Ra mắt 'Ngâm Kiều toàn tập': Ngâm Kiều với lối xưa nay... chưa ai từng
(Thethaovanhoa.vn) - Ấp ủ trong tâm trí từ thời sinh viên, nhưng phải đến nay, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long mới dần công bố Ngâm Kiều toàn tập - dự án đang trên đà hoàn thiện và được anh gửi gắm nhiều tâm huyết. Theo đó, toàn bộ 3.254 câu thơ của Truyện Kiều sẽ được nhiều nghệ sĩ ngâm trên nền nhạc và phát miễn phí trên Youtube.
“Cho đến thời điểm này, ngâm toàn bộ Truyện Kiều theo đúng lối ngâm Kiều đặc trưng đối với tôi đã chỉ còn một chút công đoạn kỹ thuật cuối cùng để hoàn thiện. Điều đó khiến tôi vẫn cứ nghĩ như một giấc mơ!” - nhạc sĩ bày tỏ với Thể thao và Văn hóa.
* Mong muốn lớn nhất của anh khi thực hiện dự án này là gì?
- Mong muốn thì nhiều lắm! Tôi muốn tất cả mọi người, kể cả trong nước và quốc tế, biết rằng Việt Nam ta có một thể loại âm nhạc, một lối hát độc đáo được sinh ra từ một kiệt tác văn học của dân tộc. Rồi, tôi muốn hồi sinh toàn bộ Truyện Kiều được thể hiện theo đúng lối ngâm Kiều, để mọi người biết được tầm vóc và sự thú vị của nó.
* Vậy, anh bắt đầu dự án của mình từ bao giờ?
- Tính ra, tôi đã có hơn 20 năm theo đuổi câu chuyện này, từ khi còn đang theo học ngành lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhưng, tôi không dám nghĩ có ngày sẽ làm được thế, vì nó là một dự án quá lớn. Và có lẽ, dự án sẽ không thể thực hiện được nếu tôi không có những năm hoạt động gắn với âm nhạc truyền thống, làm rất nhiều điều gắn với âm nhạc dân tộc - để rồi những nỗ lực ấy tạo được sự đồng cảm của nhiều nghệ sĩ.
Biết mong muốn của tôi, họ chia sẻ và cùng tham gia, trước là như được chơi nghề, sau là cũng mong muốn cùng đóng góp cho âm nhạc dân tộc trong khả năng của mình. Và chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án vào tháng 3 năm ngoái, ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra. Khi ấy, các nghệ sĩ đa phần đều ở nhà và có quỹ thời gian thuận lợi cho việc này.
* Trước dự án này, như những gì anh tìm hiểu, việc ngâm Kiều trong lịch sử đã được thực hiện như thế nào? Thực tế, đã có nhiều nghệ sĩ hoặc nghệ nhân thực hiện việc ngâm Kiều với phần nhạc đệm dân gian để biểu diễn (trên sân khấu hoặc qua sóng radio) chưa?
- Trong lịch sử Việt Nam, ngâm Kiều, lẩy Kiều giống như một lẽ tự nhiên, nó luôn hiện hữu hàng ngày, trong ngôn ngữ giao tiếp của ông bà ta từ xa xưa. Nếu để ý sẽ thấy, các cụ nhà ta trước đây cứ gặp một chuyện gì, hay muốn nhắn nhủ, răn dạy con cháu điều gì, hay những người trẻ muốn gửi gắm tới người mình yêu, hay tâm trạng đang hướng tới điều gì đó… thì đều có thể mượn một vài câu Kiều để giãi bày.
Ngay kể cả bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy các chính khách cấp cao trong lúc nói chuyện cũng có thể vận một câu Kiều, làm cho câu chuyện thêm sinh động và tạo sự thú vị. Thậm chí, Kiều cũng được các chính khách quốc tế sử dụng trong bài phát biểu có liên quan đến mối quan hệ với Việt Nam. Điều đó khiến cho chúng ta thấy họ tôn trọng và yêu giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, và tôi nghĩ nó có tác dụng tốt, tạo thiện cảm, góp phần gắn kết 2 đất nước.
Thực tế thì hiện nay, ngâm Kiều vẫn sống trong đời sống tinh thần của người Việt, tồn tại trong các hình thức sân khấu kịch hát, trong các thể loại âm nhạc dân tộc nhưng với tư cách rất phụ. Nó là một phần rất nhỏ của một bài chèo, xẩm, dân ca… Và phần lớn ngâm Kiều được khai thác ở phần âm nhạc, còn lời thì là lời mới của các nhà thơ, nhạc sĩ dân gian khác.
Tuy nhiên, thể hiện lối ngâm Kiều trọn vẹn tác phẩm Truyện Kiều với 3.254 câu thì tôi tin rằng xưa nay chưa có, đây là lần đầu tiên. Thậm chí, một đoạn ngắn khoảng 10, 12 câu thơ của Truyện Kiều hay một bài thơ của tác giả nào đó được thể hiện theo đúng lối ngâm Kiều cũng gần như rất ít.
- Từ 'nối điêu' trong 'Truyện Kiều'
- Giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn
- Tình yêu Truyện Kiều và 73 bản chuyển ngữ bằng 21 ngôn ngữ
* Vậy, ở góc độ chuyên môn, dự án của anh khác với việc ngâm Kiều đã từng có trong quá khứ như thế nào?
- Rất khác, khác cơ bản. Ví dụ, ngâm Kiều thường không đứng ở vị trí một lối hát chủ đạo trong một tác phẩm mà chỉ ở vai trò phụ. Thường trong một bài chèo, xẩm, dân ca… sẽ có khoảng chững hoặc điểm nhấn bằng cách ngâm ngợi một cặp hoặc 2 cặp thơ lục bát thì lúc này người nghệ sĩ có thể sẽ vận dụng lối ngâm thơ cổ, sa mạc, bồng mạc, hát nói… hoặc có thể là ngâm Kiều. Tức là nó ở vai trò rất phụ.
Nhưng rõ ràng, giá trị của lối ngâm này rất độc đáo, vì nó được sinh ra từ một tác phẩm văn học và mục đích ban đầu là để tôn lên nét đẹp của tác phẩm, giúp cho tác phẩm nhiều màu sắc hơn để người nghe tiếp cận nó một cách dễ dàng hơn, tự nhiên hơn và giàu cảm xúc hơn.
Đây là điều đặc biệt, thậm chí không quá khi nói rằng nó là một di sản quý mà cha ông ta đã để lại, chúng ta cần gìn giữ, nâng niu và lan tỏa nó.
Ra mắt vào khoảng đầu tháng 4 tới, Dự án Ngâm Kiều của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long được chia làm 12 chương. Mỗi chương có độ dài từ 40 đến 60 phút, sẽ được giới thiệu riêng để khán giả tiện việc theo dõi. Phần dựng hình sử dụng tranh vẽ 2D kèm kỹ xảo. Toàn bộ phần biên tập do nghệ sĩ Phạm Đình Dũng đảm nhiệm. Giọng ngâm là các nghệ sĩ: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, nghệ sĩ Văn Phương, Thúy Nga; dàn nhạc có các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (tranh), Phạm Đức Bình (nguyệt), NSƯT Xuân Hải (nhị), Lê Hữu Trung (sáo, bầu)…Phần thu âm do nghệ sĩ Chu Cường thực hiện. |
(Còn tiếp)
Ngọc Minh (thực hiện)