Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: Có đủ mạnh để 'chấn chỉnh' hành vi lệch chuẩn?
(Thethaovanhoa.vn) - Sau loạt ồn ào trong showbiz Việt liên quan tới phát ngôn thiếu trách nhiệm, quảng cáo sai sự thật, từ thiện thiếu minh bạch… công luận đang chờ đợi nhà quản lý “ra tay” chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn này.
Như báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) đã đưa tin, Bộ VH,TT&DL vừa chính thức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (gồm 3 chương, 11 điều). Việc lấy ý kiến đang được thực hiện trong tuần này.
Báo Thể thao & Văn hoá có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, người trực tiếp tham gia Ban soạn thảo Quy tắc này.
* Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng của Quy tắc? Phải chăng Quy tắc này hướng tới đối tượng là tất cả những người hoạt động nghệ thuật, có thể hiểu là gồm cả nghệ sĩ tự do, hoa hậu, người mẫu không, thưa ông?
- Thời gian vừa qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật gặp nhiều khó khăn thách thức do chịu tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đã không ngừng nỗ lực, cố gắng duy trì hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn hiện tượng người tham gia hoạt động nghệ thuật có những việc làm, phát ngôn không đúng quy định pháp luật, chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hoá dân tộc.
Điều này đã tác động xấu đến đời sống xã hội, gây bức xúc trong nhân dân và có rất nhiều ý kiến từ các tổ chức, cá nhân phản hồi, đề nghị cần có những quy định mang tính quy tắc về ứng xử của người nổi tiếng, đang tham gia hoạt động nghệ thuật.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Tạ Quang Đông tiến hành xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật”.
Đối tượng mà Quy tắc ứng xử hướng đến đó chính là tất cả những cá nhân đang tham gia hoạt động ở các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật, nhiếp ảnh, trong đó bao gồm các cá nhân nghệ sĩ hoạt động độc lập, hoa hậu, người mẫu... đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
* Mục tiêu chính của bộ Quy tắc nhằm điều chỉnh những hành vi nào?
- Bộ Quy tắc hướng đến xác định các chuẩn mực hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử và thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật; khuyến khích các cá nhân phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp và góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. Việc hình thành quy tắc ứng xử chung của người tham gia hoạt động nghệ thuật, trong đó có nội dung mang tính quy tắc chung và nội dung ở phạm vi riêng biệt như trong hoạt động nghề nghiệp; ứng xử với đồng nghiệp; với công chúng, khán giả; khi anh tham gia hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động xã hội khác... Đây là quy tắc cơ bản nhất, là lối ứng xử văn hóa truyền thống của người Việt xưa nay và còn được dân gian đúc kết thành những câu tục ngữ như “tôn sư trọng đạo”, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”... mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Đó chính là giá trị văn hoá của người dân Việt Nam.
* Dư luận kỳ vọng bộ Quy tắc sẽ "làm trong sạch" showbiz Việt, ông nghĩ sao về điều này?
- Qua theo dõi, đánh giá từ công tác quản lý, chúng tôi nhận thấy trong những năm qua, các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật trong đó có các nghệ sĩ, diễn viên đã có nhiều đóng góp trong lao động, sáng tạo nghệ thuật, nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật hay, hấp dẫn có nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật tốt được dàn dựng, biểu diễn qua đó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn với cây kèn Saxophone ở khu cách ly, hay lực lượng y bác sỹ hát vang bài Quốc ca trước lá cờ đỏ sao vàng...được thực hiện trong chuỗi chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch”... thời gian vừa qua đã truyền tải những thông điệp về mặt tinh thần, giúp làm vơi đi những khó khăn, động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước.
Chính vì vậy, khi xây dựng bộ Quy tắc ứng xử này, chúng tôi xác định hướng đến “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” có nghĩa là Quy tắc sẽ giúp nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy, lan toả những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của những cá nhân đang tham gia hoạt động nghệ thuật đến cộng đồng, xã hội và từ đó nhân lên những điều hay, lẽ phải trong đời sống xã hội và đây chính là mục tiêu cao nhất mà Quy tắc hướng đến.
- Dự thảo Quy tắc ứng xử nghệ sĩ: Điều chỉnh từ phát phát ngôn đến hoạt động từ thiện
- Hà Nội tạo sức lan toả trong thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử
- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
* Thực tế chúng ta đã có Nghị định xử phạt trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, thậm chí thực tế có những ca sĩ, người mẫu từng bị “cấm diễn” vì phát ngôn, hành vi phản cảm. Vậy theo ông, bộ Quy tắc có thể mang tính khuyến nghị và đủ sức răn đe trước muôn “trò lố” của sao Việt?
- Hiện nay chúng ta đã có đầy đủ hệ thống các văn bản quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như các hoạt động khác có liên quan. Khi kết hợp với nội dung Quy tắc ứng xử này, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật sẽ xây dựng nội quy, quy chế quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp theo quy định của pháp luật.
Qua đây, chúng tôi cũng mong rằng các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử này; phê phán, lên án các hành vi lệch chuẩn; cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử này.Và ý thức trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác của người tham gia hoạt động nghệ thuật có vai trò rất quan trọng để chúng ta hướng đến việc “nhân cái đẹp dẹp cái xấu” trong hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đức Chi (thực hiện)