Quyền lực tennis đã thay đổi, đã đến lúc Nole và Nadal theo bước Federer
Trong hơn 20 năm qua, quần vợt nam như là một hành tinh chỉ đơn giản quay quanh sự nghiệp của ba siêu sao Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic.
Từ năm 2003 đến năm 2023, họ giành được 66/81 danh hiệu đơn Grand Slam, qua đó tạo nên một kỷ nguyên thống trị của "Big Three".
Quyền lực đã thay đổi
Nhưng năm nay, quần vợt nam chứng kiến một diện mạo khác vì không ai trong số ba người trên giành được danh hiệu Grand Slam nào, lần đầu tiên kể từ năm 2002. Mặc dù Djokovic vẫn có thể thách thức các danh hiệu lớn nhất, bằng chứng là tấm huy chương vàng Olympic vào tháng 8, nhưng giờ đây chúng ta có thể hình dung ra một kỷ nguyên mới không có "Big Three" và tác động mà họ để lại cho môn thể thao này.
Thực tế, thời đại của "Big Three" đã suy yếu trong một khoảng thời gian. Năm 2022, Federer đã tuyên bố nghỉ hưu. Sự xuất sắc của Nadal cũng bị suy yếu bởi những chấn thương gần đây và anh cũng thừa nhận ngày mình giải nghệ đã gần kề. Andy Murray, người liên tục thách thức "Big Three" và tự mình giành được 3 Grand Slam, cũng đã nghỉ hưu vào tháng trước.
Djokovic là tay vợt duy nhất chiến thắng được thời gian khi có sự thống trị gần như hoàn hảo vào năm 2023 với 3 danh hiệu Grand Slam. Tuy nhiên, lần cuối cùng anh giành được danh hiệu ATP đã từ tháng 11 năm ngoái. Điều này có thể báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới mà những người như Carlos Alcaraz và Jannik Sinner sẽ đứng đầu môn thể thao này.
Họ đã chia sẻ các Grand Slam trong năm nay. Sinner, 23 tuổi, đã giành được hai danh hiệu Major đầu tiên của mình tại Australian Open và US Open. Alcaraz, 21 tuổi, đã giành được French Open và Wimbledon. Trong những trận chung kết Grand Slam đó, Alcaraz đã đánh bại Djokovic trong khi Sinner cũng đánh bại tay vợt người Serbia trên đường đến ngôi vô địch Australian Open vào tháng 1.
"Sự thay đổi quyền lực lành mạnh nhất trong thể thao là khi những chàng trai trẻ đánh bại những người giỏi nhất mọi thời đại", Mats Wilander, người từng vô địch Grand Slam 7 lần, nói với CNN.
"Đó là điểm khác biệt giữa sự thay đổi này với các thế hệ khác, khi bạn có một thế hệ tuyệt vời và sau đó có một thời gian tạm lắng trong vài năm. Pete Sampras đã dừng lại ở đỉnh cao. Big Three thì không như vậy, họ đã thúc đẩy nó đến cùng".
Di sản mà "Big Three" để lại
Mặc dù "Big Three" lần lượt nghỉ hưu, nhưng ảnh hưởng của họ đối với quần vợt nam vẫn còn rất lớn. Nhiều tay vợt trẻ hiện tại đã lớn lên bằng cách xem Federer, Nadal và Djokovic thi đấu. Điều này đã ảnh hưởng đến phong cách chơi của họ.
Wilander cho biết hầu như không ai có thể chơi giống Federer, vì "rất khó để có kỹ thuật hoàn hảo và không tốn sức như vậy". Ông nói thêm rằng thế hệ trẻ ngày nay chơi giống Djokovic hơn, vì "cách đánh bóng cơ bản hơn rất nhiều". Trong khi đó, Nadal truyền cảm hứng về tốc độ của đầu vợt.
Và sự thống trị của "Big Three" trong một thời gian dài như vậy cũng tạo ra cái gọi là "thế hệ lạc lõng", bao gồm những tay vợt kém may mắn được sinh ra sau họ 10 năm. Khi Big Three bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, các tay vợt này cũng không có đủ thời gian để tô đậm bảng thành tích vì họ cũng gần vào giai đoạn xuống phong độ. Dù vậy, việc cố gắng theo kịp "Big Three" đã ảnh hưởng đến những tay vợt trẻ hơn.
Simon Cambers - một nhà báo và đồng tác giả của cuốn "The Roger Federer Effect" (Hiệu ứng Federer) - chia sẻ với CNN Sport rằng: "Trước đây, mọi chuyện luôn là: Vào tứ kết, đấu với Rafa và kiểm tra chuyến bay của bạn".
"Bởi vì cả ba người họ đều có thể lực tốt, kỹ thuật tốt, tinh thần mạnh mẽ. Họ đẩy giới hạn về mặt thể chất đến mức Alcaraz đã gặp phải một số chấn thương".
"Tôi nghĩ họ sẽ tìm ra cách, nhưng nó sẽ không giống như sự nghiệp của Big Three", ông nói thêm. "Kỷ nguyên mới sẽ trông khác và chúng ta nên quen với điều đó".
Khiến quần vợt trở nên "ngầu" hơn
Ngoài sân đấu, Big Three, đặc biệt là Federer, đã giúp xây dựng hình ảnh mới về một vận động viên quần vợt.
Khi Federer 25 tuổi, tiểu thuyết gia người Mỹ David Foster Wallace đã viết các bài luận về anh, mô tả lối chơi của anh là một "vẻ đẹp sinh động". Đồng thời, sức hút của anh, vô số hợp đồng quảng cáo thương hiệu và tình bạn với Anna Wintour, đã giúp anh trở thành một nhân vật văn hóa đại chúng và là một biểu tượng thời trang. Quần vợt nam chưa bao giờ chứng kiến điều gì giống như vậy.
Bằng cách đảm nhận vai trò này, Federer đã mở đường cho những người đi sau anh, bao gồm Nadal và Djokovic bước chân vào thế giới bên ngoài quần vợt.
"Ngày nay, tôi nghĩ việc Matteo Berrettini trở thành người mẫu cho Hugo Boss, Sinner cho Gucci, v.v., gần như là điều bình thường", nhà báo Simon Graf, đồng tác giả cuốn "Hiệu ứng Federer" cho biết.
Trong năm qua, số lượng thương hiệu quảng cáo trong quần vợt đã tăng 40%, nhanh hơn nhiều so với các môn thể thao khác tại Mỹ. Ngày càng có nhiều thương hiệu quần áo và thể thao đang đầu tư vào môn thể thao này. Vì vậy, quần vợt đang "thời thượng" và rất phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại.
Và khi các ngôi sao trẻ cũng tạo dựng được tên tuổi sau cái bóng của "Big Three", kỷ nguyên vàng son của quần vợt nam này sẽ dần phai mờ trong ký ức. Dù vậy, di sản mà họ để lại sẽ không bị lãng quên.
"Thể thao luôn thay đổi", Cambers nói. "Nhưng những chàng trai này quá vĩ đại và tác động của họ lớn đến mức họ sẽ được nhớ đến mãi về sau".