Rà soát thu nhập phát sinh từ kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng
Ngày 15/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành tài chính và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ngành thuế sẽ đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình, …); mở chuyên mục hướng dẫn dành riêng cho người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp; tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế...
Cùng với đó, rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành, các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái thương mại điện tử như các chủ sở hữu nền tảng trong nước và ngoài nước, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại... Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, thực hiện phân tích rủi ro, trong đó có sử dụng phương pháp học máy, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng.
Đồng thời, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thời gian qua, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế; tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu thương mại điện tử cũng như tiếp tục làm đầy cơ sở dữ liệu, rà soát chất lượng thông tin do sàn cung cấp; tổ chức thực hiện thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới; rà soát thông tin đối với tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội…
Hiện ngành thuế đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định; hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế; bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu từ Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế. Qua đó tiếp tục tạo nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Đồng thời, ngày từ đầu năm, cơ quan thuế chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từ ngày 21/3/2022. Đến nay, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Lũy kế từ thời điểm triển khai Cổng thông tin điện tử đến nay, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 15.613 tỷ đồng.
Ngoài việc tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội ngành thông qua nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế nhằm thu thập, làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử đồng thời phân quyền khai thác dữ liệu về các địa phương phục vụ quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử.
Với nhiều giải pháp, Tổng cục Thuế cho biết, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 như sau: doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023.