Real Madrid: Nếu còn có những Makelele ở Real…
(Thethaovanhoa.vn) - … Thì Zidane sẽ là người hạnh phúc nhất thời điểm này. Không ai hơn huyền thoại người Pháp thời còn thi đấu. Nhưng tuyến giữa đang trở thành mê cung khó giải với HLV của Real.
- Từ Benitez đến Zidane: Khi Casemiro là một Makelele kiêu ngạo
- Góc nhìn: Real Madrid vẫn cần một Makelele
- Top 20 phát biểu ‘kinh điển’ của Mourinho: 'Wenger là kẻ thích soi mói. Makelele là một nô lệ'
- Hàng công càng khủng, Real Madrid càng cần 'những Makelele'
Trò xếp hình của Zidane
Zidane luôn cần có Davids và sau đó là Makelele. Những người giúp huyền thoại người Pháp tự do để phát huy trí tưởng tượng của mình trên sân đấu. Từ Juventus, Real Madrid cho tới đội tuyển Pháp, sự xuất hiện của bộ đôi một công một thủ đã trở thành công thức chủ đạo đưa mọi đội bóng của HLV 44 tuổi tới thành công. Nhưng trong 10 năm qua, kể từ khi Zidane giải nghệ, chiến thuật bóng đá đã thay đổi chóng mặt.
Ông được chứng kiến Tây Ban Nha thành công với bộ đôi tiền vệ trung tâm trứ danh Xabi-Busquets ở Nam Phi, đã học được nhiều điều từ Pep Guardiola trong cách sử dụng những tiền vệ như Xavi ở vị trí lệch phải, hay xếp Fabregas vào vị trí tiền đạo ảo. Hoặc Jose Mourinho với sơ đồ kim cương ở giữa sân cực kì hiệu quả. Ở giai đoạn làm trợ lý cho Ancelotti, mọi ý tưởng của HLV người Ý về việc sắp xếp Di Maria như một hộ công, hay Isco như một chuyên gia phòng ngự trong từng thời điểm thích hợp mang lại danh hiệu Decima, cũng được Zidane nghiền ngẫm kĩ và không bỏ sót một điều nhỏ nào.
Ngay cả trong sự bảo thủ của Rafa Benitez, Zidane cũng nhìn thấy giá trị của cách biến đổi hệ thống thi đấu của Real. Nhưng có một đôi chân khéo léo và kĩ năng tổ chức trận đấu cự phách của một cầu thủ, lại không giúp ích được nhiều cho Zidane trong việc xây dựng một tuyến giữa thật sự có đường nét trên ghế chỉ đạo.
7 trận đầu tiên, Modric-Kroos-Isco là bộ ba lý tưởng với HLV 44 tuổi này, Real chơi rất trôi chảy với 6 chiến thắng và 1 trận hòa. Khó khăn xuất hiện ở La Rosaleda trước đội chủ nhà Malaga và sau đó là ở Bernabeu trong trận derby Madrid. Real phô bày mọi điểm yếu về chiến thuật và khả năng ứng phó của Zidane bị nghi ngờ. Chính xác hơn, năng lực của HLV người Pháp bị hoài nghi, đến mức, chính ông phải bỏ ngỏ về tương lai trong mùa tới.
Mùa bóng 2003-2004, Frank Rijkaard đã được giải cứu nhờ sự đa năng của Edgar Davids, người đóng vai trò con thoi trong đội hình của HLV người Hà Lan khi đó. Vừa phòng ngự vừa dâng cao tấn công theo trục dọc. Zidane không có Paul Pogba trong tay, không có Xabi và không có ý tưởng nào để biến những tiền vệ tài năng đó thành khối rubic hoàn chỉnh.
Sẽ không có cách mạng ở Bernabeu
“Hãy bình tĩnh Perez, Guardiola được thừa nhận là một HLV ngay từ khi còn thi đấu, vì bản năng và khả năng lãnh đạo thiên bẩm, nhưng Zizou thì không”, kí giả Francesc Aguilar hoảng hốt khi biết tin Zidane sẽ là Pep thứ hai của ông chủ đội bóng Hoàng gia.
Sự ham học hỏi của HLV người Pháp khi tới Marseille theo dõi những buổi tập của Bielsa hay Bayern Munich để tìm hiểu phương pháp của Guardiola, chỉ là phản ứng tức thời khi được lựa chọn thay thế Benitez. Một câu chuyện cũ mèm: Pep Guardiola bắt đầu tầm sư học đạo từ thời còn thi đấu ở Brescia, trước khi dấn thân vào nghiệp HLV một cách thật sự và đi dọc ngang trái đất để học hỏi tất cả những gì có thể giúp ích ông trong cách cầm quân.
Aguilar quả quyết, Zidane sẽ chỉ là huyền thoại cầu thủ và không bao giờ trở thành huyền thoại HLV. Dường như HLV người Pháp đang chứng minh điều đó là đúng. Zidane loay hoay với các lựa chọn có trong tay, không có ý tưởng rõ ràng và không có sự quyết đoán như khi thực hiện cú vô lê hoàn mỹ vào lưới Leverkusen năm 2002.
Sự rụt rè của Zidane bị bắt gặp ngay trong những ngày đầu ở vị trí HLV trưởng. “Tôi đến buổi tập đầu tiên của Real và thấy cậu ấy khá e ngại trong việc chỉ đạo, không trực tiếp đứng ra làm việc với từng nhóm cầu thủ hay đưa ra những chỉ dẫn nào khác”, cựu HLV Lacombe nói với cánh nhà báo.
“Tôi có quyền lực tự nhiên ở đây, nhưng tôi sẽ không hét vào mặt các cầu thủ của mình”, Zidane nói về sự nhỏ nhẹ của mình như vậy. Nhưng trình bày ý tưởng, chiến thuật, hay chỉ bảo các học trò thì không phải là hò hét, mà là sự rõ ràng, đôi khi có thể độc đoán như Mourinho hay Benitez vẫn làm.
Zidane có lẽ còn chưa thể hình dung Real sẽ chơi thế nào trong từng trận khác nhau, nếu vẫn cố bám víu vào sơ đồ 4-3-3, được coi là phù hợp để kiểm soát bóng. Cũng không có những ý tưởng đột phá kiểu Del Bosque xếp hai tiền vệ phòng ngự trên sân. Hay biến Toni Kroos thành một tiền đạo ảo, hoặc để Modric trở thành con thoi ở hàng tiền vệ. Sự hỗn loạn sẽ vẫn diễn ra, Zidane phải xoay xở với những lựa chọn của Benitez. Còn Perez sẽ phải chịu đựng một tương lai ảm đảm đang đến gần.
5 Zidane đã sử dụng 5 hàng tiền vệ khác nhau trong 13 trận đấu đã cầm quân ở Real Madrid. 11 Luka Modric là người được ra sân nhiều nhất dưới thời HLV người Pháp với 11 lần ra sân, xếp tiếp theo là Toni Kroos với 10 lần ra sân chính thức. 50 Real Madrid được cho là sẽ trả 50 triệu euro để đưa Verratti về sân Bernabeu trong thời gian tới. Hazard đến, James đi? Theo tờ The Sun, Real Madrid đang đề nghị một cuộc trao đổi ngang “giá” với Chelsea sau khi kết thúc mùa bóng này. Theo đó, họ sẽ để James Rodriguez, người được đội bóng thủ đô London quan tâm tới Stamford Brigde, trong khi Hazard tới Bernabeu theo chiều ngược lại. Tương lai của cả hai tiền vệ này vẫn đang là dấu hỏi, không chỉ vì hai câu lạc bộ cần sự thay đổi, mà vì cả hai đang ở điểm thấp nhất về phong độ. Hazard vốn ì ạch từ thời Mourinho, James cũng chơi không hay hơn dưới thời Benitez, và họ tiếp tục chơi mờ nhạt dưới tay Hiddink và Zidane. Ý tưởng ở đây là sự thay đổi môi trường thi đấu sẽ giúp cả hai tìm lại được bản năng và thức tỉnh tinh thần thi đấu của họ. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa