'Rác Xuân' - Tro tàn rực rỡ của những xác đào khô
(Thethaovanhoa.vn) - Một tác phẩm đoạt giải Biếm họa báo chí Cup Rồng tre lần IV 2014 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức vừa "tái xuất" tại một triển lãm vừa khai mạc chiều tối nay và sẽ không có ngày kết thúc. Đó là triển lãm Rác Xuân 2018 tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại - Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội).
Đó là tác phẩm Cây… cưa của họa sĩ Lê Đức Hùng (bút danh: Hùng Dingo). Đây là tác phẩm đã mang về cho họa sĩ giải Khuyến khích ở mùa giải Biếm họa báo chí Cup Rồng tre lần IV.
Nhưng Cây cưa xuất hiện tại Rác Xuân không còn là Cây... cưa bằng tranh, được vẽ trên một nền đen, hai hàng lưỡi cưa đối nhau tạo thành hình tháp như một cái cây ở giữa đã chết, thì nay được "tái tạo" bằng một chất liệu mới và mang một cái tên mới.
Theo đó, Cây cưa được đổi tên thành Nỗi nhớ rừng và được làm bằng chất liệu là những cành đào xuân đã bỏ đi của người dân sau khi chơi Tết. Mặc dù là tác phẩm sắp đặt nhưng tác giả vẫn giữ nguyên bố cục và nội dung của tranh vẽ. Trên nền những cành đào đã chết khô, Hùng Dingo vẫn treo hai lưỡi cưa bằng mica gương. "Tôi dùng hai chất liệu này để tạo cảm giác bớt u ám hơn, đồng thời hy vọng mỗi khán giả đứng trước tác phẩm đều có thể tự soi mình vào hai lưỡi cưa bằng mica gương để có thể suy nghĩ một chút về vấn đề môi trường xung quanh".
Mặc dù khác nhau về chất liệu, nhưng có thể thấy tính chất "biếm họa" của tác phẩm này vẫn không thay đổi và đặc biệt, nói như Hùng Dingo, "vẫn còn nguyên tính thời sự".
Ngoài tác phẩm của Hùng Dingo, triển lãm Rác Xuân còn 3 tác phẩm khác cũng được làm từ chất liệu cành đào khô.
Đó là một con cá voi khổng lồ đâm xuyên cột nhà trưng bày, mắt được làm bằng vỏ chai nước khoáng cỡ to, đuôi quẫy chạm trần nhà của Phạm Thị Hồng Sâm. Tác giả kỳ công làm tác phẩm này để lên tiếng phản đối nạn giết cá voi bừa bão ở khắp nơi.
Tác phẩm của Xã hội của Yến Năng - tác phẩm duy nhất bày trong nhà triển lãm cũng được làm bằng chất liệu mica gương, gắn trên đó hàng trăm nhành đào khô để muốn nói với người xem rằng: "Xã hội mặc dù rất đông đúc, trừu tượng, nhưng vấn đề xã hội có tốt đẹp hay không lại là do cách ứng xử của từng người một với nhau chứ không phải với nhiều người trong cùng một lúc".
Tác phẩm thứ 4 và là tác phẩm "khủng" nhất trong 4 tác phẩm chính là Hạt và mầm của Hà Huy Mười.
Tác phẩm này có đường kính 3 mét, chiều dài 7 mét, được sắp đặt ngay trên mặt một bể nước, giữa bể có một tiểu cảnh được sắp đặt đã khá lâu.
Tác giả Hà Huy Mười cho biết: "Chúng tôi xem tiểu cảnh có sẵn là một cái đã rất cũ, gần như không thay đổi theo thời gian. Bây giờ chúng tôi biến nó thành một hạt mầm, mang ý nghĩa về sự luân chuyển giữa sự sống và cái chết. Hạt mở ra với rất nhiều lớp cắt và soi vào nhau giữa các số phận..."
Được biết, để làm được 4 tác phẩm kể trên, từ sau tết, các nghệ sĩ đã đặt hàng những người lao công, những bà đồng nát nếu nhặt đào cành người dân chơi Tết xong bỏ đi thì mang đến bán cho các nghệ sĩ với giá 5000đ/cành.
Kết quả là các nghệ sĩ đã bỏ tiền túi ra mua được hơn 1000 cành đào và qua bàn tay tài tình của 4 nghệ sĩ, 1000 cành đào tưởng như sau Tết chỉ là thứ bỏ đi như rác ấy lại được tái sinh dưới một hình hài mới đậm chất nghệ thuật và vô cùng hữu ích, giúp người nghệ sĩ được nói lên tiếng nói của mình với cộng đồng về một thái độ sống tích cực hơn, tử tế hơn với môi trường sinh thái và xã hội.
Triển lãm không có ngày kết thúc nên công chúng có thể thưởng lãm chùm tác phẩm được kết từ những cành đào khô bỏ đi bất cứ lúc nào tại địa chỉ: Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại - Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội).
Huy Thông