Ra mắt tự truyện 'Đường Trần': Dấn thân vì những điều tốt đẹp của cuộc đời
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 30/8 tại TP.HCM, tác giả Trần Tố Nga ra mắt tự truyện "Đường Trần – Ngọn lửa không bao giờ tắt". Bà chính là người bền bỉ theo đuổi hành trình "một mình một vụ kiện da cam” trong gần 10 năm nay.
1. Thời chiến tranh, Trần Tố Nga từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đi dọc Trường Sơn vào Nam; làm liên lạc của Ban Trí vận giữa lực lượng kháng chiến và những nguời yêu nước trong thành phố Sài Gòn…. Bà từng bị địch bắt khi đang mang thai. Rồi địch thả bà ra vì lý do nhân đạo “sinh con” nhưng thực chất là để theo dõi bà và bắt những người còn lại. Bà kiên quyết sinh con trong tù chứ không trúng kế của địch khiến đồng đội của mình bị liên lụy.
Đấy chỉ là một trong những chiến công hiếm hoi mà tác giả Trần Tố Nga kể trong 450 trang của tự truyện Đường Trần. Nhà biên kịch Nguyễn Hồ, người kết nối để bản thảo Đường Trần đến NXB Trẻ, đánh giá: “Quen nhau đã lâu, tôi không ngờ Tố Nga viết một cuốn sách mà theo tôi gói gọn trong 6 chữ: nhân văn, chuyên nghiệp và hấp dẫn. Chị gần như không kể về chiến công của mình, mà như thế Đường Trần mới là tự truyện”.
Đường Trần bắt đầu từ những năm tháng tuổi thơ khi tác giả chào đời ở tỉnh Sóc Trăng đến những tháng ngày hiện tại bà đang đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Năm 2009, Trần Tố Nga ra làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
Từ đó, bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà cùng hàng triệu người Việt bị nhiễm chất dioxin. Với bà, đây là cống hiến cuối cùng của đời mình. Hiện, tác giả đang điều trị ung thư do chất dioxin, 2 người con của bà cũng bị nhiễm. Theo tác giả, chất dioxin là tội ác tiêu diệt cả gia tộc, vì cha mẹ bị nhiễm sẽ truyền sang đời con cháu, chứ không chỉ hại một mạng người.
Ngày 14/5/2014, tòa đại hình Evry của Pháp chấp nhận đơn kiện và đơn đã chuyển đến 26 tập đoàn hóa chất Mỹ sản xuất chất da cam. Trong tháng 9/2017 này, bà Tố Nga sẽ trở lại Pháp dự phiên tranh luận thứ 9 khi đang điều trị ung thư.
2. Nhà giáo Nguyễn Thế Hùng, Hiệu trưởng Trường Điện toán và Ngoại ngữ CADASA, đã đọc Đường Trần từ khi còn bản thảo ở bên Pháp và kể rằng ông không cầm được nước mắt. Còn ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, nhận xét: “Tác giả Trần Tố Nga đã viết cuốn tự truyện này bằng hành động của một người dấn thân vì những điều tốt đẹp của cuộc đời”.
Dù ở tuổi 75 nhưng trên gương mặt tác giả Trần Tố Nga vẫn còn nguyên những đường nét của một người đẹp từng “sắc nuớc hương trời”. “Năm 1969 tôi vào chiến khu, tự cảm thấy mình là người có nhan sắc. Nhưng khi gặp chị Tố Nga, tôi không ngờ lại có người đẹp đến vậy" – đạo diễn Việt Linh nhớ lại – "Giờ đọc tự truyện của chị, tôi lại càng bất ngờ khi chị viết một cuốn sách lôi cuốn người đọc đến thế. Nếu cuốn truyện này được chuyển thành truyện tranh thì sẽ hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi biết bao”.
Về phần mình, tác giả Trần Tố Nga nói khiêm tốn như trong tự truyện: “Nhiều khi ngẫm đời mình, tôi thấy mình có cái gì đó giống như một cái dấu gạch nối, kết nối những con người có thiện chí, nhưng lại khác nhau về nhiều mặt trong cuộc sống đầy biến động này. Là người liên lạc của Ban Trí vận, tôi là gạch nối giữa lực lượng kháng chiến và những người yêu nước trong thành phố Sài Gòn. Khi bị tù, tôi – cái gạch nối đã giữ trọn khí tiết, không khai báo, đã giữ an toàn cho những người cùng liên hệ. Làm việc 17 năm trong ngành giáo dục, tôi là gạch nối giữa những thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường với những giá trị truyền thống của đất nước”.
“Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã cố gắng hết sức để làm một cái gạch nối tử tế, chắc chắn, đáng tin cậy” – tác giả chia sẻ.
Tác giả Trần Tố Nga từng làm hiệu trưởng các trường Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Bà được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho những cống hiến của bà cho nước Pháp và vì tình hữu nghị hai nước Việt – Pháp. |
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa