Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, trong những truyền thuyết của người Việt Nam, chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện cha rồng, mẹ tiên đã lý giải sự hình thành dân tộc. Truyền thuyết rồng, tiên đã đi vào chính sử - Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là một tiền đề quan trọng tạo nên sự bùng nổ hình ảnh rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVI, XVII và XVIII.
11/02/2024 17:29
Công Bắc

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, trong những truyền thuyết của người Việt Nam, chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện cha rồng, mẹ tiên đã lý giải sự hình thành dân tộc. Truyền thuyết rồng, tiên đã đi vào chính sử - Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là một tiền đề quan trọng tạo nên sự bùng nổ hình ảnh rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Đặc biệt, trong những đồ án mỹ thuật xung quanh cặp hình tượng nghệ thuật rồng, tiên, sự ra đời và tồn tại của đồ án "tiên nữ cưỡi rồng" cho thấy khả năng sáng tạo bất ngờ, đặc sắc và nhân văn của người Việt Nam trong quá trình tiếp biến và đối thoại với các nền văn minh khác từ bên ngoài.

Nhân năm Rồng, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế về một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc nhất của người Việt Nam.

Từ biểu tượng sinh thành dân tộc

* Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện với cuốn sách "Tinh hoa mỹ thuật truyền thống - Hình tượng Tiên nữ" (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022). Trong cuốn sách này, ông và các cộng sự đã tiếp cận hình tượng tiên nữ trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam truyền thống một cách đa diện, từ góc nhìn liên văn hóa. Trong đó, có những phát hiện khá đặc biệt về mối liên hệ giữa rồng và tiên trong các đồ án mỹ thuật. Xin ông cho biết rõ thêm về sự kết hợp của cặp hình tượng nghệ thuật này?

- Câu chuyện rồng và tiên có những thời điểm hoàn toàn tách biệt với nhau. Thế nhưng, cũng có những thời điểm chúng gắn kết với nhau. Sự gắn kết này có thể thấy rất cụ thể thông qua cuộc hôn phối trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nhìn rộng ra, ở góc độ biểu tượng, đây gần như là một lý giải về sự sinh thành dân tộc.

Thực tế, biểu tượng này xuất hiện cũng không quá sớm nếu lấy mốc truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được ghi vào chính sử Việt Nam lần đầu vào năm 1479, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, thời Hậu Lê. Mặc dù câu chuyện này đã xuất hiện ở dạng dã sử trước đó, nhưng việc nguồn gốc cha rồng mẹ tiên được chuẩn định trong quốc sử dưới thời Lê Thánh Tông - vị vua có công với sự phát triển, chấn hưng Nho giáo - lại đặt ra một vấn đề khá lạ, bởi tinh thần của Nho giáo vốn không đề cao những câu chuyện hoang đường.

Cũng cần nói thêm, mặc dù rồng tiên được xuất hiện trong chính sử, nhưng chúng ta không hề thấy một hình ảnh nào cho thấy câu chuyện kỳ ảo này được cụ thể hóa bằng đường nét, màu sắc ngay ở thời Lê sơ. Đáng nói, chỉ sau đó không lâu, vào thời Mạc và thời Lê Trung Hưng, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của hình tượng rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 1.

Sách “Tinh hoa mỹ thuật truyền thống - Hình tượng Tiên nữ” (NXB Giáo dục Việt Nam) của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May

* Theo ông, sự bùng nổ của hình tượng rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc giai đoạn về sau có thể được giải thích như thế nào?

- Ở đây, theo ý kiến của cá nhân tôi, có thể lý giải rằng, biểu tượng rồng, tiên, ngoài ý nghĩa giải thích nguồn gốc của dân tộc, còn có yếu tố chữa lành, gắn kết và hòa giải.

Chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh lịch sử, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng là giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sự xuất hiện của hình tượng rồng, tiên như một ước nguyện của người dân muốn có sự gắn kết trở lại. Bản thân trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng chứa đựng ý nghĩa sâu xa này. Đó là vào những hoàn cảnh khốn khó, chia xa cũng là lúc cả cha và mẹ xuất hiện trong cảnh đoàn viên, hạnh phúc cùng những đứa con.

Minh chứng trong thực tế, ở các chạm khắc đình, đền, chùa đã xuất hiện một hoạt cảnh rất vui cho ngụ ý này là cảnh rồng và tiên sum họp, đoàn tụ. Rõ hơn là cảnh tiên cưỡi rồng. Đây có thể nói là hoạt cảnh tuyệt đẹp, náo nức và cực kỳ lãng mạn.

Cụ thể, có thể kể tới câu chuyện về tấm bia ở đình Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội). Tấm bia này ghi lại chuyện dân làng thắng kiện đòi lại được một phần đất đã mất về làng bên. Bia được lập ngày 17 tháng 8 năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) ngay sau khi dân làng thắng kiện. Thú vị là tấm bia này có hình ảnh nàng tiên cưỡi rồng phô trần đôi gò bồng đảo.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 3.

Bản vẽ Tiên nữ cưỡi rồng đình Viên Đình, Hà Nội. Tác giả: Trần Hậu Yên Thế

Bia đá kể rằng, người xã Sơn Lộ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai khải bẩm rằng: bị thôn Thổ Ngõa, xã Tiên Lữ cưỡng tranh đất bờ ruộng ở xứ Đê Đốt và đất dưới chân núi Mai Lĩnh mà Thừa ty Nha môn của bản phủ nhận tiền rồi xử thiên vị. Sau quan nha phát hiện ra trong sổ địa bạ đã ghi khu đất đó từ xưa đã thuộc về người thôn Thổ Ngõa, nên quan đã xử cho họ thắng kiện. Hẳn trong ngày vui thắng kiện, đòi lại được đất đai và danh dự, người dân Thổ Ngõa nghĩ đến ân đức tổ tiên mà hồ hởi tạc lên trán bia hình tiên cưỡi rồng.

Ví dụ về tấm bia ở đình Thổ Ngõa là một câu chuyện cụ thể, có những số phận cụ thể, suy đoán một cách không khiên cưỡng thì hình ảnh tiên cưỡi rồng múa hát bay bổng trong trường hợp này đại diện cho sự tươi vui, sung sướng.

Như vậy, thông qua hình ảnh này, càng thấy rõ ngoài ý nghĩa sâu xa về cội nguồn dân tộc, hình ảnh tiên, rồng còn mang ý nghĩa rất cụ thể về mặt biểu tượng của sự chữa lành, gắn kết và hòa giải. Hay nói cách khác, có niềm vui sẽ có hình tượng rồng tiên. Nó trùng hợp với truyền thuyết rồng tiên sum họp trong cảnh hạnh phúc. Như vậy, hình ảnh rồng, tiên còn đại diện cho ước nguyện của dân tộc, giống nòi không bị chia cắt, phân tranh.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 4.

Tiên cưỡi rồng trên bia Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội)

Đến sự biến đổi đa biểu tượng

* Ông có nhắc tới một hình tượng khá đặc biệt đó là tiên nữ cưỡi rồng. Xin ông cho biết thêm về đồ án này?

- Cùng niên hiệu Thịnh Đức của tấm bia ở đình Thổ Ngõa, có thể như bức chạm trên trán bia Nam mô A Di Đà Phật, chùa Keo, Nam Định (1670), bia Chiêu Thiền tự, niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), chùa Láng, Hà Nội cũng là những tấm bia trong chùa có hình tiên cưỡi rồng tuyệt đẹp. Đặc biệt so với tấm bia đình Thổ Ngõa, bia Chiêu Thiền tự cùng là 2 tấm bia có hình tiên nữ cưỡi rồng khoe đôi gò bồng đảo, nhưng ở trên tấm bia chùa Láng, tiên nữ tuy ngực trần, nhưng không khắc đầu ti.

Xét về mặt niên đại trên những hiện vật hiện còn, đồ án tiên cưỡi rồng xuất hiện sớm trên bia ký ở chùa. Đáng nói, cả trường hợp bia chùa Keo và chùa Láng có đồ án này đều là chùa theo khuynh hướng Mật tông. Trong khi Phật giáo Mật tông lại có đặc điểm đề cao tính nữ. Đặc điểm này cho phép yếu tố âm được đặt trên yếu tố dương, đề cao vai trò của phụ nữ. Dễ thấy, chân dung của các vị bồ tát theo khuynh hướng Mật tông bao giờ cũng có một khuôn mặt thanh tú mang tính nữ rất rõ.

Ở đây, xét về mặt niên đại như vậy, có thể nói uyên nguyên thầm kín chi phối hiện tượng tiên cưỡi rồng có liên quan đến sự ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông. Xét trên phạm vi rộng, đồ án tiên cưỡi rồng còn tìm thấy nhiều ở đình, đền, nhưng hiện chưa tìm thấy một đồ án nào sớm về mặt niên đại trên bia hơn ở chùa.

Chưa kể, đồ án tiên nữ cưỡi rồng ở đình Thổ Ngõa hay ở chùa Láng còn để cả ngực trần cho thấy ý nghĩa táo bạo của hình tượng. Bởi, trong xã hội phong kiến, do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo khiến hình ảnh người nữ để ngực trần đã hiếm xuất hiện, đây lại là hình ảnh tiên nữ để ngực trần cưỡi rồng càng trở nên đặc biệt.

