Quy hoạch Vùng Thủ đô: Thêm 3 tỉnh, tăng gấp đôi diện tích
(Thethaovanhoa.vn) - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích hơn 24.000 km2 (tăng gần gấp đôi diện tích so với quy hoạch cũ) bao gồm 10 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội giữ vai trò là trung tâm động lực chính.
Bộ Xây dựng vừa công bố quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang).Theo điều chỉnh quy hoạch vừa công bố, trong số 9 tỉnh nói trên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 (tăng gần gấp đôi diện tích so với quy hoạch cũ - 13.436 km2) với quy mô dân số-lao động đến năm 2030 đạt khoảng 21-23 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 55-60%.
Ảnh minh họa
Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65-70%, có vị trí trung tâm của toàn vùng. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, trong khi Vĩnh Phúc phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, còn Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp...
Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam giữ vai trò kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển để phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logictics, giáo dục và y tế chất lượng cao, nhằm giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội và chia sẻ cơ hội sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục cho các tỉnh trong Vùng.
Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Đặc biệt, trong điều chỉnh quy hoạch đã đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp chủ động phòng tránh và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch thoát lũ; quy hoạch thủy lợi, đê điều; quy hoạch hệ thống thoát nước gắn với việc chỉnh trị và khai thác các dòng sông trong vùng.
Vùng Thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị lấy thành phố Hà Nội làm đô thị trung tâm và các thành phố, thị xã của các tỉnh lân cận Hà Nội làm đô thị vệ tinh. Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. |
Theo Chinhphu.vn