳng định chùa Trường Sa đã có từ lâu? Tôi có trả lời rằng, người Việt Nam đi đâu thường mang theo văn hóa của mình theo đó. Một trong số đó là văn hóa tín ngưỡng, đình chùa, tâm linh. Vậy chỗ nào có người Việt Nam ở, chỗ đó sẽ có đình chùa của người Việt Nam" - Thầy Nghĩa nói tiếp.
Cũng theo thầy Thích Giác Nghĩa, có lần báo chí nước ngoài hỏi thẳng: Thầy có e ngại, sợ sệt trước sự phản đối của Trung Quốc hay không? Thầy Nghĩa trả lời: "Tôi không e ngại hay sợ sệt. Bởi đây là mảnh đất dân tộc chúng tôi, nhiều đời cha ông tôi đã hi sinh. Giờ, chúng tôi ra đây để tu hành. Và nếu ngoại bang có xâm phạm đến chùa Trường Sa, đảo Trường Sa, chúng tôi sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào để bảo vệ sự nghiệp ông cha. Một tăng sĩ trẻ như tôi, nếu phải chết để bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ tôn giáo, tín ngưỡng ông cha, tôi sẵn lòng."
Rưng rưng ban thờ Đại tướng
Sau phần cầu nguyện, thuyết pháp, trò chuyện, Thượng tọa đưa chúng tôi đến nhà thờ Tổ. Nhà thờ tổ gồm 3 ban thờ: ở chính giữa là Phật hoàng Trần Nhân Tông biểu trưng cho nguyên khí Việt; bên phải là ban thờ: "Những người con của Dân tộc Việt Nam đã bỏ mình trên biển Đông, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, chính kiến, ý thức hệ"; bên trái là ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (biểu tượng của sức mạnh dân tộc)
Đứng trước di ảnh Đại tướng, thượng tọa Thích Giác Nghĩa, nghẹn ngào: Trong văn hóa người Việt, mái chùa che chở hồn dân tộc, là nơi tập hợp sức mạnh toàn dân. Nên hình ảnh Đại tướng ở chùa Trường Sa như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng cho quân dân huyện đảo.
Thượng tọa cũng dẫn chứng: Trong những ngày căng thẳng, có những người lính đã đứng lặng trước ban thờ Đại tướng trong khoảng nghỉ giữa các ca gác. Họ chỉ nhìn di ảnh và lặng im... Nhiều ngư dân đã đến thắp nhang trên ban thờ Người trước khi vươn khơi trên biển cả quê hương bất chấp sự quấy nhiễu của các thế lực ngoại bang. Hay Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng là một trong những người đầu tiên ra chùa Trường Sa thắp hương trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chúng tôi an lòng rời chùa Trường Sa, sau lưng là dung nhan Đại tướng, những câu kinh thỉnh nguyện hòa bình, và tiếng mõ văng vẳng...
Thiêng liêng viên đá chủ quyền |
Phạm Mỹ