Ra sách 'The Philosophy Of Modern Song' (Kỳ 2 & hết): Có xứng danh với tác giả đoạt giải Nobel văn học?
Còn nhớ, sau khi Bob Dylan được công bố là chủ nhân Nobel văn học 2016, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã rơi vào tình trạng bẽ bàng trước dư luận khitác giả không buồn đếm xỉa tới giải (ông hoàn toàn im lặng). "May thay", về sau ông không từ chối nhận giải như nhiều người dự đoán, dù đưa ra bài diễn từ gây không ít tranh cãi.
Cuốn The Philosophy Of Modern Song (tạm dịch: Triết lý của ca khúc hiện đại) tuy vừa ra mắt một thời gian ngắn, nhưng cũng đã vấp phải một số ý kiến trái chiều.
Nội dung gây tranh cãi
Một số độc giả có thể thất vọng hoặc coi thường khi Bob Dylan không đưa vào trong cuốn sách nhiều ca khúc do nữ viết hoặc trình bày, hip-hop hoặc bất cứ thứ gì xuất hiện sau Pump It Up của Elvis Costello,London Calling của Clash, ngoại trừ một số lựa chọn mang tính hồi cố như âm nhạc cuối đời của Warren Zevon.
Các lựa chọn của ông hầu hết là người Mỹ (trừ The Who, The Clash, Elvis Costello) và có xu hướng hướng tới những thứ cổ điển xưa cũ, dù đó là thể loại nhạc thô ráp mà ông luôn bị thu hút -blues, rock, bluegrass, folk thời đầu - hoặc các tiêu chuẩn tiền pop mà ông đề cao trong bộ ba album cover của mình. Chính xác thì chỉ có bốn nữ nghệ sĩ ở đây.
Đáng ngạc nhiên nhất là sự vắng mặt gần như "phạm thượng" khi không có một ca khúc nào của The Beatles, chẳng lẽ John Lennon và Paul McCartney không hiện đại? Dù vậy, ông chưa bao giờ là người đam mê hoặc ấn tượng với những kỹ thuật phòng thu phức tạp, phát minh âm thanh đột phá. Cũng không có ca khúc nào của Carole King hoặc Joni Mithchell, nhưng Nina Simone được ca tụng đúng đắn trong ca khúc Don’t Let Me Be Misunderstood.
Ông cũng đi ngược nhiều quy tắc có thể khiến các nhạc sĩ trẻ cau mày như tự hỏi sự cần thiết của "tiền-điệp khúc" (một cụm từ có lẽ không tồn tại trong từ vựng của Dylan). Ông còn đưa ra quan điểm khác lạ về việc mọi người cứ đòi hỏi giải thích về ca khúc: "Đôi khi người ta hỏi các nhạc sĩ rằng ca khúc có nghĩa gì, mà không nhận ra rằng nếu họ có nhiều từ vựng để giải nghĩa nó hơn thì họ đã dùng vào ca khúc rồi".
Nhưng trên hết, những ý kiến diễn giải mới là cái khiến nhiều người giật mình nhất (hoặc có thể coi là hay nhất của cuốn sách). Ví dụ, trong chương về bản blue xưa Old And In The Way của Charlie Poole, ông làm sáng tỏ cách nó đánh bại Hello In There của John Prine (bởi nó thật sự được viết bởi một già lão!). Hoặc A Certain Girl của Ernie K-Doe thắng Do You Want To Know A Secret? của The Beatles vì người kể chuyện từ chối hôn, trong khi Tứquái là hiện thân của "những anh chàng bạn cần tránh".
Hãy chuẩn bị tinh thần khi nghe ông đặt mình vào tâm trí của các nhân vật trong ca khúc. Lồng vào cậu-chàng trong Witchy Woman của The Eagles, ông viết: "Môi" của cô ấy (ám chỉ âm đạo) là một cái bẫy thâm hiểm, rồi cô ấy bao bọc bạn bằng thứ vô nghĩa - một kẻ giết người xuất chúng thật sự và bạn nhìn cô với sự hoài nghi và sợ hãi, nên vậy". (Không biết Don Henley và Bernie Leadon có đánh giá cao quan điểm cực đoan này?).
Ông viết về You Don’t Know Me của Eddy Arnold: "Một kẻ giết người hàng loạt sẽ hát ca khúc này". Về Come On-A My House của Rosemary Clooney, ông bối rối và hài hước: "Đây là ca khúc của những kẻ tà đạo, ấu dâm, sát nhân hàng loạt… Một ca khúc yểm bùa được ngụy trang thành hit pop vui vẻ".
The Stands The Glass của Webb Pierce là về một người đàn ông "không nhớ nổi mình từng có linh hồn hay không, còn nếu có, nó đã chết từ lâu dưới đáy hồ. Hắn chiến đấu như một kẻ man rợ, cắm lưỡi lê vào bụng những đứa trẻ và khoét mắt những ông già. Hắn bất tín với linh hồn con người và ám sát các linh mục". Nếu hốt hoảng mà đi tra ca từ của The Stands The Glass thì xin thưa ngay rằng không có (và cũng chưa từng có liên tưởng nào), những hành vi man rợ với ca từ về chàng trai thất tình uống rượu (nhưng có thể kỳ vọng cuốn sách tiếp theo của Dylan là truyện giật gân).
