Roma ‘đại tu’ đài phun nước Trevi
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 30/6, thành phố Roma (Italy) đã bắt đầu triển khai dự án tu bổ đài phun nước Trevi và đây sẽ là hoạt động sửa chữa “mạnh tay” nhất trong 252 năm lịch sử của công trình này.
Đây là dự án mới nhất trong loạt kế hoạch tu bổ những công trình đáng giá của Italy do tư nhân tài trợ, cụ thể là tiền do hãng thời trang Fendi bỏ ra.
Nằm ở quảng trường Trevi gần đường Via del Tritone, đài phun nước Trevi đẹp nhất về đêm. Đài phun nước Trevi cao 25.9m, rộng 19.8m, ở giữa là tượng 2 vị thần Neptune và Oceanus.
Ban đầu đây là miệng của một máng dẫn nước thời La Mã cổ đại, chịu trách nhiệm cung cấp nước cho thành phố từ nguồn nước tinh khiết cách đó hơn 10km.
Năm 1730, Giáo Hoàng Clement XII tổ chức cuộc thi xây dựng lại đài phun nước. Công việc nâng cấp bắt đầu năm 1732 và hoàn thành năm 1762.
Với dự án tu bổ tốn kém 2,2 tiệu euro này, đài phun Trevi sẽ được làm sạch và được lắp các máy bơm mới, chăng đèn nghệ thuật và các rào chắn nhằm ngăn chim bồ câu gây hại. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 16 tháng. Trong thời gian thi công, nguồn nước ở đài phun sẽ được khóa lại.
Khi đứng trước công trình này, ông Pietro Beccari, Giám đốc điều hành của hãng Fendi, nói rằng hãng thời trang sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho dự án tu bổ bởi thành phố Roma đã truyền cảm hứng cho thương hiệu thời trang của ông.
“Sau nhiều năm lấy cảm hứng, vẻ đẹp, nghệ thuật và văn hóa của Roma, giờ chúng tôi có thể trả lại thành phố này thứ gì đó. Song trên tất thảy, khi Italy cần những hành động tích cực thì mọi người hãy làm đi và nói ít thôi” - ông Beccari tuyên bố.
Đài phun Travi trải qua cuộc tu bổ lớn gần đây nhất là cách nay 25 năm. Từ đó đến nay, nhiều kỹ thuật mới đã phát triển nên cuộc tu bổ lần này được xem là kỹ lưỡng nhất trong lịch sử đài phun.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án tu bổ Trevi, ông Ignazio Marino, Thị trưởng thành phố Roma, nói rằng việc trông nom di sản văn hóa của thành phố là trách nhiệm cần phải được chia sẻ.
“Những gì mà chúng ta có ở thành Roma không chỉ thuộc về người La Mã mà còn thuộc về tất cả những người hằng ngày tới thành phố đầy kinh ngạc của chúng ta” – ông Marino tuyên bố.
Được biết lượng tiền xu du khách thả xuống đài phun Trevi mỗi năm rơi vào khoảng 1 triệu euro (1,3 triệu USD).
Tư nhân vào cuộc
Các nguồn quỹ công cộng dành cho việc tu bổ các di chỉ lịch sử ở Italy hiện đang rất eo hẹp và thực trạng này đã thúc giục các doanh nghiệp tư nhân phải vào cuộc để cứu các công trình có nguy cơ sụp đổ.
Ngoài hãng thời trang Fendi, thương hiệu giày cao cấp Tod's cũng đã cam kết đổ tiền cho dự án trùng tu đấu trường La Mã Colosseum. Hãng đồ trang sức Bulgari thì đầu tư cho Các bậc thang Tây Ban Nha (quảng trường và nhà thờ ở Roma được kết nối bằng những bậc thang Tây Ban Nha được xây dựng vào năm 1723-1726, do Francesco de Sanctis thiết kế.
Bên cạnh đó ở Venice, ông Renzo Rosso, người sáng lập ra thương hiệu đồ jeans Diesel, đang chi tiền cho dự án tu bổ cây cầu Rialto. Ông Rosso coi đây như một sự “báo đáp” khi đã mượn cây cầu làm không gian quảng cáo cho thương hiệu của mình.
Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Finmeccanica đã cam kết hỗ trợ về nhân lực và công nghệ, trị giá khoảng 2 triệu euro (2,7 triệu USD) cho dự án tu bổ thành phố Pompeii, từng bị nhấn chìm trong tro núi lửa hồi năm 79 sau công nguyên.
Tuấn Vĩ