Ra mắt các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/3, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm Ngày Nhà văn Thế giới (3/3) và Ngày thơ ca Thế giới (21/3), Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức Lễ ra mắt sách Văn học, tư liệu Nga dịch sang tiếng Việt.
Các tác phẩm được ra mắt dịp này gồm: Các vở kịch chọn lọc của Lev Tolstoy, tuyển tập thơ của Sergey Esenin, truyện vừa Con gái Ivan, mẹ Ivan của Valentin Rasputin và chuyên khảo nổi tiếng của Andrey Venhediktovich Fedorov Cơ sở lý thuyết dịch đại cương.
Bên cạnh đó, chương trình còn giới thiệu một số tác phẩm văn học Nga của nữ dịch giả Phan Xuân Loan như: Tác phẩm Ra đời (tác giả Alexei Varlamov), tác phẩm Nhật ký mẹ chồng và Vợ, người tình và quý ông hoàn hảo (tác giả Maria Metlitskaya), Những nhân chứng cuối cùng (tác giả Svetlana Alexievich) và một số tác phẩm khác.
Phát biểu tại chương trình, ông Aleksey Vladimirovich Popov, Tổng lãnh sự Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, đã có rất nhiều người Việt Nam am hiểu các tác phẩm văn học kinh điển đến từ đất nước Nga. Cho đến nay, các tác phẩm văn học Nga hiện đại cũng ngày càng phổ biến hơn tại Việt Nam. Điều đó càng thúc đẩy sự phát triển, giao lưu mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật giữa hai nước Nga và Việt Nam.
Trong chương trình ra mắt các tác phẩm văn học Nga đến với bạn đọc Thành phố Hồ Chí Minh lần này, đa số là những tác phẩm văn học kinh điển, đã được giới thiệu đến công chúng. Các dịch giả nổi tiếng của Việt Nam cũng đã nỗ lực để chuyển tải những tác phẩm Nga đến độc giả Việt Nam. Ông Aleksey Vladimirovich Popov bày tỏ cảm ơn các dịch giả Việt Nam với tinh thần lao động miệt mài và hy vọng các dịch giả sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật giữa Nga và Việt Nam.
Bà Hoàng Tịnh Thủy, Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, văn học Nga đã luôn là một trong những nền văn học vĩ đại trên thế giới. Độc giả Việt Nam yêu quý đất nước Nga với những nhà văn, đại thi hào như Lev Tolstoy, A. Puskin… Các tác phẩm văn học kinh điển của những nhà văn này không chỉ gắn bó, nâng đỡ mỗi người dân Việt Nam trong thời khắc khốc liệt của lịch sử, mà còn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, giúp độc giả Việt Nam cảm nhận và ngưỡng mộ vẻ đẹp của đất nước Nga, tâm hồn Nga, cũng như tính cách con người Nga.
Theo bà Thủy, những chuyển động mạnh mẽ của lịch sử đất nước Nga diễn ra từ những năm 80 cuối thế kỷ XX trở lại đây đã nảy sinh những vấn đề và nhân tố mới trong tiến trình văn học Nga. Các sáng tác của nhà văn Nga đương đại là kết quả của những tiếp xúc với văn hóa Tây phương, tạo nên một sự tiếp biến thú vị. Tuy vậy, ngòi bút của các tác giả Nga vẫn không bị hòa lẫn, mà mang một phong vị đặc biệt, thậm chí có phần nổi trội hơn, mới mẻ hơn, tạo ra địa hạt cho riêng mình. Mặt khác, cùng với sự vận động lịch sử, những xáo trộn trong nhận thức và thực tiễn sáng tác của cả hai nước đã khiến cho hầu như rất ít tác phẩm của các nhà văn đương đại Nga được giới thiệu đến với bạn đọc Việt Nam.
- Dịch văn học Nga: Hai cánh bướm chẳng làm nên mùa Xuân
- Những thăng trầm của sách văn học Nga tại Việt Nam
- Văn học Nga ở Việt Nam: Xa rồi thời hoàng kim
“Đáng chú ý là thời gian gần đây, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của các dịch giả như Thụy Anh, Hoàng Thúy Toàn, Phan Xuân Loan… văn học Nga đã dần quay trở lại và hứa hẹn tạo nên một vị thế riêng trong xu thế đọc tại Việt Nam. Riêng Nhà xuất bản Phụ nữ cũng đã nỗ lực xây dựng Tủ sách Văn học Nga đương đại với những tựa sách có giá trị và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, như: Tác phẩm “Nhật ký mẹ chồng”, “Vợ, người tình và quý ông hoàn hảo” (nhà văn Maria Metlitskaya)… Qua đó, có thể xem đây là tín hiệu vui khi những tác phẩm văn học đương đại Nga đang được chào đón tại Việt Nam; đồng thời góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ thân tình giữa văn hóa, nghệ thuật nói chung Việt Nam – Nga”, bà Thủy cho biết./.
Tin, ảnh: Gia Thuận