Xứng đáng hay không?
Tuy vậy, những điều này chỉ có thể gây tranh cãi nếu coi Dylan là một nhà báo, người có trách nhiệm giới thiệu, chứ không phải một anh chàng đầy cái tôi, mê pop, blues, country, soul và rock, người không tin thời nào cũng là thời đại vàng. Sự thiên vị của ông về giai đoạn giữa thế kỷ thể hiện rõ trong chương về ca khúc Your Cheatin’ Heart của Hank Williams khi ông than thở rằng các ca khúc hiện đại rất ít triết lý.
"Đó là vấn đề của nhiều thứ ngày nay" - ông nói - "Mọi thứ bây giờ đều đầy ứ, chúng ta được bón cho mọi thứ. Các ca khúc là về một thứ cụ thể, không có bóng, không sắc thái, không bí ẩn. Có lẽ đó là lý do tại sao thời điểm này, âm nhạc không phải là nơi người ta đặt những giấc mơ vào; những giấc mơ ngộp thở trong môi trường hàng không này".
Nếu bỏ qua tất cả những "xéo xắt" đúng tính Dylan, có thể tìm thấy ở đây vô vàn sự chí lý như Money Honey của Elvis Presley dẫn Dylan tới lời độc thoại: "Những điều tốt nhất trong cuộc sống đều miễn phí, nhưng bạn lại thích những thứ tệ hại nhất".
Có rất nhiều khoảnh khắc trong The Philosophy Of Modern Song cho thấy không chỉ bề dày kiến thức âm nhạc mà cả chiều sâu trong sự lắng nghe của Dylan: Ông có khả năng không mỏi mệt trong việc chỉ ra chính xác điều gì khiến một ca khúc - hoặc ca sĩ, nhóm nhạc - khác với những người cùng thời với họ.
Với những người hâm mộ Dylan, 330 trang của The Philosophy Of Modern Song luôn là ranh giới giữa những phi thực mơ hồ với con người thật nhất của ông. Chương về On The Road Again của Willie Nelson có lẽ làm rõ hơn lý do phía sau "chuyến lưu diễn không bao giờ kết thúc" của ông hơn bất kỳ cuốn hồi ký thành thật nào. Lưu diễn, ông viết, là về "niềm vui được di chuyển, không phải ở lại đâu. Bởi vì họ không trả tiền để bạn ở lại. Họ trả để bạn di chuyển. Chẳng ai tức giận vì bạn không đổ rác đi, những mối bất hòa tới không báo trước, hàng xóm không để mắt tới bạn mỗi khi trái gió trở trời".
Bob Dylan lưu ý rằng hiếm có dòng nào tiêu cực trong On The Road Again, nhưng tưởng tượng một ca khúc mà dân lái xe yêu thích lại bỏ phía sau bao nỗi buồn không lời: "Điều quan trọng khi tiến lên là bạn đừng có sa lầy vào bất cứ thứ gì. Kể cả những tin xấu. Bạn mang niềm vui tới cho người khác và giữ nỗi buồn lại cho riêng mình".
Có thể nói, The Philosophy Of Morden Song là cuốn sách rất có giá trị trong việc khai phá cái nhìn mới về những ca khúc xưa cũ nói riêng, văn/âm nhạc hiện đại nói chung. Vấn đề chỉ là độc giả có hợp với những suy nghĩ đó hay không.
Theo trang đánh giá sách tổng hợp Book Marks, The Philosophy Of Modern Song được đón nhận tích cực, dựa trên 21 nguồn uy tín. Tuần qua, ở mục phi hư cấu, sách cũng đứng đầu bảng xếp hạng của Book Marks (mà thứ hai là Surrender: 40 Songs, One Story của Bono) với tám bình chọn kiệt xuất, bảy tích cực, năm hỗn hợp và một chê.
"Dylan giống như một nhà sử học, và hơn cả một nhà phê bình rock tề chỉnh, như ông tưởng tượng về bản thân - đây chắc chắn là một trong những cuốn sách hay nhất về âm nhạc đại chúng từng được viết" - theo đánh giá của tác giả Chris Willman tờ Variety.
Nhà phê bình David Feffe của AirMail thì cảm thán: "Bob Dylan đã giành giải Nobel và tất cả những giải thưởng khác, giờ thì ông đang làm công việc của các nhà bình luận và ông quá mức giỏi!".
Trên góc độ văn học, hãy cùng nhớ lại lý do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải cho Dylan, là bởi "đã sáng tạo cách thể hiện thơ ca mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ". Chẳng phải đây cũng chính là nhận xét chuẩn xác về The Philosophy Of Modern Song chăng?
Tất cả các bài luận ở đây, dù "quái", đã mở rộng niềm tin rằng một ca khúc hay sáng tạo nên cả một vũ trụ, cho dù đó thật sự là ý định của tác giả hoặc chỉ là suy luận của người nghe. The Philosophy Of Modern Song gần giống như một kiểu du hành vũ trụ nào đó, hoặc thoáng nhìn qua kính viễn vọng khổng lồ, vào hơn 60 thiên hà khác nhau, theo cách kỳ lạ.