Cũng cần nói thêm, trong nghệ thuật Việt, đặc tính trào lộng còn thể hiện rất rõ, thậm chí ở một chừng mực nào đó còn là sự giễu nhại. Từ khía cạnh này, hình tượng rồng tiên không chỉ thuần túy còn ở trạng thái kính ngưỡng. Sự trào lộng thể hiện rõ ở những đồ án tiên cưỡi rồng được tạo hình theo cấu trúc "chính diện long" ((hình tượng rồng nhìn thẳng từ phía trước - PV). Kiểu tạo hình ảnh này mang lại cảm giác nàng tiên đè đầu cưỡi cổ rồng. Ở đây cho thấy vị thế của tiên nữ rất mạnh. Trong khi đồ án "chính diện long" vốn chỉ được dùng cho các bậc đế vương và xuất hiện ở cung vua, phủ chúa.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 5.

Tiên cưỡi rồng trên bia Chùa Keo (Nam Định)

* Như vậy, đồ án tiên nữ cưỡi rồng đã có sự biến đổi về tạo hình, sâu xa hơn là những nội hàm văn hóa hướng đến đa biểu tượng?

- Trường hợp tạo hình vô tiền khoáng hậu của hình tượng tiên nữ cưỡi rồng thế kỷ XVI, XVII, XVIII có thể do thời kỳ này Nho giáo suy yếu và cũng là thời cơ để các lễ tục, lề thói thôn quê trỗi dậy. Sự hỗn loạn, suy yếu của chính thể phong kiến, của tầng lớp thống trị khiến cho tự do làng xã trào lộng đến mức quá đà đặc biệt vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỉ XVIII.

Ở đây, phải rành mạch và tường minh một vấn đề, trong giai đoạn đầu xuất hiện, đồ án này là một biểu tượng thuần khiết về giống nòi nên tuyệt đại đa số là tạo hình rồng nằm ngang. Chỉ đến giai đoạn về sau tương ứng với thời Lê mạt suy tàn với những rối ren của triều đình, biến động xã hội đã để lại dư âm trên đồ án tiên cưỡi rồng với tạo hình "chính diện long" mang âm hưởng trào lộng, giễu nhại.

Minh chứng rõ nhất có thể kể đến bức chạm tiên nữ cưỡi rồng ở đình Thắng vào thế kỷ XVII, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là hình ảnh rất táo bạo với tạo hình tiên nữ dùng hai tay nâng bầu ngực rất độc đáo, hiếm có trong nghệ thuật người Việt Nam.

Với hình tượng táo bạo như vậy, vẫn chưa có cách giải thích nào ngã ngũ. Chỉ có thể nói, những đồ án tiên nữ cưỡi rồng để ngực trần được tạo ra hoặc do sự ghìm nén dữ dội của bối cảnh xã hội, hoặc do sự phóng khoáng gần như một thiên tính của người Việt với đặc tính trào lộng cũng phổ biến trong nhiều hình thức nghệ thuật dân gian khác.

Tóm lại, tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa của đồ án tiên nữ cưỡi rồng có sự thay đổi tuần tự. Ở giai đoạn đầu xuất hiện, đồ án này mang ý nghĩa thiêng liêng, thành kính của biểu tượng sinh thành, giống nòi dân tộc. Khi ấy, tiên nữ cưỡi rồng phần lớn có tạo hình ngay ngắn, bay bổng, có thể nói đẹp một cách lãng mạn.

Giai đoạn tiếp sau, đồ án tiên nữ cưỡi rồng mang ý nghĩa chữa lành, niềm vui của một biểu tượng hạnh phúc. Đến giai đoạn cuối, đồ án tiên cưỡi rồng lại mang tinh thần trào lộng, giễu nhại. Lúc này, con rồng gần như đồng nghĩa với tầng lớp thống trị phong kiến và tiên nữ giống như một thế lực có khả năng trấn áp vương quyền, mang ý thức phê phán, châm biếm rõ nét. Ở khía cạnh này, những cấp độ ý nghĩa của biểu tượng tiên nữ cưỡi rồng có ít nhiều liên quan đến yếu tố thời đại.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 6.

Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Thắng, thế kỷ XVII, thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Quyền uy, linh thiêng, nhưng cũng rất nhân từ

* Với ý nghĩa châm biếm vương quyền như ông đề cập, phải chăng đồ án tiên nữ cưỡi rồng chỉ có thể xuất hiện ở các thiết chế làng xã, thôn quê, cụ thể là ở các chạm khắc đình, đền, chùa thay vì xuất hiện ở các thiết chế triều đình phong kiến?

- Mặc dù Toàn thư đã đưa hình tượng rồng, tiên vào chính sử, nhưng qua tìm hiểu di tích khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long, hay khảo sát ở các di tích thời Lê sơ ở Lam Kinh Thanh Hóa, tuyệt nhiên không thấy bất cứ đồ án rồng, tiên nào. Do vậy, có thể nói đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn tin rằng, hình tượng rồng, tiên chưa được phép xuất hiện trong các đồ án mỹ thuật thuộc về tầng lớp thống trị phong kiến. Điều này cũng dễ hiểu khi tầng lớp thống trị đương thời khi ấy đang bị ý thức hệ Nho giáo chi phối sâu nặng.

Thế nhưng có một điều khá lạ, đó là tuy hình tượng rồng, tiên không xuất hiện trong trang trí kiến trúc, nhưng trong thơ ca, trong các diễn ngôn thời Nguyễn thì biểu tượng rồng, tiên vẫn xuất hiện. Năm 1914, Nguyễn Huy Hổ đã viết hai câu đối trên đền Thượng (đền Hùng): "Non nước cao sâu, tưởng bóng long, tiên còn thoáng đó/ Khói hương ngào ngạt, động lòng sơn hải biết yêu nhau".

Như vậy để thấy rằng, tuy thời Nguyễn có thể không cho phép xuất hiện hình tượng rồng, tiên trong trang trí kiến trúc, nhưng những câu đối, diễn ngôn liên quan đến rồng, tiên vẫn được duy trì cho thấy tâm thức về cha rồng, mẹ tiên đã đi sâu vào văn hóa người Việt.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 7.

Tiên nữ cưỡi rồng trên tấm bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi ở chùa Láng (Hà Nội)

* Nói rộng ra, sẽ không sai khi khẳng định con rồng là một biểu tượng đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam?

- So với các nước lân bang, điển hình là các triều đại phong kiến Trung Hoa từ rất sớm đã thâu dụng và độc chiếm hình ảnh rồng, nâng nó lên thành một biểu tượng cho vương quyền tối cao kể từ thời Hán. Đối chiếu với văn hóa Việt Nam, con rồng không hề cực đoan như vậy, mặc dù rồng cũng được các bậc đế vương thu lấy về mình. Điều này được minh chứng cụ thể qua hình tượng tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện tuy muộn trong mỹ thuật Đại Việt nhưng lại tỏa sáng suốt ba thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và thống nhất rằng người Việt Nam sùng ngưỡng biểu tượng rồng. Con rồng đối với người Việt ở một chừng mực nào đó vẫn có sự thân thuộc mà không bị kéo quá xa về phía triều đình phong kiến. Đặc biệt, trong mỹ thuật người Việt, nhất là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ với tâm thức tiên là mẹ, rồng là cha.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Trong mỹ thuật người Việt, nhất là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ với tâm thức tiên là mẹ, rồng là cha" - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế.

Tin cùng chuyên mục

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Bức ảnh các bác sĩ đang đứng xung quanh bàn phẫu thuật, thành kính chắp tay cúi đầu, đang được lan truyền khắp nơi trong những ngày qua.

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

"Biến mất" khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh - cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi - xuất hiện trở lại trong những sách "Bài tập thực hành tiếng Việt", lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

"Đường chim bay" là một danh từ đã có trong một số cuốn từ điển tiếng Việt. "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa là "đường thẳng, là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm xa nhau".

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt Dự án “Công viên Thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” và Dự án “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu trên toàn quốc.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Tin mới nhất

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

Đảo quốc sư tử Singapore hiện đang thu hút với địa điểm dành cho các tín đồ của trà sữa và những viên trân châu ngọt ngào, cũng như những ai ưa khám phá. Đó là bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên tại Đông Nam Á

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Với vẻ đẹp hoang sơ của biển cùng kiến trúc độc đáo, cầu cảng Hải Tiến thuộc Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) hiện đang là điểm check-in khiến giới trẻ mê mệt.

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Những chuyến du xuân vui và hoàn hảo ai cũng mong muốn, tuy nhiên nó sẽ mất hứng và không trọn vẹn khi gặp những phiền toái đột xuất xảy ra trên đường.

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Đến hẹn lại lên. Tháng Giêng âm lịch hàng năm là tháng của rất, rất nhiều các lễ hội ở Việt Nam trong đó có những lễ hội đáng chú ý, thu hút mối quan tâm của đông đảo dân chúng cũng như du khách gần xa.

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Từ nhiều năm nay, với đặc thù về cảnh quan trong dịp Tết, Tây Bắc luôn là điểm hẹn lý tưởng để các phượt thủ tìm đến

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Thái Lan, nếu đã quá quen với Bangkok và Pattaya náo nhiệt phố thị, Phuket với những bãi biển cát trắng trải dài, thì Chiang Mai sẽ cho du khách một trải nghiệm khác biệt.